Vào thời điểm diễn ra Cách mạng tháng Hai (tháng 3/1917), những người Bolsheviks chỉ có khoảng 1.000 rúp trong ngân quỹ – rõ ràng là không đủ để dành chính quyền. Đảng phí trung bình hàng tháng của mỗi đảng viên khoảng 1 rúp 50 cô-pếch và toàn đảng chỉ có 24 – 25 nghìn thành viên. Theo như báo cáo của ủy ban địa phương, trung ương đảng RSDRP (Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga), thông thường trong giai đoạn này, tiền đảng phí chỉ chiếm không quá 10% thu nhập của các đảng.
Tiền làm cách mạng có từ đâu?
Tuy nhiên cho đến tháng 4/1917, những người Bolsheviks đã bắt đầu xuất bản 17 tờ nhật báo với số lượng bản in lên đến 320.000 bản. Tại Petrograd và Mátxcơva, lực lượng Hồng quân đã được thành lập với con số lần lượt là 20.000 và 10.000 tại 2 địa phương trên. Trong số họ, mỗi binh lính và sĩ quan nhận được lương trung bình 14 rúp mỗi ngày.
Câu hỏi được đặt ra là tất cả số tiền đó từ đâu mà có?
Sự phát triển ảnh hưởng thần tốc của những người Bolshevik, vốn trước đây không quá nổi danh ngay lập tức đã dấy lên những hoài nghi, và sau đó lời buộc tội chính thức (của chính quyền Sa hoàng): Họ nhận được sự trợ giúp từ Đức - quốc gia đang có chiến tranh với Nga trong suốt 3 năm (tính đến năm 1917).
Theo sử gia Evgeny Spitsyn: “Đã có tài liệu cho thấy rằng những người Bolshevik được lực lượng tình báo Pháp cài cắm vào chính phủ lâm thời” (chính phủ dân chủ tư sản sau cách mạng tháng Hai). Tuy nhiên, những “bằng chứng” kiểu như “lời thú tội của viên hạ sĩ quan Ermolenko” đã được chứng minh là giả dối ngay từ năm 1917.
Tất nhiên, cũng đã có những sự hỗ trợ của giới ngân hàng từ Mỹ, tuy nhiên nó chỉ đến tay những người Bolshevik vào mùa xuân năm 1917, bởi người trực tiếp nhận số tiền đó là Trotsky, vào thời điểm ông ta vẫn có 1 nhóm riêng và chưa gia nhập vào lực lượng Bolshevik.
Tháng 3/1917, nhà văn vô sản Maxim Gorky một lần nữa đã hiến cho đảng 3.000 rúp. Vẫn theo Evgeny Spitsyn, “những khoản đóng góp cá nhân là một trong số các nguồn thu chính phục vụ cho hoạt động của Đảng RSDRP giữa những cuộc cánh mạng”.
Cũng đã có những sự kiện kêu gọi đóng góp quỹ đảng trong những cộng đồng công nhân và bình dân thành thị, chủ yếu ở Petrograd. Theo như một thành viên cũ của Bolshevik, Leonid Krasin đã viết: “Hầu hết những đóng góp này được nhận sau khi có những gợi ý rằng họ sẽ gặp phải vấn đề khi cách mạng nổ ra. Tuy nhiên, cũng có dấu hiệu cho thấy có rất nhiều người chủ động góp tiền cho đảng, thường ở mức 5 – 25 rúp/ tháng. Trong số những người này, có cả những luật sư lỗi lạc, kỹ sư, bác sĩ, đồng thời có cả các giám đốc ngân hàng và chính trị gia”.
Sau khi những người Bolshevik gia nhập Xô viết Công nhân và Ủy ban Quân quản, họ nhanh chóng tham gia vào chính quyền và khi đó các khoản ủng hộ chảy vào như sông…
Sự thật nhận tiền từ đế quốc Đức
Tuy nhiên, theo rất nhiều sử gia, cũng không nên phủ nhận hoàn toàn việc tham gia của nguồn tiền từ Đức – ngân sách được cấp từ Đế quốc Đức với mục đích nhằm đánh gục nước Nga, và những người Bolshevik cũng nhận được một phần tiền từ đây.
Dựa trên các nguồn tài liệu khá tin cậy, một công dân Nga, cũng là một Nhà Dân chủ Xã hội Đức tên là Aleksandr Gelfand, có biệt danh là Parvus và từng sống ở Thổ Nhĩ Kỳ và Đức, đã đề xuất với các nhà ngoại giao Đức rằng ông ta sẽ lật đổ Sa hoàng nếu được trả công xứng đáng.
Tham vọng của Parvus tăng dần theo quá trình đàm phán, đầu tiên, ông ta đòi 2 triệu đồng Mark vàng, sau đó là 5 triệu và cuối cùng là 70 triệu (tính theo thời giá hiện nay tương đương 980 triệu USD). Ông ta đã thành công trong việc lấy được một phần đáng kể tiền từ người Đức, nhưng theo Sử gia Andrei Zubov, kế hoạch của Parvus đáng lẽ phải được tiến hành từ năm 1916.
Số tiền này được chuyển đến các đại sứ quán Đức tại các nước trung lập như Đan Mạch và Thụy Điển, sau đó các đại sứ ở đây sẽ chuyển tiền từng chút một cho bạn của Parvus là Yakov Furstenberg. Sau đó, Yakov sẽ chuyển tiền từ các ngân hàng Đan Mạch và Thụy Sĩ về một tài khoản tại Petrograd của người họ hàng ông ta là Evgenya Sumenson tại ngân hàng Nga - Châu Á với lý do mở một công ty dược phẩm.
Người ta cũng biết rằng Parvus đã từng đến Thụy Sĩ và gặp lãnh tụ V.I. Lenin. Tuy nhiên, cũng có một điều rõ ràng là với bản tính thận trọng, lãnh tụ cuộc cách mạng đã thẳng thừng từ chối đề nghị của Parvus (lật đổ Sa hoàng vì tiền).
Cũng đã có cáo buộc rằng Lenin đã đổi ý sau khi Cách mạng Tháng hai nổ ra. Tuy nhiên, dù sao chăng nữa, theo nhiều nhà sử học, khi đó Đức đã cấp tiền cho tất cả các tổ chức chống chính phủ ở Nga (Bolshevik, Mensheviks, Mặt trận Cách mạng Xã hội, các tổ chức dân tộc cực đoan của người thiểu số…) và tổng cộng số tiền này chỉ dừng ở mức 5 triệu Mark. Phần lớn số tiền này cũng đã bị Parvus bỏ vào túi riêng).
Theo sử gia Mikhail Nazarov, lý do rất đơn giản, năm 1915, nước Đức gặp vấn đề lớn về cung cấp thực phẩm và thậm chí là nạn đói năm 1917. Ông chỉ ra điều này trong cuốn sách của mình: “Một số nhà sử học không thèm xem xét độ thật giả của các tài liệu khẳng định những người Bolshevik đã ‘nhận tiền của Đức’”.
Còn giáo sư Oleg Budnitsky, công tác tại Khoa Khoa học Lịch sử trường Cao cấp Kinh tế, cho biết: “Chưa từng ai chứng minh được những cáo buộc này, và có vẻ sẽ không ai chứng minh được – Những người Bolshevik là những người thông minh và giỏi phát hiện các âm mưu”.
Về vấn đề ngân sách của Cách mạng Tháng Mười, có rất nhiều giả thuyết hoàn toàn phi lý dưới con mắt chuyên gia, ví dụ như tiền được cấp bởi phe Liên minh. Trong khi trên thực tế, những người Bolshevik đã ký một hòa ước riêng biệt là Brest-Litovsk với Đức, đi ngược lại quyền lợi của phe này. Theo tiến sĩ Sử học Valery Kerov, còn có một câu chuyện "điên rồ" không kém là những người Bolshevik nhận tiền của những tín đồ Tôn giáo cổ (Old Believer). Thậm chí, những thương nhân theo Tôn giáo cổ tân tiến nhất như Savva Morozov cũng chỉ gần gũi những người Dân chủ Xã hội vì đồng quan điểm về vấn đề lao động, còn lại họ gần với phe bảo hoàng hơn.
Khi Cách mạng đã qua được hơn 100 năm, chúng ta chắc chắn sẽ còn gặp phải nhiều ngụy biện lịch sử hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, các chuyên gia của Hội đồng An ninh Nga cho biết đất nước này sẽ chống lại mọi nỗ lực nhằm làm méo mó một trong những giai đoạn lịch sử quan trọng nhất của nước Nga này.
Bình luận