• Zalo

Giải mã giếng sâu bí ẩn nuốt mạng 8 người

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 22/12/2013 09:45:00 +07:00Google News

Khi xuống giếng, đến độ sâu nhất định, con người dễ rơi vào trạng thái ảo giác.


Khi xuống giếng, đến độ sâu nhất định, con người dễ rơi vào trạng thái ảo giác.


Khi nhắc đến giếng không đáy Jacob ở Wimberley, bang Texas, Mỹ người dân ở đó cảm thấy sợ hãi vì nó đã "nuốt" không ít người vào trong chiếc hố sâu thẳm của mình.


Đến nay có 8 người được ghi nhận đã bỏ mạng khi cố tìm hiểu về cái giếng này, tất cả đều là những thợ lặn nhiều kinh nghiệm. Nhưng điều đó không thể ngăn được trí tò mò của các du khách khi hằng ngày họ vẫn đổ về đây hòng tìm hiểu có gì ở tận cùng của nó.

Truyền thuyết

Ở cái nhìn đầu tiên, giếng Jacob là một chiếc hố sâu hoắm, đen ngòm tràn đầy nước nằm trong một con suối chảy khá hiền hòa. Với đường kính miệng 4 m và dòng nước trong vắt, đây là nơi các thanh thiếu niên địa phương hay tụ tập để bơi lội trong mùa hè nóng bức.

Giếng Jacob nằm ở đáy con suối, chạy dọc xuống khoảng 10 m trước khi mở rộng phía trong lòng với nhiều ngóc ngách thêm 40 m độ sâu nữa. Nhưng đó vẫn chưa phải là đáy của cái giếng đặc biệt này, bên trong nó là một hệ thống hang động ngầm chằng chịt.

Giếng không đáy Jacob nhìn từ trên cao 

Theo ghi chép của các nhà khoa học, cách đây gần 100 năm, vào những năm 1920 giếng Jacob là nguồn cấp nước chính cho con suối phía trên với lưu lượng 0.3 m3/s và phun lên không những cột nước cao đến 2 m.

Những người Mỹ sống xung quanh khu vực giếng xem đây là một nơi linh thiêng. Tên của giếng được đặt theo một người lính còn sống sau trận chiến San Jacinto, sự kiện quyết định Texas tách khỏi Mexico. Người lính đó đã nhìn thấy con suối phun lên từ mặt đất và nói với mọi người đây là "cái giếng trong Kinh Thánh có nhắc đến".

Từ đó, con suối mà miệng giếng sâu hoắm này trở thành địa điểm thu hút rất nhiều người tò mò, không những tìm hiểu về các kỳ quan thiên nhiên mà họ còn đến để tận hưởng cảm giác được nước thổi ngược lên mặt mà không cần bơi. Chỉ cần đến bên mép giếng đen ngòm, chiến thắng bản thân để đủ dũng cảm lao xuống miệng hố đen ngòm đó, bạn sẽ được lực nước đẩy ngược trở lại, vô cùng thú vị.

Nhưng do thay đổi về địa chất trong khu vực, hiện nay, nước từ dưới lòng giếng không còn phun mạnh lên suối nữa mà chỉ còn là những gợn sóng mờ nhạt, con suối bây giờ được cấp nước từ phía thượng nguồn.

Vì vậy trong những năm gần đây, người ta đã chứng kiến 2 lần con suối bị cạn nước, vào năm 2000 và 2008, tất nhiên, nước trong giếng vẫn còn đầy. Hiện nay, chính quyền địa phương đã phải lên phương án bảo vệ nguồn nước, về cả lượng và chất.

Thần chết thầm lặng

Nếu đến đây vào mùa nắng nóng, tất cả du khách sẽ bị dòng nước mát, trong vắt chinh phục. Những người đến đây sẵn sàng tung người từ trên những thân cây sồi mọc bên cạnh suối xuống giếng. Họ không hề chú ý về sự nguy hiểm đang rình rập phía bên dưới mặt nước tĩnh lặng, nơi đã có 8 thợ lặn rất giỏi đi theo "tiếng gọi của giếng không đáy".

Có rất nhiều lời đồn xung quanh những cái chết đáng tiếc này nhưng đa số đều cho rằng, các thợ lặn đã quá tò mò khi thám hiểm những khu vực bí ẩn nhất của hang động bên dưới. Khi đó, sẽ có những tiếng gọi vang lên từ đáy sâu thẳm và những thợ lặn sẽ mất hoàn toàn lý trí, đi theo tiếng gọi đó, miệng giếng nuốt chửng họ một cách rất lặng lẽ.

Một thợ lặn nghiệp dư đang khám phá đoạn trên cùng của giếng 

Dưới đây là một số câu chuyện kinh dị liên quan đến khả năng "nuốt người" không dấu vết của giếng không đáy Jacob qua lời kể của Don Dibble, một chủ cửa hàng bán đồ lặn với 40 năm kinh nghiệm dưới nước.

Theo ông, giếng Jacob là nơi nguy hiểm nhất, ít ra là ở Mỹ để các thợ lặn nhảy xuống. Dibble đã không ít lần kéo những phần thi thể còn lại của những thợ lặn xấu số ra khỏi miệng giếng, bản thân ông cũng suýt bỏ mạng trong một chuyến lặn năm 1979.

Tai nạn đến với ông khi đang cố gắng lặn xuống để vớt thi thể 2 thợ lặn trẻ gặp nạn trước đó là Kent Maupin và Mark Brashier. Khi nổi lên mặt nước, Dibble đã bị mắc kẹt phần hông vào những mỏm đá lởm chởm bên trong hốc của cái giếng. Sau đó, ông đã bị hết dưỡng khí nhưng may mắn được các thợ lặn khác cứu sống nhưng vẫn bị vỡ dạ dày, nổi lên trong tình trạng hôn mê.

Nhận thức được sự nguy hiểm của giếng không đáy, Dibble đã cố gắng chặn các hốc bên dưới miệng giếng bằng lưới thép, lúc ông thực hiện điều đó là vào đầu năm 1980. Tuy nhiên, đến mùa hè năm đó, khi lặn xuống kiểm tra, Dibble đã giật mình khi các lưới thép đã bị gỡ.

Các thợ lặn tò mò đã không chịu nghe lời cảnh báo, họ tìm cách phá bỏ tấm lưới đồng thời để lại một thông điệp trên tấm bảng được nhét trong khe đá với nội dung: “Bạn không thể ngăn chúng tôi vào đây”.

Bí ẩn không lời giải


Giải thích về hiện tượng "lao đầu vào chỗ chết" khi xuống quá sâu, các nhà khoa học đã tự mình xuống những khu vực nguy hiểm nhất của cái giếng và nhận thấy rằng, ở những vị trí đó con người dễ rơi vào trạng thái ảo giác.

Sở dĩ có hiện tượng đó là do con người bị ngộ độc khí nito, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh. Những thợ lặn có kinh nghiệm thường chấp nhận không xuống sâu hơn 30 m vì các lý do an toàn mà họ thường giải thích là "phải tự biết giới hạn của mình".

Qua hàng chục năm, đến nay các thợ lặn vẫn chỉ khám phá được 2 khúc của giếng không đáy, đoạn đầu tiên dốc đứng xuống độ sâu 10 m sau đó bẻ ngoặt đến độ sâu 15 m. Đoạn này có thể được chiếu sáng bằng ánh nắng mặt trời và có một số loài tảo sinh sống.

Khúc thứ 2 của giếng phình rộng xuống độ sâu 24 m dưới mặt nước trước khi kết thúc bằng 1 khe hẹp dẫn xuống đoạn thứ 3, nơi mà Dibble đã chặn lưới thép ngăn không cho các thợ lặn xuống sâu thêm.

Khu vực này chỉ bé như ống khói trong các nhà dân, là chiếc bẫy khiến không ít thợ lặn mắc kẹt lại. Bi thảm nhất trong đó có lẽ là Richard Patton, sinh viên Đại học Tây Nam Texas năm 1983, chàng trai bị mắc kẹt bên trong đoạn ống và bỏ mạng nơi đáy nước đen ngòm.


TheoNNVN

Bình luận
vtcnews.vn