Sáng 29/8, Tổng Cục Thống kê công bố Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2023. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,87%; khu vực nông thôn tăng 0,89%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm bưu chính, viễn thông giá giảm 0,17%.
So với tháng 12/2022, CPI tháng 8 tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng Cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm. Trong đó, CPI tháng Một tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng Sáu mức tăng chỉ còn 2%, tháng Bảy tăng ở mức 2,06%, sang tháng 8 mức tăng bật lên 2,96% nhưng vẫn thấp hơn các tháng đầu năm nay. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm giao thông so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 0,18% trong tháng 2/2023 đã giảm mạnh 11,98% trong tháng 6/2023 và giảm 0,31% trong tháng 8/2023. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Chỉ số giá vàng tháng 8/2023 tăng 0,64% so với tháng trước; tăng 3,93% so với tháng 12/2022; tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 1,54%.
Chỉ số giá USD tháng 8/2023 tăng 0,57% so với tháng trước; giảm 1,16% so với tháng 12/2022; tăng 1,43% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 2,27%.
Lạm phát cơ bản tháng 8/2023 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 4,02% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,1%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 8 tháng năm 2023 giảm 17,56% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 11,3% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Bình luận