• Zalo

Giá đua nhau tăng: Nhịn ăn sáng, trốn hiếu, hỉ

Thời sựThứ Bảy, 10/03/2012 06:19:00 +07:00Google News

(VTC News) – “Giá cả các mặt hàng tăng chóng mặt, lương thì thấp, trả chậm, lấy đâu ra tiền mà cho con ăn học, nói gì tiền mừng hiếu, hỉ, ma chay?”.

(VTC News) – “Giá cả các mặt hàng tăng chóng mặt, lương thì thấp, trả chậm, lấy đâu ra tiền mà cho con ăn học, nói gì tiền mừng hiếu, hỉ, ma chay?”, chị Thơm – một công nhân chia sẻ.

Từ ngày 1/3, giá gas tiếp tục tăng thêm 52.000 đồng mỗi bình 12 kg, nâng giá gas bán lẻ lên 500.000 đồng/bình. Đây là lần thứ ba giá gas tăng kể từ đầu năm. Không lâu sau khi gas tăng giá, xăng dầu cũng bắt đầu "đội giá" kéo theo giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác cũng kiếm cớ “leo thang” gây không ít khó khăn cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp như công nhân.

Nhiều người trong số họ đã phải làm tăng ca hoặc chuyển từ làm ca ngày sang làm ca đêm để tăng thu nhập, giảm bớt gánh nặng chi tiêu đang đè lên vai họ. Số khác lại chọn giải pháp cắt giảm chi tiêu tới mức …khốn khổ, thậm chí cùng khổ khi để những “búp măng” tự học ở nhà hoặc những đứa con đang ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” phụ bố mẹ bán hàng, kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

Minh, 24 tuổi, một công nhân may ở Long Biên (Hà Nội), mẹ của bé Bảo Anh (5 tuổi) cho biết: “Gần một tuần nay, vợ chồng tôi để cháu ở nhà, không cho đi học cùng các bạn nữa. Với đồng lương chỉ khoảng 3 – 3,5 triệu/người/tháng như chúng tôi thì lo tiền ăn tiêu, tiền thuê nhà trọ, trang trải các chi phí phát sinh khác như cưới hỏi, ma chay, những đám cất nhà còn chưa đủ nói gì cho con ăn học tại các trường mầm non hạng bét ở Hà Nội”.

Giá cả leo thang, những em bé phải ở nhà chơi một mình như thế này không phải là ít (Ảnh chỉ có tính minh hoạ: K.V) 

Theo lời kể của chị Minh, hai vợ chồng chị cùng là công nhân may của một công ty tư nhân nên đã phải đổi ca làm chéo nhau để có thời gian chăm con.

“Đa phần là anh ấy làm ca đêm, còn tôi làm ca ngày để có thời gian thay nhau chăm con và nghỉ ngơi. Những hôm có lệnh tăng ca, cả hai vợ chồng không nghỉ được thì đành phải gửi cháu sang nhà hàng xóm hoặc khoá cửa cho cháu ở trong nhà chơi một mình. Nhiều lúc nghĩ thương con rơi nước mắt, nhưng vì miếng cơm manh áo của cháu nên vợ chồng tôi buộc phải lao bơi như vậy”, chị Minh tủi thân nói.

“Trốn” tiền hiếu, hỉ, ma chay

Đồng cảnh ngộ với chị Minh, chị Thơm – người hàng xóm cho hay: “Giá cả các mặt hàng tăng chóng mặt, lương thì thấp, trả chậm, lấy đâu ra tiền mà cho con ăn học, nói gì tiền mừng hiếu, hỉ, ma chay? Nhà tôi thì may mắn hơn nhà chị Minh vì hai vợ chồng tôi đi làm đã lâu, cũng có chút tiền tích luỹ.

Tuy nhiên, những dịp như 8/3 vừa rồi là chúng tôi “lặn không sủi tăm”. Nói thẳng ra là “trốn” quà cáp cho cô giáo của các cháu. Giờ mỗi bó hoa cũng phải tầm 100.000 – 300.000 đồng, bằng cả nửa tuần lương của chúng tôi rồi chứ có ít ỏi gì đâu”.

Dân công sở cũng nói không với khuyến mại "khủng" (Ảnh: K.V) 

Chuyện nhịn bữa sáng – bữa được xem là quan trọng nhất trong ngày đã trở thành “chuyện thường ngày ở phố huyện” đối với những công nhân như vậy.

Anh Thọ, một thợ hàn kể: “Có hôm đi làm đêm về, mệt quá tôi lăn ra ngủ luôn, chẳng còn thiết ăn uống gì nữa. Giờ mỗi bữa sáng cũng phải từ 7.000 – 10.000 đồng, nếu mà ăn như vậy thì làm chẳng đủ nuôi cái thân. Thậm chí hầu hết buổi tối tôi toàn chỉ ăn từ 1 – 2 cái bánh mì mua của người quen với giá 2.000 đồng cho qua bữa…”.

Không ít nữ công nhân cũng bị cuốn vào vòng xoáy nỗi lo cơm áo gạo tiền mà quên đi việc chăm chút nhan sắc đang ở độ tuổi thanh xuân của mình. Hồng, cô gái mới 19 tuổi hiện đang là công nhân của một công ty chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi ở ngoại thành Hà Nội cho biết: “Ngày trước em cũng chỉ làm 8 tiếng/ngày, hưởng lương tất thảy khoảng 3,2 triệu đồng, nhưng tiền thuê trọ đã hết khoảng 1/4 số ấy.

Giờ đây, thật khó để tìm thấy những cảnh mua sắm tấp nập, đông vui như thế này (Ảnh: K.V) 

Khi cái gì cũng đắt đỏ như hiện nay, em đã phải rủ thêm người ở cùng để san sẻ bớt gánh nặng tiền phòng, cũng như làm tăng ca từ 3 – 5 tiếng/ngày để có chút tiền tích luỹ”.

Không chỉ những người có thu nhập thấp như công nhân hay sinh viên điêu đứng, mà ngay đến cả dân công sở cũng mếu máo khi giá cả leo thang đến chóng mặt.

Chị Linh, nhân viên của một công ty truyền thông tại Hà Nội than thở: “Từ hơn một tháng nay, tôi nói không với những chương trình khuyến mại khủng của các cửa hàng quần áo cũng như túi xách hàng hiệu”.

Với anh Biên, nhân viên của một ngân hàng lớn ở đây thì tần suất những buổi tụ tập đã giảm đi trông thấy. Anh Biên chia sẻ: “Trước tình hình kinh tế khủng hoảng như hiện nay, những buổi tụ tập với chúng tôi mà nói là một điều xa xỉ. Không chỉ hạn chế tụ tập, anh em trong nhóm còn hạn chế đi lại cho tiết kiệm xăng cũng như các chi phí phát sinh khác”.

M.Q

Bình luận
vtcnews.vn