GDP năm 2020 dự kiến tăng 2,5-3%

Đầu TưThứ Sáu, 02/10/2020 17:53:14 +07:00
(VTC News) -

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, dự kiến GDP năm 2020 tăng 2,5-3%.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong phiên họp sáng nay (2/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Việt Nam đã vượt qua đáy chữ V và đang dần phục hồi.

Trong khủng hoảng COVID-19, tăng trưởng ba quý liên tiếp của Việt Nam giảm so với cùng kỳ các năm nhưng vẫn đạt dương. Trong đó, quý I đạt 3,68%, quý II đạt 0,39%, quý III đạt 2,62%.

GDP năm 2020 dự kiến tăng 2,5-3% - 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ông Dũng dẫn lời Thủ tướng cho biết, mục tiêu kép (vừa chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế) đã được "tổ chức thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả tốt". Trước các kết quả đã ghi nhận, Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự kiến GDP cả năm đạt 2,51%. Dù vậy, tại phiên họp, Thủ tướng nêu quyết tâm tăng trưởng năm nay đạt 2,5-3%.

Với kết quả chống dịch thành công, nền kinh tế có nhiều điểm sáng trong 9 tháng. Đơn cử xuất siêu đạt kỷ lục với 17 tỷ USD, trong đó, khu vực kinh tế trong nước có mức tăng trưởng xuất khẩu trên 20%. 30 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD và 5 mặt hàng trên 10 tỷ USD. Thu hút FDI đã đạt trên 21 tỷ USD. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9, cao nhất ASEAN.

Ngoài ra, các chỉ số vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân đầu tư công cũng đạt mức cao nhất trong 5 năm qua với tổng mức thực hiện đạt trên 300.000 tỷ đồng, tương đương 60% kế hoạch năm.

Cũng tại buổi họp báo Chính phủ chiều nay, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng đang rất tích cực, tăng trưởng tín dụng đến nay đã đạt 6,1%. Con số này tăng cao so với mức 4,3% cuối tháng 8, đầu tháng 9. Quý I tăng rất chậm, quý II tăng nhanh hơn một chút nhưng vẫn chậm.

Ông nhận định đây là dấu hiệu tích cực trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thậm chí, trong lĩnh vực dịch vụ, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cũng tăng tới 7%, là kết quả đáng khích lệ.

Dù trong điều kiện còn khó khăn, do tác động của dịch, doanh nghiệp có sự chuyển biến tích cực và linh hoạt”, ông nói. Về mục tiêu năm nay, nếu điều kiện dịch kiểm soát tốt, xuất khẩu phục hồi, ông Tú dự báo dư nợ tín dụng có thể tăng 8-10%, thậm chí mức trên 9% là khả thi.

Để làm được điều đó, ông Tú nhấn mạnh phải cơ cấu lại khoản nợ, lãi đến hạn, nhưng quan trọng nhất vẫn là giảm lãi suất. Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng cũng tiết giảm chi phí… đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hợp lý, giúp tăng trưởng tín dụng.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn