Số ca COVID-19 ở Hà Nội những ngày qua luôn dao động từ 1.700 đến gần 1.900. 30/30 quận, huyện, thị xã của thủ đô đều có dịch. Mỗi ngày thành phố ghi nhận hàng nghìn ca với vài trăm ca cộng đồng, trong khi nhiều người còn thả lỏng như chưa có dịch khiến nhiều chuyên gia lo lắng Hà Nội "vỡ trận".
Vì sao F0 tăng?
Ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tình hình dịch trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, số ca mắc những tuần gần đây xu hướng tăng cao. Tuy nhiên, diễn biến tình hình dịch bệnh đã nằm trong kịch bản và phương án đáp ứng của thành phố.
Về nguyên nhân F0 tăng cao, ông Cương nêu, Hà Nội là đô thị lớn, mật độ dân cư đông. Việc giao thương đi lại và di biến động của người dân từ Hà Nội đi các tỉnh cũng như từ các tỉnh về Hà Nội rất phức tạp. Hà Nội cũng là địa phương có nhiều khu công nghiệp. Số lượng người nhập cảnh tại Hà Nội trong thời gian qua cũng tăng.
Bên cạnh đó, ngoài việc hệ thống các cơ sở y tế xét nghiệm phát hiện phơi nhiễm, người dân cũng có thể tự xét nghiệm bằng test nhanh và thông báo với chính quyền, y tế cơ sở để xác nhận quản lý tại địa bàn. Ngoài ra, vẫn còn tâm lý chủ quan của một số bộ phận người dân, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, một số người tâm lý cho rằng tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ không mắc bệnh và không lây truyền cho người khác.
Giải pháp
Ông Vũ Cao Cương thông tin, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch hạn chế ca mắc COVID-19. Đó là đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến xã, phường, thị trấn, đặc biệt là ý thức của người dân trong việc thực hiện 5K không tập trung đông người, hạn chế di chuyển nếu không thực sự cần thiết.
Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine, thực hiện tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại cho người dân trên địa bàn, quan tâm tới việc bảo vệ cho người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh hiểm nghèo kể cả trong vấn đề tiêm vaccine hay là trong vấn đề điều trị.
Thành phố đang thực hiện tốt công tác điều trị tại các tầng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chuyển tuyến kịp thời, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Hà Nội cũng đẩy mạnh quản lý theo dõi F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Thành phố cũng đã phân cấp cho các quận huyện thị xã căn cứ vào tình hình dịch trên địa bàn để kịp thời điều chỉnh các biện pháp hành chính phù hợp theo hướng dẫn, cũng như theo tinh thần Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế.
Sở Y tế Hà Nội mới đây có văn bản gửi các đơn vị triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19. Theo đó, với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định nhiễm COVID-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời.
Người bệnh đến khám chữa bệnh phải được sàng lọc kỹ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vaccine. Các cơ sở khám chữa bệnh sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao: người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine.
Mỗi cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 chuyển độ. Việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch yêu cầu tất cả các bệnh viện không được từ chối, đảm bảo người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất. Sau khi bệnh nhân ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.
Các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống oxy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp oxy y tế cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện theo phân tầng điều trị.
Lời khuyên từ chuyên gia
Với số ca mắc mới, số ca điều trị và số ca nặng tăng, các chuyên gia khuyến cáo Hà Nội cần có các biện pháp mạnh để làm giảm nguy cơ lây nhiễm.
Theo ông Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, để kiểm soát tình hình thời gian tới, Hà Nội cần xây dựng sẵn kịch bản đánh giá nguy cơ cụ thể của từng xã, phường, quận, huyện, thậm chí là của tổ dân phố, thôn, xóm với phương châm “Nguy cơ đến đâu thì đáp ứng tới đó” nhưng phải thật quyết liệt.
Hà Nội cũng cân nhắc thật kỹ việc cấm các hoạt động gì, hạn chế hoạt động gì, những hoạt động nào có điều kiện, tổ chức sự kiện ra sao để có phương án an toàn nhưng hạn chế tối đa để ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân vì dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.
Ngoài ra, thành phố cần tăng cường hơn nữa tuyên truyền cho người dân về việc đi lại, tham gia các hoạt động an toàn, hạn chế đi lại, thăm nom, chúc tụng, liên hoan, hội họp, ăn uống. Người dân cần thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế với nguyên tắc “Mỗi người an toàn thì khu phố, phường xã an toàn, khu phố an toàn thì quận, huyện, thành phố an toàn”…
Ngoài việc phủ rộng hơn nữa vaccine thì Hà Nội cần đẩy nhanh tiêm mũi 3, tiêm nhắc lại cho người thuộc nhóm nguy cơ, đặc biệt là người già, những người mắc bệnh lý nền và bị suy giảm miễn dịch. Thành phố cũng cần nhanh chóng kiện toàn hệ thống y tế cơ sở bằng việc thiết lập thêm các trạm y tế lưu động, tăng cường vật tư thiết yếu, vận động thêm nhân lực sinh viên trường y hoặc cán bộ y tế đã về hưu tham gia chống dịch.
“Thành phố chú ý phân tầng điều trị thật chính xác để tránh tình trạng 'quá tải ảo'. Nghĩa là bệnh nhân có người không triệu chứng, chưa cần thiết phải chăm sóc y tế thì lại tới viện, ngược lại, những bệnh nhân thực sự cần can thiệp y tế thì lại không có chỗ điều trị. Việc điều tiết này rất quan trọng”, ông Phu nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng cho rằng, tuy hiện nay số ca bệnh ở Hà Nội có thể vẫn nằm trong dự đoán trước, nhưng để kiểm soát, tránh gia tăng về số ca bệnh khiến hệ thống y tế quá tải thì Hà Nội không thể trông chờ vào ý thức người dân, mà hệ thống chính quyền phải giám sát.
“Nếu chúng ta quay lại giãn cách thì số F0 vẫn tăng, song không phải vì thế mà không siết chặt kiểm soát lại. Tôi thấy chúng ta đang buông lỏng, lơ là trong khâu kiểm tra, giám sát. Phải tăng cường kiểm tra giám sát các hoạt động. Tất nhiên việc này cần cả hệ thống chính quyền cơ sở và vai trò trách nhiệm của mỗi người chứ không thể trông chờ vào ý thức người dân được", ông Hùng nói.
Theo số liệu của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia, tính đến 17h ngày 27/12, Hà Nội hiện có 119 F0 tử vong, 20.228 F0 đang theo dõi và điều trị. Trong đó, 10.347 ca đang theo dõi, điều trị tại nhà, 5.092 ca theo dõi, điều trị tại khu cách ly, 4.789 ca điều trị tại 11 bệnh viện .
Trong số các F0 đang điều trị tại bệnh viện thì 311 ca phải thở oxy, bao gồm 33 ca phải thở máy. So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới tăng 0,11%, số ca khỏi tăng 0,16%, số ca tử vong tăng 1,5%, số ca đang điều trị tăng 0,14%, số ca nặng tăng 0,2%.
Bình luận