Tại hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến vào hôm 30/12, với sự tham dự của Chủ tich Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, EU và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận đầu tư toàn diện (CAI).
Thủ tướng Đức Angela Merkel - quốc gia nắm giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của EU và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng tham gia vào các cuộc thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc.
“Chúng tôi mở cửa kinh doanh, gắn bó với nhau, tạo sân chơi bình đẳng và tạo dựng các giá trị”, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết.
Để có hiệu lực, thỏa thuận đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc sẽ cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và vấn đề nhân quyền có thể là điểm mấu chốt. Vấn đề nhân quyền được xem là nút thắt trong quá trình đàm phán thỏa thuận đầu tư toàn diện giữa hai bên.
Theo các số liệu của EU, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của khối sau Mỹ và EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và EU đạt trung bình trên 1 tỷ euro mỗi ngày.
Thỏa thuận được sự “gật đầu” của EU sau khi Trung Quốc cam kết theo đuổi việc phê chuẩn các quy tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế về lao động cưỡng bức.
Hôm 29/12, EU bày tỏ quan ngại về "những hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, đe dọa và giám sát các nhà báo, cũng như việc giam giữ, xét xử và kết án những người bảo vệ nhân quyền, luật sư và trí thức ở Trung Quốc".
EU hy vọng thỏa thuận CAI sẽ giúp điều chỉnh sự mất cân bằng trong tiếp cận thị trường và tạo ra cơ hội đầu tư mới - cạnh tranh bình đẳng hơn, cho các công ty châu Âu tại Trung Quốc.
Đây là thỏa thuận được xem là tham vọng nhất mà Trung Quốc từng ký kết, cho phép tiếp cận thêm nhiều lĩnh vực như ô tô điện và xe chạy bằng hybrid, bệnh viện tư nhân, viễn thông và dịch vụ điện toán đám mây.
Tuy nhiên, thỏa thuận này có thể khiến chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden không hài lòng. Mỹ coi Trung Quốc là thách thức và mong muốn cùng EU cũng như các đối tác khác tạo liên mình để đối đầu Bắc Kinh.
Theo EU, thỏa thuận đầu tư toàn diện song phương cũng sẽ mang lại cho khố này mức độ tiếp cận thị trường ở Trung Quốc như Mỹ, khẳng định thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích cho các đối tác thương mại khác bằng cách khiến Trung Quốc cam kết các tiêu chuẩn ứng xử cao hơn.
EU trước đó cho biết thỏa thuận, bao gồm các điều khoản giải quyết tranh chấp, sẽ tăng tính minh bạch của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững trở thành yếu tố then chốt trong quan hệ giữa EU và Trung Quốc.
Thỏa thuận mà EU và Trung Quốc vừa ký kết cũng đề cập đến các quy tắc chống lại việc ép buộc chuyển giao công nghệ. EU cho rằng đây là vấn đề thực tiễn, bởi Chính phủ Trung Quốc thường yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ công nghệ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường.
Bình luận