"Tối hậu thư” đưa ra trong bối cảnh chính quyền ở Kiev cảnh báo, Ukraine đang trên bờ vực của một cuộc chiến toàn diện với Nga.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm nay (31/8) đưa ra “tối hậu thư” yêu cầu Nga trong 1 tuần phải đảo ngược tình hình ở Ukraine nếu không sẽ phải đối mặt với hàng loạt biện pháp trừng phạt mới. “Tối hậu thư” đưa ra trong bối cảnh chính quyền ở Kiev cảnh báo, Ukraine đang trên bờ vực của một cuộc chiến toàn diện với Nga.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, sau cuộc gặp tại Brussels (Bỉ) ngày 30/8, lãnh đạo 28 nước thành viên đã nhất trí cần phải có “những bước tiến đáng kể” nếu Nga không chịu lùi bước. Ông Rompuy cho biết, Ủy ban châu Âu đã được lệnh soạn thảo các phương án trừng phạt mới đối với Nga trong vòng 1 tuần. Các lệnh trừng phạt mới dự kiến sẽ đánh vào các lĩnh vực dịch vụ tài chính, vũ khí và năng lượng của Nga.
Xe quân sự của lực lượng Ukraine gần thành phố Donetsk - Ảnh: Reuters |
Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhấn mạnh: “Các bước tiếp theo phụ thuộc vào diễn biến tình hình thực địa hiện nay mà theo tôi là đang xấu đi từng ngày. Mọi người đều ý thức được rằng chúng ta cần phải hành động nhanh chóng trước những mất mát to lớn về sinh mạng trong những ngày qua và nhiều khả năng trong cả những ngày sắp tới.”
Kế hoạch trừng phạt của Liên minh châu Âu đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko kêu gọi các nhà lãnh đạo của khối này đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn đối với Nga. Ông Poroshenko cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta đang đến rất gần điểm không còn ngã rẽ, đó cũng chính là 1 cuộc chiến toàn diện mà thực chất đang xảy ra trên vùng lãnh thổ bị phe đối lập kiểm soát. Nếu xảy ra 1 cuộc phản công của phe đối lập thì cuộc chiến này không thể đảo ngược.”
Việc Liên minh châu Âu hôm qua chỉ định Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, một người vốn “mạnh miệng” chỉ trích Nga, trở thành Chủ tịch Hội đồng châu Âu khi ông Herman Van Rompuy mãn nhiệm ngày 30/11 tới cũng được cho là 1 động thái “dội gáo nước lạnh” vào Moscow Tuy nhiên, Liên minh châu Âu vẫn nuôi mong muốn mềm mỏng hóa quan hệ với Nga bằng việc chỉ định Ngoại trưởng Italia Federica Mogherini phụ trách chính sách đối ngoại của khối. Trong bình luận đầu tiên sau khi được chỉ định vào nhiệm vụ này, bà Mogherini nhấn mạnh sự cần thiết phải hàn gắn quan hệ ngoại giao với Nga.
“Chúng ta vẫn biết rằng con đường quân sự không thể giải quyết cuộc khủng hoảng này, đó là vì lợi ích trên hết của Ukraine. Vì thế chúng tôi nghĩ rằng dù chuẩn bị kế hoạch trừng phạt thì chúng ta vẫn phải để ngỏ biện pháp ngoại giao. Hy vọng rằng sự kết hợp khôn ngoan đó có thể mang lại hiệu quả”, bà Mogherini cho hay.
Trong khi đó, hôm 29/8 vừa qua, chính phủ Ukraine tuyên bố muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), 1 động thái “nắn gân” Nga. Như để chứng minh quyết tâm này, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết ông sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương tuần sau ở xứ Wales, Anh, qua đó gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama để tìm kiếm thêm “những sự giúp đỡ thực chất hơn” từ đồng minh phương Tây. Ukraine đã không ít lần công khai đề nghị Liên minh châu Âu hỗ trợ về mặt quân sự.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel nêu rõ, Berlin sẽ không xem xét việc tài trợ vũ khí cho quân đội Ukraine: “Cá nhân tôi nghĩ rằng sẽ là không phù hợp khi Đức cung cấp vũ khí cho Ukraine, đơn giản vì chúng tôi không muốn mọi chuyện tiếp diễn theo chiều hướng này. Tôi nhấn mạnh rằng không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột này và vì thế tôi không nghĩ chúng ta nên biến nó trở thành 1 khả năng có thể xảy ra bằng việc củng cố sức mạnh quân sự cho Ukraine”.
Đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu xung đột ở miền Đông Ukraine sẽ hạ nhiệt khi mà Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Alexander Zakharchenko hôm qua tuyên bố trên truyền thông Nga rằng lực lượng đối lập “đang chuẩn bị cho 1 đợt phản công thứ hai có quy mô lớn”.
Tuy nhiên, cánh cửa ngoại giao vẫn để ngỏ khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm qua cho biết, cuộc đàm phán hòa bình mới giữa 3 bên, Ukraine, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ diễn ra ở thủ đô Minsk của Belarus ngày mai. Tổng thống Poroshenko bày tỏ hy vọng kế hoạch hòa bình 15 điểm mà ông công bố hồi tháng 6 vừa qua có thể được triển khai để chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine ngay trong tháng 9 này. Song Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ ra rằng, kế hoạch này không phù hợp với Thỏa thuận Geneva ngày 17/4 khi không đề cập 1 cuộc đối thoại dân tộc ở Ukraine. Mặc dù vậy, ông Lavrov cho biết Nga ủng hộ những bước tiến đầu tiên của chính phủ Ukraine hướng đến giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Đây có thể là cơ hội cuối cùng cho cả Nga và Liên minh châu Âu trước khi quan hệ song phương trở nên không thể vãn hồi.
TheoVOV
Bình luận