Ngoảnh mặt làm ngơ trước đống vàng
Việt Nam với thiên nhiên kỳ vĩ, con người thân thiện, những vùng biển biếc xanh, núi non trùng điệp và hệ thực vật phong phú đã trở thành điểm đến thú vị của du khách từ nhiều châu lục. Chỉ tính riêng tháng 10/2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 812.017 lượt và 8 triệu lượt trong 10 tháng đầu năm 2016, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, thật buồn cho tiềm năng phát triển du lịch Việt khi có tới 70% số du khách nước ngoài cho biết không có ý định quay trở lại Việt Nam. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương, con số khách quốc tế ghé thăm Việt Nam lần thứ hai cũng rất khiêm tốn: 6%, trong khi có đến 40% du khách quay lại Singapore và 45% khách đến Thái Lan lần nữa.
Theo nhiều chuyên gia về du lịch nhận định, thực trạng phát triển chậm của du lịch Việt là do hạn chế từ sự đơn điệu, thiếu sáng tạo và trùng lặp của các sản phẩm du lịch, đồng thời chưa khai thác xứng tầm được các tiềm năng sẵn có để tạo nên các sản phẩm, dịch vụ du lịch tầm cỡ quốc tế, tạo lực hút cho các thị trường hấp dẫn trên thế giới.
Nếu nhắc đến Singapore, ta nghĩ tới Sentosa đẳng cấp, nhắc tới Indonesia có Bali tuyệt mỹ, hay Maldives – thiên đường đáng mơ ước, niềm tự hào của Ấn Độ, thì khi nói đến Việt Nam, thật khó để gọi lên một cái tên nào đó thật đặc biệt, xứng đáng là biểu tượng của du lịch Việt. Mặc dù “rừng vàng biển bạc” là niềm tự hào và tài nguyên trời phú để phát triển du lịch nhưng thực trạng cho thấy ngành du lịch Việt Nam đã ngủ quên quá lâu trên kho báu, và sẽ còn tiếp tục tụt lùi nếu như không có những bước đột phá ngay lúc này.
Rất cần những cú vượt dòng
Cô Chikako Matsushita, một du khách Nhật Bản cho biết, cô và gia đình rất thích thú với con người và văn hóa Việt Nam, nhưng nếu đánh giá độ hài lòng cho một chuyến đi nghỉ dưỡng và vui chơi thì Việt Nam chưa phải là một lựa chọn tốt. “Tôi thấy những công trình, khu nghỉ dưỡng sang trọng, đẳng cấp hay các tổ hợp vui chơi giải trí hiện đại, quy mô tại Việt Nam chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Có thể nói đất nước của các bạn là một điểm đến khám phá tuyệt vời, nhưng để lưu trú lâu hoặc thường xuyên thì tôi thấy chưa phải một lựa chọn tốt. Thật khó có thể tiêu nhiều tiền ở đây (cười), tôi không có nhiều lựa chọn” – cô Chikako chia sẻ.
Thực trạng đó nhắc chúng ta nhớ tới câu chuyện của Singapore – điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế và cả du khách Việt Nam hiện nay. Hoàn toàn bất lợi khi sở hữu nguồn tài nguyên du lịch vô cùng nghèo nàn với khí hậu không phân mùa rõ rệt, có độ ẩm cao và mưa nhiều, không có nước ngọt từ sông và hồ, bờ biển chỉ dài 193 km – bằng 1/17 lần chiều dài đường bờ biển của Việt Nam và không có bãi tắm, nhưng Singapore đã vươn lên vượt bậc về du lịch nhờ các công trình phần lớn được tạo nên từ bàn tay con người. Sự can thiệp một cách chuyên nghiệp của những nhà đầu tư du lịch đã biến đảo Sentosa của Singapore từ một “hòn đảo chết” (Palau Belakang Mati) trở thành điểm du lịch phức hợp vô cùng ấn tượng với hơn 5 triệu du khách mỗi năm. Trí óc và đôi tay của con người đã làm nên một trung tâm giải trí hàng đầu khu vực.
Đó chính xác là những gì Việt Nam cần. Một sự đầu tư chuyên nghiệp, bài bản và có hệ thống. Những dự án du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp, đủ sức mạnh lôi cuốn du khách quốc tế, giữ chân du khách trong nước và in dấu ấn khó quên cho những ai từng một lần đặt chân tới. Sự vào cuộc của các nhà đầu tư có tiềm lực lớn, tầm nhìn rộng với hàng loạt sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, khám phá phong phú, độc đáo sẽ mở ra con đường mới cho ngành du lịch Việt, như hồi chuông đánh thức nàng công chúa đã ngủ quên bừng tỉnh, và trở thành một ngôi sao sáng trên bản đồ du lịch thế giới.
Bình luận