Trung bình 15 tiếng, Điện Biên lại có một vụ ma túy bị phát hiện và bắt giữ. Chúng trở nên "thường nhật", theo nghĩa đen, trong đời sống của vùng đất cận biên và trong cuộc đời nhiều con người, như Lò Thị Tính.
Sáng 13/10/2013, Tết Trùng cửu của người Thái ở Mường Lay (Điện Biên) mở đầu bằng cơn mưa nặng hạt. gia đình Tính không làm được lễ tảo mộ như truyền thống, đành cúng ở nhà.
Tính và mẹ chồng mổ gà, đồ xôi dưới bếp. Hai đứa con và ông nội ngồi xem tivi trên nhà. Tivi đang tường thuật lễ tiễn thi hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Quảng Bình.
Cách nhà 150 km, trung úy Lù Văn Hinh và hai đồng đội đang theo dõi chiếc xe máy trên con đường sát biên giới Lào, trong nhiệm vụ vây bắt các nghi phạm vận chuyển ma túy tại Mường Nhà (Điện Biên).
Trên xe máy là Thào Chừ Dơ và Thào A Công, hai anh em họ. Dơ đã 35 tuổi, còn Công mới 15. Nhưng như nhiều gia đình người Mông sống dọc dải biên giới với Lào, thiếu niên 15 tuổi phải tham gia vào "công việc gia đình".
Đợi họ đến thật gần, Hinh cùng hai đồng đội tiếp cận, yêu cầu cho kiểm tra. Trong nháy mắt, Thào A Công rút dao nhọn đâm thẳng vào bụng người bộ đội biên phòng.
Máu túa ra khắp người Hinh. Anh nén đau, ôm chặt đối tượng, tìm cách tước vũ khí. Hai bên vật lộn, lăn từ khe nước xuống dưới chân dốc. Vết máu chảy dài, lẫn vào lá cỏ. Hinh kiệt sức, bị đâm thêm nhiều nhát vào lưng, vào mặt.
Đó là 12h ngày chủ nhật. Ở nhà, Tính vừa vào buồng nằm nghỉ. Buổi chiều, cô có lớp học tại chức tài chính kế toán dưới thành phố. Cho đến lúc đó, Tính vẫn đang có một cuộc đời bình thường: chồng làm bộ đội, vợ làm cán bộ trung tâm dân số, hai con đi học. Cô đang mơ những giấc mơ bình thường: học tấm bằng tại chức để lên lương, dành tiền cất căn nhà để ra riêng.
Chuông điện thoại của Tính reo lên lúc hơn 12h. Cuộc đời cô vĩnh viễn thay đổi.
Năm mười tám tuổi, cô sinh viên Lò Thị Tính gặp anh binh nhất Lù Văn Hinh một chiều cuối tuần trong sân ký túc xá. Trường Trung học Kinh tế kỹ thuật tổng hợp Lai Châu nằm gần doanh trại Bộ đội biên phòng tỉnh.
Người nhỏ nhắn, dáng đi thong thả, đôi mắt biết cười và một chiếc răng khểnh, Tính tạo ấn tượng về mẫu phụ nữ đã sống và muốn sống một cuộc đời bình yên, hay là "mẫu phụ nữ của gia đình" như cô mô tả. Giọng nói của Tính, ngay cả khi đề cập đến những ký ức đau buồn nhất, vẫn dịu dàng. Và thực tế, trong suốt những ngày yêu Hinh, cô để anh quyết định mọi việc.
Cô gái hiền lành gặp chàng trai trầm tĩnh. Họ làm quen và trao đổi thư từ. Những lá thư đầu tiên Hinh gửi cho Tính cũng chỉ kể về đơn vị và câu hỏi thăm "Tuần này em về nhà không?". Lời tỏ tình, anh nhờ cậu bạn thân nói hộ giữa ghế đá sân trường. "Hinh nó bảo mình là nó thích Tính đấy". Tính đỏ mặt, không đáp.
Ngày 8 tháng 3 năm đầu yêu nhau, Hinh mượn được chiếc xe đạp, đèo người yêu đến vườn hoa công cộng, ngắt một bông hồng, dúi vào tay. Mười lăm năm qua, đấy là món quà duy nhất Tính được nhận.
Có những lần, anh lính biệt tăm 9 tháng, không một lời giải thích. Thấy người yêu xuất hiện lại ở cửa phòng ký túc, cô gái chỉ khóc nấc lên, nhận ra đã yêu người này quá nhiều.
"Anh với em, có yêu ai cũng vậy, thôi cưới nhau đi", Hinh ngỏ lời với Tính sau 4 năm. Tính "Ừ". Sáng hôm sau, gia đình Hinh gọi điện cho Tính, nhờ bố mẹ cô đi chọn ngày.
Ngày cưới của họ, Hinh khoác áo lính, Tính mặc áo cóm, váy nhung truyền thống của con gái Thái, khách khứa toàn áo màu xanh quân phục. Cưới xong, Tính lên Mường Lay ở với bố mẹ chồng. Tính ngày thường đi làm ở Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình thị xã Mường Lay, cuối tuần lại đeo gùi, vác cuốc lên nương với mẹ chồng.
Nhưng bắt đầu làm vợ lính, cũng là lúc Tính không còn ai nắm tay kéo đi. Người trinh sát đi đôi ba tháng mới ghé qua nhà lúc nửa đêm, nhìn vợ con rồi lại đi. Lời dặn đáng kể nhất của chồng, là "em ở nhà, thấy thế nào hợp lý thì làm".
Những lúc nhớ chồng, Tính chỉ biết ôm con nhỏ nhìn ra cửa. Thị xã tái định cư Mường Lay trông ra ngã ba giao cắt của sông Đà, sông Nậm Na và sông Nậm Lay. Những ngày cuối tuần, Tính hút mắt ngồi trông cũng chỉ thấy núi, không thấy bóng người.
Hai đứa con lạ bố, nhất định không cho ngủ cùng. Chúng cũng quen với sự vắng mặt, không bao giờ hỏi bố về.
Hè năm 2005, mùa lũ ống về, căn nhà cạnh suối bị bùn cuốn sạch. Người lớn bồng bế hai đứa trẻ chạy thoát thân, không mang đi được thứ gì. Tính gọi báo tin cho chồng, để nghe câu "anh không về".
Người vợ lao vào cào bùn, mót lại đồ đạc còn sót lại. Cô nhờ anh em, hàng xóm dựng lái mái nhà. Hai tuần sau, Hinh về, mọi việc vừa xong.
Tháng giêng năm 2008, bố Tính xuống Phú Thọ ăn cưới, rồi mất vì tai biến. Nhà neo người, cần Hinh đi đón xác bố về. Tính gọi cho chồng hơn 20 cuộc điện thoại. Không ai nhấc máy. Người vợ ôm đứa con gái mới 20 ngày tuổi "khóc đến tuyệt vọng". Sáng hôm sau, Hinh gọi điện cho vợ, thông báo "anh không về được".
Sáu năm sau ngày lấy chồng bộ đội, lần đầu tiên Tính hối hận. "Giá lấy một người bình thường, chắc không đến nỗi bố chết con rể không về".
Năm 2009, Hinh chuyển sang Phòng Phòng chống ma túy. Những thách thức của đời "vợ lính" lên một tầng nấc mới.
Đó là quãng thời gian cuộc chiến chống ma túy tại Việt Nam chuyển sang giai đoạn khốc liệt hơn. Năm 2008, Luật phòng chống ma túy bổ sung điều 38a, quy định về nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng. Luật trước đó chỉ quy định nhiệm vụ của Bộ Công an. Nhưng sau thời điểm đó, thì chống ma túy thành một sứ mệnh được luật hóa của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngay sau khi Hinh nhận nhiệm vụ, Tính bắt đầu nhận những cuộc điện thoại lúc nửa đêm.
- Chị có phải chị Tính, vợ anh Hinh biên phòng không? Nhà chị ở bản Bó, làm ở Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình thị xã Mường Lay đúng không?
- Anh là ai?
- Chị cứ trả lời đi.
Linh cảm không lành, Tính bảo "không", rồi dập máy. Hai phút sau, vẫn là cuộc gọi với nội dung tương tự, rồi đến lần thứ ba. Tính không sợ tội phạm gọi đến đe dọa, chỉ lo nhận tin báo chồng xảy ra sự không lành. Biết chuyện, Hinh dặn vợ không bao giờ bắt máy số lạ, "cũng đừng gọi cho anh, anh gọi thì nghe thôi".
Hinh trước nay vẫn thế, chuyện gì kể được, anh sẽ nói luôn. Những gì không nói thì không nên hỏi. Có những đêm vội vàng tạt qua nhà, anh đợi cả nhà ngủ hết, ra hiên châm thuốc hút, ôm đầu ngồi khóc cả đêm. Tính biết hết, nhưng không hỏi, chỉ biết lặng lẽ chăm bố mẹ chồng, nuôi con để anh yên tâm.
Những phụ nữ có chồng tham gia cuộc chiến chống ma túy như Tính chỉ sống và chia sẻ với một nửa cuộc đời của người chồng. Nửa còn lại, là khoảng không bí mật mà họ phải tự học cách chấp nhận, không cần dặn dò.
Nhiều lần xuống Điện Biên, Tính thấy chồng khi thì làm xe ôm, khi thì bơm xe đạp, lúc lại quần là áo lượt đèo sau xe máy mấy cô gái phấn son điệu bộ sành sỏi, lướt qua Tính như không quen biết. "Đấy là công việc của anh, mình thương thôi", Tính nghĩ.
Hàng xóm bạn bè bắt đầu lời qua tiếng lại. "Hinh đi làm án ma túy chắc lắm tiền", "Hinh làm bộ đội sao chả thấy mặc quân phục bao giờ". Tính đáp lại bằng sự im lặng.
Tính đã không còn dễ dàng khóc nấc lên như trước. Tính không còn là nữ sinh 18 tuổi ngại ngùng nhận đóa hoa hồng trong công viên, vẫn quen với việc để người khác quyết định cuộc đời mình. Tính học cách sống như một người vợ lính và chiến đấu trên mặt trận của riêng mình.
Nhưng Tính chưa bao giờ ngờ đến một ngày mà ngay cả câu nói đơn sơ "Em tự lo liệu" cũng không còn được nghe, ngày chị nhận ra rằng câu ấy quan trọng với mình như thế nào. Tính biết việc Hinh làm nguy hiểm, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến mức vào chỗ chết, "thời bình rồi cơ mà".
***
Cuộc chiến thời bình thực ra nhiều tiếng súng hơn những gì người ở hậu phương đã tưởng tượng. Năm 2008, Hinh từng lao xuống vực cùng một nghi phạm. Máu chảy bết quần áo, không đếm được số vết thương, nhịn đói vài ngày cho đến khi đồng đội tìm thấy. Anh chỉ chưa bao giờ kể với vợ con về những lần thoát chết.
Chỉ 2 năm qua, trung bình cứ hơn một tháng lại có một thành viên lực lượng vũ trang ngã xuống trong cuộc chiến chống tội phạm. Hàng trăm người khác bị thương hoặc phơi nhiễm HIV.
"Chúng xác định đã buôn ma túy nếu bị bắt thì sẽ chết, nên phải chống trả để mong tìm đường sống", trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy, Công an tỉnh Sơn La, nói về đặc tính của đối tượng. "Chúng ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng bằng vũ khí nóng mà không cần biết hậu quả".
Tháng 10/2013, sau cuộc điện thoại báo "anh Hinh đánh án bị thương", Tính đi xe máy ba tiếng xuống thành phố Điện Biên. Lòng cô không bấn loạn. Đây là thời bình, cô nghĩ, chồng mình chỉ bị thương nhẹ.
Liệt sĩ Lù Văn Hinh trút hơi thở cuối cùng ngay khi được đưa về tới phòng cấp cứu. Người vợ đến, chỉ để nhận thông báo từ đồng đội của chồng. "Hinh chết rồi", người chỉ huy nắm chặt tay cô. "Chết gì mà chết, chết làm sao được", Tính thốt lên một câu vô nghĩa, rồi lả đi.
Giấc mơ đầu tiên sau ngày chồng mất, Tính thấy anh trong cái áo phông quần đùi bộ đội. Anh vạch những vết thương trên bụng, trên lưng, trên khuôn mặt bầm nát cho Tính xem và kêu đau lắm. Ngày anh mất, người vợ không được nhìn mặt lần cuối. Nhận cuốn băng tư liệu đơn vị đưa, cô mới nhận ra, những vết thương anh cho xem trong mơ giống hệt với đời thực.
"Mạnh à, bố đi làm nhiệm vụ, chết rồi", Tính gọi điện về Mường Lay. Thằng bé dập máy ngay lập tức, không nói thêm câu gì. Khi ấy, Mạnh 11 tuổi, là cậu bé hoạt bát, hay chuyện, hay nằm với mẹ và em nói chuyện học hành, về ước mơ làm bộ đội.
Ba ngày tang của bố, thằng bé không nói gì, cũng không khóc, mắt ráo hoảnh. Từ đấy, không ai còn thấy nó cười.
Đầu năm 2014, Tính xuống Phú Thọ dự phiên tòa cùng đồng đội của Hinh. Tính quyết định sẽ mặt đối mặt với kẻ giết chồng mình, dù không biết để làm gì và cảm xúc sẽ ra sao.
"Nếu đau buồn quá, em ở nhà cũng được", bạn chiến đấu của Hinh khuyên nhủ. "Không, em phải đi".
Trước ngày xét xử, công tác tư tưởng cho người góa phụ kéo dài đến hơn 3h sáng. "Tính ạ, người mất đã mất rồi. pháp luật sẽ xử đúng theo khung hình phạt. Giờ có giết nó, Hinh cũng không sống lại được".
Nhưng Tính nghĩ đến cái cảnh phải ngồi vào phòng xử án, nhìn thủ phạm giết chồng mình ngay trước mặt. Cô chỉ cảm thấy căm hận. "Giết người thì đền mạng", Tính chỉ nghĩ được có vậy.
Khi kẻ thủ ác bị còng tay dẫn ra trước vành móng ngựa, Tính muốn lao ngay ra mà đánh nó. Nước mắt Tính tưởng đã cạn, giờ lại tuôn ra. Kẻ giết người không dám ngước mắt lên suốt phiên xét xử.
Thào A Công không bị tuyên án tử hình. Trong người của Công và Dơ có 400 gram heroin và 400 viên thuốc lắc - đủ cho bốn án tử hình. Nhưng Công mới 15 tuổi. Mức án cao nhất thiếu niên nhận cho cả việc đưa ma túy và giết bộ đội, là 11 năm tù giam.
Một năm sau, Tính vẫn còn nghĩ về phiên tòa ấy. Những đêm nằm ôm con ngủ, Tính nhớ chồng, tủi thân mà không dám khóc, chỉ dám bặm môi lại, nước mắt trào ra. Bé Thảo tỉnh dậy, lẳng lặng đi lấy khăn mặt, ngồi lau mắt cho mẹ. "Mẹ đừng khóc nữa, ngủ đi mẹ". Nghe thế, Tính lại không kìm được.
"Bây giờ mình không đứng dậy được thì hai đứa nhỏ bơ vơ". Cô biết rằng mình không còn cách nào khác ngoài tự vượt qua. Cô quay lại với công việc và tìm cách cảm thông. "pháp luật mình có tình người", Tính nghĩ. Những năm sau này nhắc lại, Tính không gọi kẻ giết chồng mình là "nó". "Thằng bé chưa đủ tuổi, nhận mức án thế là cao nhất rồi", cô kể với phóng viên.
***
Tính chuyển công tác xuống huyện Điện Biên năm 2018. Hành trang của ba mẹ con là hai chiếc balo, đựng toàn quần áo. Cô thuê của người quen một căn nhà hai mươi mét vuông lợp fibro xi măng, nằm sâu trong con đường đất của Bản Phủ, xã Noong Hẹt.
Sau gần 2 năm, trong nhà mới có bộ bàn ghế nhựa và tủ đựng quần áo. Nơi ngủ của ba mẹ con là tấm phản kê lại từ ba cái băng ghế gỗ của học sinh.
Câu đồn đại "làm ma túy nhiều tiền" của lối xóm khi xưa, đến giờ Tính vẫn nhớ như in. Nhưng Hinh và Tính chưa bao giờ có tiền. Lấy nhau 11 năm, khoản tiết kiệm lớn nhất của vợ chồng Tính đã dùng để làm lại căn nhà sàn cho bố mẹ chồng.
"Anh ấy đi làm, có khi hôm trước đưa về cho vợ được mấy triệu, rồi hôm sau có việc, lại về nhà cầm đi hết". Hinh mất, không một đồng nào để lại cho vợ. Tính nhắc lại lời đồn đại, chỉ cười cho qua. "Giờ mình tay trắng một mình, đến một tấc đất cắm dùi không có. Gia tài lớn nhất, chỉ có hai đứa con".
Sáu năm từ kể từ ngày bố mất, cuộc trò chuyện của Mạnh với mẹ và mọi người dừng lại ở một hai câu chào hỏi rồi thôi. Có ngày bị ông bà mắng vì học hành chểnh mảng, nó hét lên: "Ai cũng ghét con thì để con chết đi với bố". Tính nghe, lặng người. Chưa bao giờ, Tính thấy cần chồng như thế.
Những lúc thường ngày, Tính vẫn nghĩ anh đang đi công tác. Chỉ đến khi có việc cần người chia sẻ, định hướng, chị mới nhận ra "Hóa ra, anh mất thật rồi".
"Chỉ cần dù một câu em ở nhà có gì tự liệu như ngày xưa, mình sẽ vững vàng, mình quyết định xoay sở, nhưng giờ đến câu ấy cũng chả được nghe".
Ba mẹ con Tính giờ sống dựa vào khoản lương 4 triệu đồng của một cán bộ dân số và số tiền trợ cấp thân nhân liệt sĩ 1,5 triệu đồng một người mỗi tháng. Một căn nhà lợp fibro xi măng giá thuê "có bao nhiêu thì đưa bấy nhiêu". Tính làm đơn xin cấp đất, nhưng chưa được chính quyền xã chấp nhận.
Bố chồng Tính đổ bệnh từ cuối năm 2018. Ba tháng đưa ông đi điều trị ung thư dưới thủ đô, chỗ tiền tiết kiệm của Tính cũng cạn.
Mười bảy năm làm vợ bộ đội, rồi làm vợ liệt sĩ, ước mơ của Tính giờ chỉ là có mảnh đất dựng căn nhà, lấy chỗ thờ cúng chồng cho đàng hoàng. "Để có ai vào viếng anh, thì còn có chỗ mà ngồi", Tính nói.
Năm 2012, lần đầu tiên Hinh dẫn cả nhà đi chơi Tết. Bốn người họ lên đồi A1, chụp một tấm ảnh. Anh bảo hai con: "Hôm nay chụp tạm một tấm kỷ niệm thôi. Tháng 9 này kỷ niệm 10 năm cưới nhau, ba bố con mình cho mẹ mặc váy cưới rồi chụp nhiều hơn".
Nhưng tháng 8 năm đó, Hinh được tăng cường sang Lào đi đánh án gần nửa năm. Đến ngày chồng mất, Tính vẫn chưa một lần được mặc váy cưới.
"Năm sau bố con mình cho mẹ mặc váy cưới", Tính nhắc đi nhắc lại câu hứa của chồng, giọng nghẹn đi. Tấm ảnh chụp ngày mùng 1 Tết Nhâm Thìn cũng là tấm ảnh duy nhất bốn người họ từng chụp chung.
Bình luận