Tại phố Hàng Đường (Hà Nội), bánh kẹo ở được đựng trong những chiếc rá nhựa nhỏ hoặc trong những túi nilon lớn, được buộc thủ công. Những loại kẹo đủ chủng loại, màu sắc nhưng không có nhãn mác đi kèm. Mỗi rá kẹo được ghi tên và đánh dấu bằng một mảnh bìa cốt-tông viết tên sản phẩm và cắm lên trên mỗi loại.
Các loại bánh mứt kẹo không nguồn gốc xuất xứ bày bán tràn lan
Giá của các loại bánh kẹo tại đây cũng được bán với giá khá rẻ. Bán lẻ thì mỗi kilogram kẹo được bán với giá từ 120 .000 – 180.000 đồng, mỗi kilogram bánh từ 100.000 – 120.000 đồng. Nếu khách hàng mua với số lượng lớn thì mức giá giảm từ 20.000 – 50.000 đồng/kg.
Trong vai người mua hàng, chúng tôi hỏi mua các loại bánh kẹo có nguồn gốc xuất xứ thì được chị Nga, một chủ hàng cho hay: “Em yên tâm, hàng của chị đều là bánh kẹo nhập từ Thái Lan và Nhật Bản. Không có hàng Trung Quốc đâu. Hàng nhập theo tải lớn nên không có nhãn mác”.
Khi chúng tôi từ chối mua vì không rõ nguồn gốc thì Nga cười: “Nguồn gốc bánh kẹo thì các em biết làm sao được, bọn chị nhập về thì biết thế thôi. Chứ có đúng là Thái Lan và Nhật Bản hay không thì chỉ có Thánh mới biết được”.
Chị Nga cũng cho biết, muốn hàng hóa có xuất xứ ở đâu thì chỉ cần đóng mác vào là xong. Theo chị, các cửa hàng bánh kẹo thông thường mua bánh kẹo theo cân, sau đó về đóng gói và cho nhãn mác vào.
Qua một cửa hàng khác trong chợ Đồng Xuân, các mặt hàng tại đây cũng đều được đóng trong túi lớn, không có nhãn mác và bán cho khách mua theo cân.
Một tiểu thương tại chợ Đồng Xuân không ngần ngại cho biết bánh kẹo và hạt dưa phần lớn được “đánh” từ Trung Quốc về, giá rẻ hơn nhiều so với hàng trong nước nên được các chủ đại lý, cửa hàng nhỏ lấy về bán buôn.
Theo khảo sát của phóng viên VTC News, giá các mặt hàng tại chợ Đồng Xuân đều khá rẻ: Mứt dừa được bán với giá 110.000 đồng/kg, hạt dưa được bán với giá 90.000 đồng/kg, các loại bánh có giá 90.000 – 110.000 đồng/kg, kẹo được bán với giá 120.000 – 200.000 đồng/kg.
Nếm thử hạt bí tại một quầy hàng trong chợ Đồng Xuân, chúng tôi thấy hạt bí có màu vàng và vị hơi chua. Hỏi chủ hàng thì chúng tôi được biết, đây là hạt bí nhập từ Trung Quốc, có giá bán 70.000 đồng/kg. “Giá rẻ nên chất lượng chỉ thế thôi”, một chủ hàng nói.
Vị chủ hàng này cũng dẫn khách sang một khay hạt bí khác và đon đả giới thiệu: “Đây là hạt bí Việt Nam, có giá 150.000 đồng/kg. Em muốn mua về để ăn thì nên mua loại này. Đắt nhưng ngon, còn kia là hàng bán cho các cửa hàng thôi”.
Các khay mứt Tết và ô mai dù là thực phẩm cần được bảo quản cẩn thận, nhưng đa số các mặt hàng này được bày bán trong các khay nhựa, không nắp đậy, khi có khách mua hàng, chủ hàng dùng tay trần để bốc hàng cho khách, rất mất vệ sinh.
Tại một số cửa hàng bánh kẹo bán lẻ khác trên phố Tôn Thất Thuyết (Hà Nội), các loại bánh kẹo đóng gói đều được bọc khá sơ sài, bằng túi ni lông trắng và bên trong có một mảnh giấy trắng ghi xuất xứ và ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng. Giá của các loại bánh kẹo này dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/gói (khoảng 250 gram).
Khi chúng tôi hỏi về độ tin cậy của nguồn gốc xuất xứ các loại bánh kẹo này thì được chị chủ quán cho hay: “Bánh kẹo loại rẻ thế này chủ yếu là từ Trung Quốc. Thậm chí các loại bánh kẹo đóng gói giấy, màu mè, đẹp đẽ cũng chủ yếu là từ Trung Quốc”.
Thương hiệu lớn hút khách
Do không tin tưởng vào nguồn gốc xuất xứ của các loại bánh kẹo, mứt Tết, nên trên nhiều diễn đàn, các chị em phụ nữ thường lựa chọn cách tự làm mứt.
Nickname “mẹ mèo con” cho hay: “Mứt Tết ở ngoài làm rất mất vệ sinh, nên 2 năm nay chị thường làm các loại mứt dừa, mứt gừng, mứt cà rốt cho cả gia đình”.
Còn theo chị Xuân Anh (Ba Đình, Hà Nội), do công việc bận rộn, nên nhiều gia đình không còn thời gian để tự làm mứt, vì vậy họ thường chọn những thương hiệu quen thuộc để mua làm quà và đãi khách.
Chị Xuân Anh cho biết, thực tế người tiêu dùng ngày nay cũng rất thông thái, vì vậy những thương hiệu bánh kẹo uy tín cũng là lựa chọn tốt thay vì các sản phẩm mang mác ngoại như Mỹ, Thái Lan, Malaysia, Đan Mạch hay hàng Trung Quốc giá rẻ.
Khảo sát tại các cửa hàng bánh kẹo và các siêu thị cho thấy, bánh kẹo sản xuất trong nước có thương hiệu hoặc mang nhãn hiệu Việt Nam hiện đang chiếm tới 90%. Những thương hiệu truyền thống cổ truyền như ô mai Hàng Đường, bánh kẹo Hà Nội.... được người dùng tin tưởng lựa chọn.
Nói về các bước làm mứt Tết, bà Nguyễn Xuân Thu- Phụ trách sản xuất của Công ty cổ phần Bánh Mứt Kẹo Hà Nội cho biết: “Nếu nói về các bước chế biến cơ bản thì vẫn không khác xưa nhưng để sản xuất theo quy mô công nghiệp thì cần có các thiết bị như máy như máy cắt củ quả, thiết bị trần,rim sử dụng nhiệt hơi, lò sấy chân không, sấy lạnh,… Tuy những thiết bị này có khả năng giúp rút ngắn thời gian và tăng năng suất, nhưng để giữ được hương vị và màu sắc tự nhiên của loại củ, quả đó lại phụ thuộc khá nhiều vào tay nghề của nghệ nhân”.
Năm nay, xu hướng người dân tìm về với sản phẩm hàng Việt
Cũng theo bà Thu, ngày nay khi thị trường bánh mứt kẹo luôn đòi hỏi phải có cái mới, nên buộc các nhà sản xuất phải khai thác có lựa chọn để đưa vào chế biến những loại hoa, củ quả vừa ngon miệng, vừa có lợi cho sức khỏe.
Ví dụ, đôi miếng mứt gừng có thể làm chứng khó tiêu biến mất, một trái mứt quất có thể giúp bạn ngon miệng hơn,vài miếng mứt hồng bì hay đôi quả mơ có thể tiết giảm chứng viêm họng do nhiễm lạnh,hồng hoa Hibicus và dâu tây lại giúp mát gan,làm đẹp da,…
“Không chỉ có lứa tuổi trung niên mà ngay cả các bạn trẻ cũng rất có hứng thú với mứt Tết, đặc biệt là các vị mứt mới lạ như mơ gừng, mơ dẻo cay hay hibicus gừng”, đại diện bánh mứt kẹo Hà Nội cho hay.
Bình luận