• Zalo

Điểm giống nhau kỳ lạ giữa Ánh Viên và Schooling

Thể thaoThứ Năm, 11/06/2015 10:37:00 +07:00Google News

Ánh Viên và Schooling là minh chứng cho thành công của những vận động viên được đầu tư có trọng điểm với những kế hoạch tập huấn dài hạn trên đất Mỹ

Chính xác hơn, Ánh Viên và Schooling là minh chứng cho thành công của những vận động viên được đầu tư có trọng điểm với những kế hoạch tập huấn dài hạn trên đất Mỹ - một cường quốc về bơi lội.

Họ chỉ hơn kém nhau một tuổi, và có rất nhiều điểm giống nhau trên con đường sự nghiệp: cùng nổi lên cách đây 4 năm, cùng liên tục phá những kỷ lục để chạy đua danh hiệu VĐV xuất sắc nhất SEA Games 2015, và những thành công ấy đều có được nhờ sự đầu tư bài bản và nỗ lực tập luyện hết mình trên đất Mỹ. Trong khi Schooling học hành và tập luyện ở Austin, Texas thì Ánh Viên chọn Florida làm nơi để rèn giũa tài năng.
Joseph Schooling và HLV Sergio Lopez 
Chuyện của Schooling

Năm 14 tuổi, Schooling đã học tập và rèn luyện trên đất Mỹ khi theo học ở trường trung học Bolles, ngôi trường đã từng đào tạo lên rất nhiều VĐV đoạt huy chương Olympic các loại, dưới sự huấn luyện của HLV nổi tiếng người Tây Ban Nha Sergio Lopez - trưởng bộ môn bơi ở ngôi trường này.

Nhưng kể từ sau màn ra mắt cực kỳ ấn tượng ở Palembang 2011, với hai huy chương vàng nội dung bơi bướm (50m và 200m), Schooling mới thực sự được Liên đoàn bơi lội Singapore đầu tư mạnh tay với mục tiêu hướng đến Olympic Rio 2016. Thậm chí, anh còn được miễn nghĩa vụ quân sự đến tháng 8/2016. 
Ánh Viên bơi nước rút
 Ánh Viên bơi nước rút (Ảnh: Phạm Thành)
Sau khi tốt nghiệp trường Bolles, Schooling được chuyển sang trường đại học Texas ở Austin, và người trực tiếp huấn luyện cho anh là Eddie Reese, HLV của đội tuyển bơi lội Mỹ ở Olympic 2008. Kể từ ngày đó, thành tích của anh ở Hiệp hội thể thao đại học Mỹ thăng tiến rõ rệt, và mục tiêu của Schooling bây giờ không chỉ ở tầm Đông Nam Á nữa mà phải là châu lục, và cao hơn nữa là thế giới. 

Đó không phải là một kế hoạch vĩ cuồng nếu biết rằng anh đã đạt thành tích 44,51 giây ở cự ly 100 yard bơi bướm tại giải vô địch bơi lội NCAA năm nay, tức là nếu quy ra hệ thống bể dài thi chỉ thua kỷ lục thế giới của Michael Phelps chưa đến 1 giây. Năm ngoái, anh trở thành VĐV Singapore đầu tiên sau 33 năm giành HCV ASIAD, và thậm chí còn lập kỷ lục đại hội. Kỷ lục SEA Games mà anh mới lập ở nội dung 200m bơi bướm (1:55:73) xếp thứ bảy thế giới.

“Tôi đã tập luyện cùng một nhóm những VĐV quyết tâm trở thành số một thế giới, và chúng tôi tập luyện như những nhà vô địch thế giới hàng ngày”, Schooling tiết lộ “Tôi nghĩ đó là lý do mà tôi thi đấu ngày càng tốt hơn, bởi xung quanh tôi là những người hướng tới HCV Olympic. Họ muốn lọt vào đội tuyển Mỹ và trở thành người xuất sắc nhất trong lịch sử.” Mục tiêu kế tiếp của Schooling, vì thế, sẽ là giải vô địch thế giới tại Kazan (Nga), và xa hơn chút nữa là Olympic Rio 2016.
Ánh Viên và Quý Phước: Hai ngôi sao bơi lội VN
Và chuyện của Ánh Viên, Quý Phước

Xuất phát điểm của Ánh Viên muộn hơn Schooling. Năm 2007, cô mới thực sự được tập luyện một cách bài bản và chuyên nghiệp. Sau SEA Games 2011, kình ngư này đã được cử đi tập huấn ở trường Đại học St Augustine (bang Florida-Mỹ), dưới sự chỉ đạo huấn luyện của HLV Anh Tuấn và hai chuyên gia quốc tế, một lo thể lực, một hướng dẫn chuyên môn. 

Những bài tập trong môi trường chuyên nghiệp thực sự là một cú hích tích cực để tài năng của Ánh Viên cất cánh. Đơn cử như ở bài tập bơi ngược dòng, trên đường bơi chuyên dụng có máy đẩy nước, Ánh Viên phải đặt một cốc nước đầy trên trán, và bơi ngửa làm sao để chiếc cốc đó không đổ. 
 Quý Phước chưa thể phá thế độc tôn của Schooling
Tất nhiên, bên cạnh đó là một chế độ dinh dưỡng, thuốc men, thuốc thực phẩm hết sức đầy đủ mà điều kiện ở trong nước khó lòng đáp ứng đầy đủ. Đó là một quy trình ăn và tập được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn Mỹ với mô hình dành cho VĐV bơi lội huyền thoại Michael Phelps. Nhờ cú hích từ nước Mỹ, Ánh Viên đã trở thành cô gái vàng của bơi lội Việt Nam, khi đang giữ 14/17 kỷ lục quốc gia và tỏa sáng rực rỡ ở SEA Games 2015.

Tất nhiên, điều kiện tập luyện là một chuyện, còn thành công hay không thì còn phải phụ thuộc vào tài năng và nỗ lực của VĐV.

Lấy trường hợp của Quý Phước để minh chứng. Đầu năm 2012, kình ngư trẻ này cùng 4 đồng đội được tạo điều kiện sang Mỹ tập huấn, và cũng được Sergio Lopez - thầy của Schooling ở trường Bolles - huấn luyện. Thời điểm ấy, Quý Phước vừa giành HCV ở hai cự ly hot 100m tự do và 100m bơi bướm ở SEA Games 2011 và được đánh giá cao hơn cả Ánh Viên. 

Nhưng hơn hai tháng sau, trong bản báo cáo dài gần 1400c gửi về nước, HLV Đặng Anh Tuấn nhấn mạnh: “VĐV Phước tập luyện không tích cực, ý thức rất kém và hầu như không có mục tiêu phấn đấu cho chuyến tập huấn lần này, thường xuyên không đảm bảo được yêu cầu của chuyên gia, cũng như HLV”. Có người cho rằng Phước đã mắc bệnh sao. 

Việc Quý Phước bị tăng cân trong thời gian tập huấn ở Mỹ phần nào minh chứng cho báo cáo của HLV Anh Tuấn. Ở giải Indianapolis Grand Prix diễn ra cuối tháng Ba, anh không được đăng ký tham dự. Trong số ba VĐV dự giải đấu này, Kim Tuyến và Thành Nguyện xếp hạng rất thấp, kém xa chuẩn Olympic, chỉ có Ánh Viên (khi đó mới 16 tuổi) đạt thành tích 2 phút 15 giây 15 ở nội dung 200m ngửa, vượt chuẩn B Olympic (2 phút 15 giây 42), và qua đó giành quyền tham dự Olympic London 2012.

Việc đầu tư cho những tài năng là điều cần thiết với các nền thể thao, nhưng rõ ràng, để thành công thì vẫn phải xuất phát từ chính bản thân VĐV, với nỗ lực và quyết tâm tối đa trong các cuộc đấu. 

Nguồn: Thể thao văn hóa
Bình luận
vtcnews.vn