• Zalo

Đề xuất thu hàng nghìn m2 đất phố cổ xây trường

Giáo dụcThứ Ba, 13/08/2013 08:38:00 +07:00Google News

Đầu năm 2013 UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện rà soát đất, đề xuất xây dựng các trường công lập tại các khu dân cư có mật độ cao.

Sau nhiều năm ngành giáo dục thủ đô “kêu khóc” về việc quá tải trường lớp, đặc biệt trong khu vực nội thành, đầu năm 2013 UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện rà soát đất, đề xuất xây dựng các trường công lập tại các khu dân cư có mật độ cao.

'Sau hơn nửa năm, đến nay đã có 10/29 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội trình đề xuất bổ sung quỹ đất xây dựng trường.

Và kết quả khá bất ngờ, khi hàng chục nghìn m2 đất nội thành đã được “phát hiện”, kiến nghị thu hồi, trong đó không ít diện tích thuộc khu vực đất có giá đến tiền tỉ/ m2 – như đất thuộc quận Hoàn Kiếm.

Không có chỗ, học sinh Trường Tiểu học Bà Triệu phải học trên vỉa hè đối diện cổng trường.
 Không có chỗ, học sinh Trường Tiểu học Bà Triệu phải học trên vỉa hè đối diện cổng trường. 
Những địa điểm có thể thu hồi để xây trường học, theo bản báo báo của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội tổng hợp từ kiến nghị, đề xuất của các quận huyện, cụ thể là:

Số 17-19 Thụy Khuê có diện tích 2.100 m2, để mở rộng Trường mầm non Chu Văn An.

Số 4 ngõ 108 An Dương  với diện tích 3.100 m2, để xây Trường mầm non Yên Phụ.

1.800 m2 đất ở phố Hàng Khoai để xây trường THCS.

Số 88 Hàng Buồm  có 1.000 m2   xây trường tiểu học.

Trường mầm non Sao Mai sẽ có 110 m2 đất ở số 49 Phan Bội Châu để mở rộng diện tích.

Xây Trường tiểu học Điện Biên ở số 4 Tống Duy Tân với 275 m2.     

Số 13 Phan Huy Chú để xây Trường tiểu học Võ Thị Sáu.

Diện tích ở số 25 Hàng Quạt được dành để mở rộng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc.

Số 68 Hàng Quạt có 168m2 để mở rộng THCS Nguyễn Du.

Có tới 2.500 m2 ở số 114 Mai Hắc Đế để xây Trường tiểu học Bà Triệu.

Diện tích 3.700 m2 ở số 231 - 233 Lê Duẩn được kiến nghị để xây trường tiểu học phường Nguyễn Du.

4.000 m2 ở số 67 Ngô Thì Nhậm được đề nghị thu hồi xây trường công lập.

Số 60 Ngô Thì Nhậm  có  465 m2 xây trường mầm non.

Số 94 Lò Đúc có 4.000 m2 xây Trường THCS Phạm Đình Hồ.

406 m2 xây trường mầm non tại số 60 Hàng Chuối.

Diện tích lên tới 6.100 tại số 65 Cảm Hội được đề xuất xây trường cho phường Đông Mác.

Số 418 Bạch Mai cũng có tới 7.000 m2, xây trường cho phường Bạch Mai…

Đất có chủ mà… như không

Từ việc rà soát này, có thể thấy hiện trạng đất công bị sử dụng bừa bãi và lãng phí như thế nào.

Hai miếng đất to nhất mà quận Tây Hồ đề xuất thu hồi tại số 4 ngõ 108 An Dương, phường Yên Phụ do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội đang quản lý; đất tại số 17-19 Thụy Khuê do Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội đang quản lý nhưng hiện đang để hoang hóa.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hữu Nghĩa, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về việc thu hồi đất do vi phạm luật Đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố đã và đang thu hồi đất của 35 tổ chức với diện tích hơn 800 ha. Trong số đó, có 3 dự án đã giao cho UBND các quận, huyện để xây trường học, 32 dự án đã giao cho các đơn vị để quản lý và lập phương án sử dụng đất theo quy hoạch.

7 địa điểm do quận Hoàn Kiếm đề xuất, trong đó có số 88 Hàng Buồm thuộc Nhà văn hóa Trung tâm Thành phố, đất tại số 49 Phan Bội Châu (Nhà khách Sơn La) thuê của nhà nước đã hết hạn hợp đồng. Các địa điểm số 4 Tống Duy Tân thuộc Nhà xuất bản Hà Nội, đất tại số 68 Hàng Quạt do Công ty Dệt kim Thăng Long quản lý.

Quận Hai Bà Trưng “tìm” được tới 13 địa điểm, trong đó đất tại số 115 Mai Hắc Đế, phường Bùi Thị Xuân đang do Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo quản lý, sử dụng.

Lý do thu hồi 3.700m2 tại 231 và 233 đường Lê Duẩn, phường Nguyễn Du là do Công ty V75 - Bộ Ngoại giao và Công ty Vận tải Hà Nội đang quản lý làm bãi đỗ xe và sửa chữa ô tô.

Với 4000m2 đất tại 94 Lò Đúc, thuộc Nhà máy rượu Hà Nội, quận Hai Bà Trưng đề xuất Thành phố sớm giao cho Quận để tách riêng cấp học cho học sinh Trường Lê Ngọc Hân mà không chờ tiến độ thực hiện toàn dự án 94 Lò Đúc.

406 m2 đất tại 60 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hồ do công ty Xây dựng Cầu Thăng Long sử dụng, hiện đang có tranh chấp với các hộ dân, bị lấn chiếm nhiều năm nay chưa giải quyết xong.  

Đất tại số 65 phố Cảm Hội, phường Đông Mác do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vận tải quản lý, sử dụng, hiện đang cho thuê làm trường học.

Đất tại 170 - 176 phố Lò Đúc hiện đang do Hợp tác xã Công nghiệp Quyết Tiến quản lý, sử dụng, UBND quận Hai Bà Trưng cho biết sẽ tiến hành kiểm tra, nếu sử dụng không hiệu quả sẽ kiến nghị thu hồi đất để xây dựng trường học.
Lễ khai giảng tổ chức dưới lòng đường, khách mời ngồi trên hàng ghế ở vỉa hè, nơi người dân qua lại.
Lễ khai giảng tổ chức dưới lòng đường, khách mời ngồi trên hàng ghế ở vỉa hè, nơi người dân qua lại. Trong buổi lễ ngày 5/9/2012, có một "vị khách không mời" ôm chú chó đi ngang qua.  
Khu đất 2.186,6m2 đất tại phường Bách Khoa hiện được đánh giá là quản lý sử dụng không hiệu quả, UBND Quận để nghị Thành phố làm việc với Bộ GD-ĐT và trường ĐH Bách Khoa để thu hồi giao cho quận đầu tư xây dựng trường THCS cho phường Bách Khoa.

Khu đất có diện tích 2.383m2 đất tại 163 Đại La, phường Đồng Tâm do Công ty xe đạp, xe máy quản lý, sử dụng nhưng hiện đang cho thuê làm Trung tâm thương mại, siêu thị. UBND quận đề xuất Thành phố giao cho các Sở, ngành kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì kiến nghị thu hồi để xây dựng trường học cho phường Đồng Tâm.

Đất tại 418 phố Bạch Mai, phường Bạch Mai của Công ty Kỹ thuật Điện thông, UBND quận Hai Bà Trưng đánh giá là sử dụng không hiệu quả, vi phạm luật đất đai.

Địa điểm cuối cùng mà UBND quận Hai Bà Trưng kiến nghị xem xét là lô đất có diện tích 531m2 tại 97 ngõ Đình Đông, phường Thanh Nhàn do Hợp tác xã công nghiệp Sông Hương đang quản lý, sử dụng nhưng kém hiệu quả.
Ngoài các quận trung tâm, một số quận huyện khác cũng đã rà soát và đề nghị các vị trí để Thành phố xem xét xây dựng trường học, với diện tích được đề xuất lên đến hàng trăm nghìn ha.

Quận Hà Đông đề nghị cải tạo, xây dựng mới và mở rộng thêm 87 trường học ở cả 3 cấp học, với tổng diện tích 698.669,7m2.

Huyện Thanh Oai đề nghị bổ sung 42.528m2 đất làm trường mầm non; 9.904m2 đất làm trường tiểu học; 3.500m2 đất làm trường THCS; 15.100m2 đất làm trường THPT.

Huyện Ba Vì đề nghị sử dụng khoảng 86,01ha đất cho sự nghiệp giáo dục của huyện.

Huyện Mê Linh đề xuất xây dựng mới 4 trường mầm non với diện tích 20.865,5m2.

Huyện Đan Phượng đề xuất mở rộng 11 trường mầm non với diện tích 96.727m2; 4 trường cần mở rộng với tổng diện tích đất bổ sung 28.162m2 để tách trường; mở rộng 14 trường tiểu học với diện tích 79.994m2; 1 trường cần bổ sung 10.000m2 đất để tách trường.


Theo Chi Mai/Vietnamnet



Bình luận
vtcnews.vn