Chiều 23/10, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nói, thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội. Do đó, hoạt động xét xử của tòa án cũng bị ảnh hưởng; nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử; một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa.
Do đó, tòa án tất yếu áp dụng xét xử trực tuyến nhằm khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh.
Qua nghiên cứu pháp luật hiện hành, TAND tối cao nhận thấy, các đạo luật về tố tụng tư pháp có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Một số tòa án khi tổ chức phiên tòa xét xử vụ án xâm hại tình dục, vụ án tham nhũng và một số vụ án khác có nhiều người tham gia tố tụng đã cho luật sư, bị hại, người làm chứng tham gia phiên tòa tại phòng khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử.
Từ những phân tích nêu trên, có thể khẳng định tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc, tố tụng do pháp luật quy định và đáp ứng yêu cầu cấp bách thực tiễn hiện nay.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022.
Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp Quốc hội tán thành đề nghị của TAND tối cao, và đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Bình luận