BSCKII Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, chuyên khoa Nội cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng với ho, sốt, mất khứu giác, mất vị giác thì đau đầu khi bị COVID-19 cũng là một triệu chứng bệnh.
Các dữ liệu ghi nhận từ “ZOE COVID Symptom Study” (ZOE COVID - ứng dụng theo dõi của Anh) nhận định rằng, đau đầu là dấu hiệu ban đầu rất phổ biến của COVID-19. Trong đó, các thông tin về đau đầu khi COVID diễn ra với người bệnh đã được chỉ ra cụ thể.
Tình trạng nhức đầu xảy ra khi bắt đầu bệnh lý
Các cơn đau đầu thường diễn ra trong khoảng 3 - 5 ngày, có khoảng 70% người lớn và 60% trẻ nhỏ bị đau đầu khi mắc COVID-19, khoảng 15% người cho thấy đau đầu là triệu chứng duy nhất mà họ gặp phải khi bị COVID-19.
Đau đầu khi bị COVID diễn ra như thế nào?
Đau đầu thường là một trong những dấu hiệu phổ biến của các bệnh gây ra bởi virus. Do đó, đau đầu khi bị COVID-19 là triệu chứng mà bất cứ người bệnh nào cũng có thể gặp phải.
Thông thường, các cơn đau đầu khi bị COVID sẽ xuất hiện trong giai đoạn khởi phát của bệnh. Cơn đau có thể kéo dài từ 3 - 5 ngày hoặc nhiều hơn tùy theo thể trạng của mỗi người. Người bệnh có thể bị đau nửa bên đầu hoặc đau cả đầu.
Theo nghiên cứu, người có tiền sử bị đau đầu có thể sẽ phải đối mặt với các cơn đau đầu do COVID-19 ở mức độ nặng hơn và thường xuyên hơn. Thậm chí, người bệnh có thể phải đối với với các cơn đau đầu dai dẳng mà chưa từng gặp phải trước đó khi mắc COVID-19. Trong một vài trường hợp khác, người bệnh có hội chứng hậu COVID có thể gặp phải các cơn đau đầu kéo dài lâu hơn bình thường. Đau đầu do COVID cũng phổ biến hơn với người dưới 65 tuổi.
Ngoài ra, với một vài bệnh nhân COVID-19 các cơn đau đầu cũng có thể xuất hiện bởi người bệnh quá căng thẳng hoặc bị stress kéo dài.
Đau đầu khi nhiễm COVID khác gì so với đau đầu do các bệnh lý khác?
BSCKII Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, dù phổ biến nhưng đau đầu không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của việc người bệnh đã nhiễm COVID. Chính vì vậy, dựa theo nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra 5 dấu hiệu nhận biết đau đầu khi bị COVID-19 như sau:
- Người bệnh xuất hiện các cơn đau từ vừa đến nặng.
- Cơn đau đầu xuất hiện ở cả hai bên đầu. Người bệnh liên tục có cảm giác đau nhói hoặc đau giật mạnh ở đầu.
- Cơn đau dai dẳng và xuất hiện thường xuyên. Đau đầu nhiều hơn 3 ngày. Ít có xu hướng thuyên giảm cơn đau khi sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường.
- Đau đầu khi bị COVID cũng sẽ có một vài đặc điểm khác biệt so với hội chứng đau nửa đầu mà nhiều người gặp phải. Thông thường, đau nửa đầu biểu hiện với cảm giác đau nhói một bên đầu, kèm theo các triệu chứng buồn nôn, nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng,... Tuy nhiên, đau đầu do COVID-19 thường diễn ra với các cơn đau toàn bộ đầu và thường kèm theo sốt, ho, thậm chí là mất khứu giác, vị giác và ngủ kém.
Các phương pháp có thể áp dụng khi bị đau đầu do COVID-19
Nếu đang phải đối mặt với các cơn đau đầu khi bị COVID-19, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau để cải thiện tình trạng.
- Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen để giảm đau và hỗ trợ hạ sốt.
- Nếu quá đau đầu, bạn có thể thử chườm mát để giảm cơn đau. Điều này cũng có thể giúp người bệnh hạ nhiệt nếu đang sốt cao.
- Massage nhẹ nhàng tại vùng trán hoặc thái dương cũng là giải pháp hiệu quả giúp giảm nhẹ các cơn đau đầu mà bạn gặp phải.
- Đừng quá gắng sức khi đang quá mệt hoặc gặp phải những cơn đau đầu dữ dội. Thay vào đó, bạn nên nằm xuống nghỉ ngơi và thư giãn. Một giấc ngủ ngắn cũng có thể đem lại hiệu quả cao để hạn chế tình trạng đau đầu.
- Uống thật nhiều nước và ăn thật nhiều hoa quả, rau xanh.
Trong trường hợp đã thử áp dụng các phương pháp trên mà không có sự hiệu quả, hoặc bạn gặp phải tình trạng đau đầu kéo dài hậu COVID-19, việc thăm khám sức khỏe là điều cần thiết.
Đặc biệt, nếu gặp phải các triệu chứng dưới đây, bạn cần nhanh chóng tìm kiếm sự giúp đỡ về y tế để đảm bảo sức khỏe của chính bản thân, gồm có:
- Đau đầu dữ dội hoặc đau đầu kèm theo nôn, choáng váng,...
- Sốt cao trên 39 độ. Sốt cao kéo dài trong nhiều ngày và đã sử dụng thuốc hạ sốt nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm.
- Có cảm giác khó thở, thở gấp. Nhịp thở tăng nhanh.
- Đau tức tại vùng ngực.
- Có dấu hiệu mất hoặc thay đổi ý thức.
- Cơ thể có dấu hiệu co giật, tím tái.
- Trẻ nhỏ bị xuất huyết kết mạc mắt.
- Người bệnh chán ăn, không muốn ăn, buồn nôn hoặc gặp các vấn đề tiêu hóa kéo dài.
- Nồng độ SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo và nhận biết tại nhà).
Bình luận