Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng sự bùng phát của dịch COVID-19 đang đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc và điều này mang đến những cơ hội cho các nước trong khu vực Asean, trong đó có Việt Nam.
Theo đó, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực lên triển vọng kinh tế toàn cầu, nhất là đối với các công ty đa quốc gia. Apple công bố điều chỉnh giảm mục tiêu doanh thu quý I/2020 từ 84 tỷ USD trước đó xuống còn 63 tỷ USD, thấp hơn 25% so với dự báo do các nhà máy tại Trung Quốc ngừng hoạt động.
Trong khi đó, một số công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất khi dịch COVID-19 bùng phát vì các nhà máy của họ được đặt bên ngoài Trung Quốc, chẳng hạn như Samsung với các nhà máy sản xuất đặt tại Việt Nam vẫn duy trì hoạt động ở công suất cao.
Điều đó đã tạo ra một xu hướng mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc và Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia hưởng lợi trong Asean. Google và Microsoft đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và Thái Lan.
Theo thông tin từ Nikkei, Google dự kiến bắt đầu bán dòng điện thoại Pixel4A và Pixel5 với một phần được sản xuất tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2020. Google cũng sẽ bắt đầu bán loa thông minh Nest Mini được sản xuất tại Thái Lan cuối năm nay. Microsoft dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất dòng máy tính Surface, gồm máy tính để bàn và máy tính xách tay tại Việt Nam trong quý II/2020.
Vẫn theo VNDirect, so với các quốc gia trong khu vực (Phillippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Myanmar) về mức độ thu hút công nghiệp, Việt Nam vẫn là vị trí tiềm năng cho sự chuyển dịch của các công ty nhờ vào giá thuê đất, tiền nhân công, năng lượng và nhà xưởng thấp.
Ngoài ra Việt Nam cũng đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 22% xuống mức 20% vào năm 2016 cho tất cả các công ty trong nước và nước ngoài để tăng cường thu hút sản xuất. Đồng thời các công ty trong các khu công nghiệp cũng được hưởng nhiều ưu đãi, như miễn, giảm thuế và miễn thị thực…
“Việt Nam đã sẵn sàng trở thành một trung tâm sản xuất thay thế nhờ vào vị trí gần Trung Quốc, lực lượng lao động chi phí thấp và ưu đãi thuế”, VNDirect nhận định.
Bên cạnh đó, theo VNDirect, các hiệp định thương mại FTA đã được ký kết sẽ là nhân tố chính để đẩy mạnh nhu cầu thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, quỹ đất sẵn sàng cho thuê tại các khu công nghiệp dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong giai đoạn quý II – III/2020 với khoảng 1.890ha, tương đương 4% so với tổng diện tích đất khu công nghiệp năm 2019.
Đáng chú ý, quỹ đất mới hoặc mở rộng này chủ yếu tại các tỉnh phía Nam (hầu hết ở Bình Dương) vốn sắp hết nguồn cung. Trong khi đó nguồn cung đất khu công nghiệp vẫn hạn chế trong giai đoạn 2020 - 2021, do đó các công ty có quỹ đất sẵn, lớn sẽ có cơ hội tăng trưởng trong làn sóng dịch chuyển nhà máy tiếp theo.
Từ đó VNDirect cho rằng, ở miền Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu đang trở thành điểm nóng công nghiệp kể từ khi hệ thống đường cao tốc mới được đẩy mạnh phát triển, kết nối cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải với TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.
Hiện Bà Rịa - Vũng Tàu, với tỷ lệ lấp đầy ở mức 73% và giá cho thuê khu công nghiệp thấp nhất tại miền Nam, với mức giá 58 USD/m2/ kỳ thuê tại thời điểm cuối 6 tháng 2019, sẽ trở thành điểm sáng về bất động sản khu công nghiệp trong giai đoạn 2020 - 2021 nhờ vào hệ thống cao tốc và cụm cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải.
Tại miền Bắc, các khu công nghiệp tại Hải Dương, Bắc Giang sẽ phát triển nhờ vào đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, giúp thời gian di chuyển từ Hà Nội đến biên giới khu vực Lạng Sơn giảm một tiếng so với trước đây.
Khu công nghiệp ở Hải Dương và Bắc Giang với cơ sở hạ tầng tốt về đường cao tốc, cụ thể là đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Hải Dương - Quảng Ninh và có thể kết nối với cụm cảng Hải Phòng, cũng sẽ đạt được tăng trưởng tốt về giá và diện tích đất khu công nghiệp cho thuê trong 2020.
Bình luận