• Zalo

Đào tung mồ mả săn tìm quan tài gỗ sưa

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 09/12/2012 10:23:00 +07:00Google News

Giá trị những cỗ quan tài bằng gỗ sưa quá lớn nên kẻ xấu vẫn tìm trăm phương ngàn kế đào trộm những ngồi nhà mồ kia.

Đã có hàng trăm ngôi mộ cũ, mới bị xới tung để tìm kiếm chiêng, ghè cổ, đồng đen, vàng bạc… khiến cho bà con vô cùng uất ức vì người thân của họ mới hôm qua còn mồ yên mả đẹp thì sáng hôm sau ngôi nhà mồ đã bị đào xới tan hoang.


Và cơn sốt gỗ sưa đã lây lan đến vùng cao nguyên này. Mặc dù người dân đã cắt cử nhau canh gác, nhưng vì giá trị những cỗ quan tài bằng gỗ sưa quá lớn nên kẻ xấu vẫn tìm trăm phương ngàn kế đào trộm những ngồi nhà mồ kia.

Bài cuối: Bản làng “dậy sóng” vì cơn sốt những cỗ quan tài làm từ gỗ sưa


Khu nhà mồ của làng Kuk Kông (An Thành, Đắc Pơ) cách trung tâm làng gần 1km và cũng là nơi bị kẻ xấu thường xuyên tìm tới săn lùng, đào bới trộm. Từ đầu năm 2011 đến nay, cả làng đã có hàng chục ngôi mộ bị đào trộm.

Thượng tá Đỗ Hùng, Đội trưởng đội công tác 401, công tác tại địa bàn xã An Thành dẫn chúng tôi đến khu nhà mồ của người dân để tận mắt chứng kiến cảnh đau lòng của những ngôi mộ bị đào xới.

Hơn 11h trưa, trời vẫn mưa to, nước quất rát mặt. Khu nhà mồ âm u, ảm đạm nằm sâu trong khu rẫy cỏ mọc um tùm cao quá đầu người càng làm cho khu nghĩa địa trở nên hoang vu bí hiểm.

Tài sản được chia cho người chết 
Anh Trần Văn Quê, một chủ cây xăng duy nhất nằm ở trung tâm xã Sơ Pai (Kbang, Gia Lai) kể lại: “Năm 2007, khi gia đình tôi chuẩn bị xây nhà, có một người hàng xóm đến gạ bán cho tôi 2 khối gỗ sưa với giá 3 triệu đồng.

Khi ấy ở đây chẳng ai biết giá trị gỗ sưa đắt rẻ ra sao cả nên người hàng xóm đã nói dối rằng đó là gỗ hương. Ngày đó gỗ sưa được người dân sử dụng làm quan tài để an táng người chết là chuyện hết sức bình thường.

Vốn là người di cư từ Bắc vào đi rừng khai thác gỗ nên khi tìm hiểu thì tôi biết chính xác đó là gỗ sưa. Nhưng mấy năm qua, một số thương lái đã đến những vùng bản làng heo hút này tìm mua gỗ sưa và giá của nó cứ ngày một đẩy lên cao chót vót.

Từ những chiếc thớt vài kg đến những cây cột nhà, tủ và cả đến cả những miếng gỗ vụn đều được mang ra bán, và cơn sốt gỗ sưa này đã làm cho bản làng của chúng tôi nóng lên từng ngày.

Có người bán được bộ cửa với giá cả trăm triệu đồng, rồi người nọ rỉ tai người kia rằng gỗ sưa bây giờ có giá cả tỉ bạc một khối. Chính vì giá cả cao như vậy đã khiến một số kẻ bất lương lùng sục đào bới nhiều ngôi mộ, làm cho tình hình địa phương trở nên phức tạp”.
Cỏ um tùm vây kín các nhà mồ 
Trước đó, một người dân ở làng Ta Kơ (Sơ Pai) tên Đinh B, trong lúc ngồi uống rượu bỗng hứng chí “bật mí” rằng: Có lần nghe cha mình nói là quan tài chôn ông nội được làm bằng gỗ sưa. Chẳng bao lâu sau, tin này lọt ra ngoài và kẻ xấu đã đến đào bới ngôi mộ của ông nội B.

Sau khi phát hiện mả nhà mình bị đào trộm, gia đình B đã phải bỏ ra cả chục triệu đồng để mua xi măng, gạch cát và vật liệu để an táng lại hài cốt cho ông nội và làm lễ tạ “con ma”.

Không dừng lại ở việc đào trộm mả, sau khi đào trộm, kẻ xấu còn tung tin là chiếc quan tài này đã được bán với giá 80 triệu đồng, làm cho gia đình B và hàng trăm người dân trong làng hết sức bất bình, muốn tìm ra tung tích của kẻ bất lương kia để “trị tội cúng con ma rừng”.

Nhưng sau cả năm trời gia đình và người làng tìm kiếm, kẻ xấu vẫn “bặt vô âm tín”.

Vì kẻ xấu thường lợi dụng lòng tin, sự trắc ẩn và thiếu cẩn trọng của đồng bào nên đã đến lợi dụng làm việc xấu. Vừa mất của, vừa đau lòng, trong khi đó hầu hết người dân không trình báo chính quyền nên không có sự can thiệp của cơ quan chức năng.

Và để đối phó với những điều đáng sợ này, nên dù nghèo nhưng người dân đã vay mượn hàng chục triệu đồng để xây mộ cho người chết ngay khi mới chôn xong.

Nhiều gia đình vì không có tiền hoặc chưa vay mượn được nên đã dựng lều và cắt cử người ra canh mộ để đảm bảo những ngôi mộ không bị đào bới trộm. Bởi vậy hàng trăm ngôi mộ đã được xây dựng kiên cố với bê tông cốt thép, làm mất dần đi văn hóa của người địa phương.
Các khu mả được xây kín bằng bê tông để chống trộm 
Ông Giang Minh Nghi, Trưởng Ban phong trào của Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Gia Lai là người địa phương cho biết: “Bà con chúng tôi coi mả của người chết là rất linh thiêng.

Trước đây, khi chôn xong người chết, bà con chúng tôi còn có tục lệ mang cơm, rượu ra để linh hồn người đã khuất được ăn uống no đủ và cũng cho những con ma cũ ăn no, để họ không bắt nạt con ma nhà mình. Cúng đến một năm sau chúng tôi không quay lại khu nhà mồ đó nữa. Và chỉ khi nào làm lễ bỏ mả thì chúng tôi mới lại ra”.

Thượng tá Hùng cho biết: “Do bà con nơi đây có thói quen không đào sâu khi an táng người chết nên môi trường nơi đây rất ô nhiễm. Vào mùa mưa thì còn đỡ, chứ vào mùa nắng thì mùi tử thi nặng lắm nên hầu như ít người đến gần khu nhà mồ.

Hơn nữa, ở khu nhà mồ cỏ mọc tốt um che khuất tầm nhìn nên khó phát hiện những kẻ đào bới trộm. Trong khi đó kẻ xấu lợi dụng vào thời gian sáng sớm hoặc những ngày mưa bà con không để ý nên đã đến đào trộm”.

Để khu nhà mả được bảo vệ, chính quyền địa phương đã cử đội công tác, vận động bà con thành lập các tổ tự quản để luân phiên đi tuần, kịp thời ngăn chặn hành vi xâm phạm mồ mả.
Thượng tá Hùng bên ngôi mộ mới bị đào trộm 
Thượng tá Đỗ Hùng nói: “Nhà mồ của khu làng Kuk Kông cỏ mọc um tùm. Bọn trộm tranh thủ đêm tối, mưa to gió lớn đã mang dụng cụ đào bới tung tóe các ngôi mộ để kiếm cồng chiêng, rồi đồ cổ mà trước đây bà con đã chôn theo người chết.

Đội công tác cũng tham mưu cho cán bộ, dân làng Kuk Kông tổ chức thành lập các tổ tự quản theo dõi các mặt phòng chống kẻ xấu, phòng chống trộm cắp và kiểm tra khu vực nhà mồ. Tránh kẻ xấu lợi dụng sơ hở của bà con, nhất là bà con dân tộc người địa phương đi làm ăn ngoài rẫy để trộm cắp”

Ông Giang Minh Nghi cho biết thêm: “Người Bana tin rằng sau khi chết linh hồn của người chết sẽ về thế giới bên kia sống với tổ tiên. Và linh hồn của người chết không đi hẳn, không sống hẳn ở thế giới bên kia, mà sau một thời gian linh hồn đó sẽ trở lại, tái sinh trở lại làm người bằng cách nhập vào thể xác của những đứa trẻ.

Vì vậy, với chúng tôi, chết không phải là hết, mà chết chỉ là chuyển trạng thái sống của một cá thể: từ trạng thái vật chất sang trạng thái siêu hình, để sau một thời gian lại chuyển từ trạng thái siêu hình về trạng thái vật chất.

Chính do quan niệm như vậy về cái chết nên chúng tôi không sợ những người đã chết. Để đảm bảo những linh hồn của đồng bào chúng tôi được bình yên, rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra và có biện pháp xử lý thích đáng đối với những kẻ trộm cắp vô lương tâm này”.
Luật sư Xuân Bính (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Việc đào mộ của người quá cố xét về mặt đạo lý là vi phạm pháp luật. Tại điều 246 - Bộ luật Hình sự quy định tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt: “Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

Theo điều 629 - Bộ luật Dân sự quy định, việc bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả: cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt hại đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.


TheoBáo Gia đình và Cuộc sống

Bình luận
vtcnews.vn