“Trong đất liền, các bạn thanh niên cần tìm hiểu thêm về Trường Sa để nắm chắc vị trí, tầm quan trọng và thực tế cuộc sống trên đảo có nhiều đổi mới, ngày càng khang trang hơn trước”, trung tá Phạm Văn Hiến, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, nhắn nhủ.
Trong lần ghé thăm đảo Trường Sa Lớn, nhiều thành viên của đoàn hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2013 đã có ấn tượng đặc biệt với Trung tá Phạm Văn Hiến. Nghiêm túc với các chiến sĩ trong giờ thực hiện nhiệm vụ với vai trò một Chỉ huy trưởng, ân cần đôn đốc người dân trên đảo tham gia lễ chào cờ, đặc biệt luôn vui vẻ trả lời mọi câu hỏi của những người lần đầu đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp như một người chú, một người anh, dành thời gian để trò chuyện khách, Trung tá Phạm Văn Hiến giãi bày:
Với chúng tôi, những người lính Trường Sa, lá cờ Tổ quốc nào cũng có ý nghĩa và trang trọng vì trước hết, các lá cờ đều đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa; thứ hai, mỗi lá cờ đều thể hiện sức mạnh, vị thế của Việt Nam với bạn bè quốc tế; đồng thời trong đó còn chứa đựng ý chí, lòng trung thành, mồ hôi, máu, nước mắt và cả sự hy sinh của những người lính Trường Sa; thứ ba là lá cờ được dùng ở đây cũng chứa đựng cả niềm tin, tình thương yêu đùm bọc của cả nước với Trường Sa.
Một trong những lá cờ tôi nhớ nhất là lá cờ được treo đầu năm 2012, lá cờ đầu tiên tôi kéo lên với cương vị chỉ huy trưởng đảo Trường Sa. Khỏi phải nói, mọi người cũng biết lá cờ đó mang ý nghĩa đặc biệt với tôi thế nào. Sau đó, lá cờ đã được đảo tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh.Các cột turbine điện gió, cột BTS sừng sững hiện diện ở trên các đảo tại Trường Sa.
- Ở Trường Sa, người lính hải quân luôn là chỗ dựa cho người dân, đặc biệt là các ngư dân ngày ngày làm kinh tế ở vùng biển thuộc chủ quyền của Tổ quốc. Câu chuyện nào về người dân khiến anh nhớ nhất trên đảo?
Đó là vào tháng 12/2007, dịp giáp Tết Nguyên đán, khi đó tôi là Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh. Có một tàu cá của tỉnh Bình Định đưa một cháu bé dạt vào đảo cấp cứu. Do đã khá lâu rồi nên tôi không còn nhớ tên cháu, số hiệu và tên của chủ tàu, chỉ biết rằng khi đó tôi xúc động đến chảy nước mắt vì thấy cháu quá nhỏ, đen gầy và rất yếu.
Sau khi các chiến sĩ quân y sơ cứu xong, chúng tôi hỏi chủ tàu, lúc đó tất cả anh em trên đảo đều sững sờ khi biết cháu bé đó thực ra đã chuẩn bị sang tuổi 15, mà chỉ nặng 23 kg; do điều kiện gia đình neo đơn xin đi để phục vụ nấu ăn trên tàu nhưng do sóng gió và sức khỏe yếu nên cháu không đủ sức phục vụ và ngày càng yếu.
Tôi đã chỉ đạo kíp Quân y chăm sóc sức khỏe cho cháu, đồng thời phát động toàn đảo thăm hỏi giúp đỡ cháu. Khi đó còn 4 - 5 ngày nữa là tết Nguyên đán, được sự nhất trí của cấp trên, chúng tôi đã cho cháu ăn Tết tại đảo. Trong tình thương yêu của cán bộ, chiến sỹ, sau 15 ngày sống trên đảo sức khỏe cháu được bình phục và tăng cân.
Cán bộ, chiến sĩ của đảo rất vui mừng thấy cháu khỏe mạnh. Đây là kỷ niệm sâu sắc nhất trong thời gian tôi công tác tại quần đảo Trường Sa.Chiến sĩ ở đảo Đá Thị liên lạc với gia đình.
Ngoài ra, còn có rất nhiều kỷ niệm nữa giữa quân và dân chúng tôi trên đảo. Chúng tôi sống với nhau như người một nhà, quan hệ đúng mực kính già yêu trẻ, đứng đắn với phụ nữ; phối hợp chặt chẽ với chính quyền thị trấn trong các nhiệm vụ.
Quân và dân trên đảo thường xuyên có các hoạt động giao lưu nhân ngày lễ tết, ngày quốc tế Phụ nữ 8/3; ngày gia đình Việt Nam; ngày Quốc tế Thiếu nhi, ngày tết Trung thu.... lãnh đạo chỉ huy đảo và chính quyền đi thăm và tặng quà nhân dân; tổ chức VHVN, giao lưu bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cờ vua...
- Thay đổi lớn nhất của Trường Sa hôm nay?
Thay đổi lớn nhất có lẽ là sự thông suốt về thông tin liên lạc. Trường Sa hôm nay đã gần với đất liền hơn, Trường Sa giờ đây không xa, đã về trong lòng cả nước.
Tôi nhớ lần đầu tiên ra đảo An Bang công tác, khi đó vợ tôi sinh cháu đầu lòng đúng vừa tròn một tháng. May mắn là vợ tôi đã động viên chồng đi làm nhiệm vụ và hứa sẽ chăm sóc con khôn lớn. Thời gian đó tàu ra đảo ít lắm, 4 - 5 tháng mới có một chuyến. Những lá thư tôi và vợ tôi viết cho nhau đều kể những chuyện rất cũ, những chuyện đã xảy ra từ nhiều tháng trước. Thay đổi lớn nhất có lẽ là sự thông suốt về thông tin liên lạc. Trường Sa hôm nay đã gần với đất liền hơn, Trường Sa giờ đây không xa, đã về trong lòng cả nước.
Biết vậy nhưng mỗi khi có tàu ra, tôi và anh em đều háo hức chờ đón, thời kỳ đó ai mà không có thư từ đất liền gửi ra thì buồn lắm, thực tình lúc đó không có gì vui bằng nhận được thư của người thân. Từ khi Viettel đầu tư đưa sóng di động ra đảo, đất liền chỉ còn cách một cái bấm nút, thông tin báo chí được cập nhật liên tục qua Internet không dây, tâm trạng chờ thư, chờ báo cũng không còn nữa. Cán bộ chiến sĩ ra làm nhiệm vụ tại đảo cũng bớt tâm tư hơn, yên tâm công tác hơn.
- Chúng tôi từng thấy các anh chiến sĩ ở Song Tử Tây nuôi bò để tăng gia bằng bìa carton, ở Trường Sa lớn, thủ phủ của Trường Sa, các anh gặp những khó khăn gì?
Ở đảo Trường Sa chúng tôi chăn nuôi heo, chó, mèo, gà, vịt. Hiện tại đối với việc chăn nuôi ở đảo, khó khăn nhất đó là thức ăn cho heo (đảo có khoảng 60 - 70 con.
Đảo sử dụng thức ăn dư thừa, cây chuối để cho heo ăn, ngoài ra cách khắc phục hiệu quả nhất để heo không bị đói là thả rông để heo ăn cỏ; ở Trường Sa cỏ là món ăn khoái khẩu của gia súc và là nguồn thức ăn không thể thiếu được.
- Anh có lời nhắn nhủ nào tới thanh niên trong đất liền?
Theo tôi trước hết các bạn sinh viên của các trường phải tích cực học tập để trang bị cho cá nhân những kiến thức cần thiết theo từng ngành nghề, chuyên môn; khi ra trường cống hiến được nhiều cho sự nghiệp đổi mới của Đất nước.
Đối với Trường Sa các bạn cần tìm hiểu để nắm chắc vị trí, tầm quan trọng và thực tế cuộc sống ở Trường Sa; hiện nay Trường Sa có đổi mới nhiều, diện mạo ngày càng khang trang song so với những nơi khác vẫn còn nhiều khó khăn. Tôi thiết nghĩ các bạn sinh viên hãy ra sức phấn đấu học tập để mai này đóng góp công sức và trí tuệ của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Theo Infonet
Bình luận