(VTC News) - Thời tiết nắng ấm và tâm lý thờ ơ với Tết của nhiều người dân tại Hà Nội đã khiến thị trường đào, quất tiếp tục rơi vào tình trạng ế ẩm.
Khách mua lèo tèo
Những ngày này, rất nhiều điểm bán đào, quất và các loại hoa Tết đã xuất hiện khắp nơi trên phố phường, chợ, trung tâm triển lãm của Hà Nội. Không chỉ từ các làng hoa Nhật Tân, Quảng Bá, Tây Tựu nổi tiếng, đào, quất còn được chở về rất nhiều từ các huyện ngoại thành Thủ đô và từ các tỉnh lân cận.
Mặc dù vậy, sức tiêu thụ đào, quất cũng như nhiều mặt hàng cây cảnh chơi Tết này hiện giờ vẫn đang rất yếu. Theo khảo sát của phóng viên VTC News tại điểm bán đào, quất phía trước cổng Bảo tàng Hà Nội (Từ Liêm, Hà Nội), trong hai ngày cuối tuần, lượng khách đến thăm quan, hỏi mua đào, quất khá lèo tèo.
Điểm bán quất tết lèo tèo người mua - Ảnh: Thanh Hải |
Anh Thịnh, người buôn quất từ Quảng Bá than thở: “Năm nay người ta không thịnh chơi quất. Khách đến ngắm lèo tèo, mà khách đến hỏi mua thì lại càng ít. Một ngày chỉ mong bán được 2-3 cây là vui lắm rồi”.
Cũng theo anh Thịnh, đoán được tình hình kinh tế không khả quan nên sẽ ít người bỏ tiền ra chơi cây quất đắt tiền, nên gia đình anh đã chủ động đầu tư triết gốc, chăm sóc những cây quất nhỏ để giá bán phải chăng hơn. Tuy nhiên, với sức tiêu thụ như hiện tại, anh Thịnh đang rất lo lắng đến giao thừa mà vẫn ế quất.
“Tuần cuối cùng giáp Tết thường là lúc bán được hàng nhất. Tết năm nay, những cây thế lớn, lâu năm, giá vài triệu đồng gần như không có người mua. Kinh tết khó khắn không chỉ người dân mà các doanh nghiệp, cơ quan tiết kiệm hơn. Vài ngày nữa mà không bán khá khẩm hơn thì rất sợ đến tất niên lại phải bán tống, bán thảo”, anh Thịnh chia sẻ.
Cùng chung “phận” ế ẩm như quất còn có đào, mai, lan… Vẫn như thông lệ, đào bích vẫn chiếm “thế thượng phong” trong danh sách các chơi Tết, đón xuân, rầm rộ đổ xuống phố phường Hà Nội. Giá của các cây đào, cảnh đào to năm nay chưa có dấu hiệu tăng giá so với năm ngoái.
Những cành đào dáng đẹp, nhiều hoa có giá từ 200.000 – 400.000 đồng cho cành nhỏ, trên dưới 1 triệu đồng cho những cành lớn. Tiêu thụ nhiều nhất là cây đào có giá khoảng vài triệu đồng. Còn những cây đào thế, gốc đào lâu năm có giá từ chục triệu đồng trở lên thì họa hoằn mới có khách “ngó” tới.
Đào rừng chỏng chơ bên chợ Quảng Bá, được rất ít người ngó ngàng hỏi mua - Ảnh: Thanh Hải |
Nếu như đào Tết còn có thêm dịch vụ cho thuê cây chơi Tết để cứu nguy cho tình trạng ế ẩm thì mai – “món đặc sản” của mùa xuân phương Nam lại không có được điều may mắn này.
Anh Đính – một người bán mai trên đường Hoàng Quốc Việt đang lao đao với 400 gốc mai: “Năm nay mai đẹp lắm nhưng ít người hỏi mua. Giá cả thì cũng không chênh lệch với năm ngoái, một cây dao động từ 3 – 10 triệu đồng”.
Anh Đính – một người bán mai trên đường Hoàng Quốc Việt đang lao đao với 400 gốc mai: “Năm nay mai đẹp lắm nhưng ít người hỏi mua. Giá cả thì cũng không chênh lệch với năm ngoái, một cây dao động từ 3 – 10 triệu đồng”.
Kinh tế “kẹt”, dửng dưng với Tết
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa năm mới Quý Tỵ sẽ chính thức gõ cửa. Không khí năm hết, Tết đến dường như vẫn chưa “khuấy động” tinh thần mua sắm của người dân Hà Nội, đặc biệt là những bà nội trợ.
|
Quả thực, nguyên nhân kinh tế khó khăn ảnh hưởng không nhỏ tới cái tết của dân công sở, những người làm công ăn lương như chị Hạnh, khiến họ thờ ơ với tất cả những mặt hàng, cây cảnh cao cấp, đắt tiền.
“Nếu có mua thì chỉ có mua cho cơ quan thôi. Nhưng ngay cả khi dùng “tiền chùa” cũng phải chọn lựa cái gì nên, hay không nên mua. Năm nay, để tiết kiệm chi phí, cơ quan mình cũng chỉ thuê đào, chứ không mua cây “khủng” như mọi năm”, chị Hạnh cho hay.
Bên cạnh đó, tâm lý trễ nải mua sắm còn được nhiều người giải thích bằng một lý do tích cực hơn. Đó là họ hy vọng đến cận kề Tết, đi mua đào, quất muộn, giá sẽ rất “mềm” hơn.
Chị Thương Huyền (Mỹ Đình, Hà Nội) vui vẻ nói: “Năm ngoái, vợ chồng mình đến tận chiều 30 Tết mới đi mua đào quất, giá rẻ bất ngờ. Mấy hôm trước đó, mình hỏi thử cây quất to, đẹp bán giá cả triệu đồng thì chiều 30 chỉ còn vài trăm nghìn. Tuy nhiên, chờ mua hàng “ế” cũng hên xui lắm. Phải năm cháy quất, cháy đào thì Tết lại mất đi chút hương vị cổ truyền”.
Thanh Hải
Bình luận