So với cách đây một năm, Đào Thanh Hưng dường như rất khác. Gã mập hơn, lơ đãng hơn và… vô vị hơn. Nhưng khi nhắc đến chuyện làm phim cho trẻ em, có vẻ như “gãi” đúng chỗ “ngứa”, gã trở lại trạng thái sôi nổi, hoạt bát và phần nào đó hồn nhiên một cách kì lạ. Gã bảo, làm phim làm truyền hình cho trẻ em giờ, người thì quyền lực, kẻ lại thờ ơ. Nhưng mình vẫn thích lắm… Gã hớn hở khoe tôi xem bộ phim trẻ con nước ngoài gã cực phê – phim “Hòn đảo của Nim” (Nim’s Island). Đến mức gã gọi nó là tác phẩm gối đầu tay, phải lùng sục tìm rồi “cóp” nó vào chiếc iPhone 4 để có thể xem ở mọi lúc, mọi nơi…
Theo như lời gã nói, đó là bộ phim trẻ con hay nhất mà gã từng xem. Một bộ phim rất tự do, phóng khoáng và hồn nhiên đúng chất trẻ con. Phim là câu chuyện kể về hai bố con cô bé Nim sống trên một hòn đảo hoang chưa có ai biết đến, cũng không có tên trong bản đồ. Người bố là một tiến sĩ khoa học. Ông thường liên lạc với một nữ nhà văn Anh nổi tiếng (người luôn lấy ông làm hình tượng cho những tác phẩm phiêu lưu mạo hiểm của mình) để hỏi thông tin về cuộc sống của ông, về những chuyến phiêu lưu của ông trên đảo, về núi lửa, thổ dân và các sinh vật biển…. Một ngày người bố đi biển, gặp bão và không quay trở về. Còn lại một mình trên đảo, cô bé Nim đã thay bố trả lời email cho nữ nhà văn Anh. Hàng ngày cô bé đỡ đẻ cho rùa, chơi với hải ly, đu dây giữa những tán cây lớn, lặn xuống biển, hái dừa… và đợi bố trở về… Mọi câu chuyện cô bé gặp phải, mọi khung cảnh xung quanh cô bé… đều là một thế giới tuyệt vời giàu trí tưởng tượng…. Đào Thanh Hưng đã xem “Hòn đảo của Nim” hàng trăm lần, và lần nào gã cũng thấy nó hấp dẫn như lần đầu tiên…..
Làm phim trẻ con – khó!
Anh thích “Hòn đảo của Nim” như vậy, thế còn những bộ phim dành cho trẻ con của Việt Nam thì sao?
Tôi chưa thích một bộ phim nào dành cho trẻ con của Việt Nam một cách đặc biệt và đầy hứng khởi như “Hòn đảo của Nim”. Nhưng ấn tượng thì có lẽ là phim “Kính vạn hoa”.
Ngày mới ra trường, đọc tập truyện của Nguyễn Nhật Ánh tôi đã rất thích và có ý định chuyển thể, làm thành phim tác phẩm này. Nhưng lúc ấy một đạo diễn kì cựu trong nghề đã khuyên tôi: “Cháu mới ra trường, không nên làm đề tài khó như vậy”. Về sau một hãng phim trong Sài Gòn đã thực hiện bộ phim này, và tôi đánh giá nó khá thành công.
Anh có tiếc không?
Cũng tiếc lắm. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại lúc đó dù mình muốn nhưng cũng khó có đủ lực để làm. Làm phim trẻ con rất khó và đòi hỏi nhiều yếu tố.
Khó?
Đúng vậy. Làm phim trẻ con khó hơn nhiều lần so với phim người lớn. Thời đi học, sinh viên trong trường Đại học Sân khấu điện ảnh bọn tôi vẫn thường nói tới cụm từ “động vật và trẻ em”, đó là hai thể loại phim cực kì khó làm. Động vật mình không bảo được nó, trẻ em cũng vậy.
Xem bộ phim có nhân vật chú heo của Vũ Ngọc Đãng, người ta thấy hài hài và nghĩ nó đơn giản. Kì thực để làm được những phân đoạn ấy không dễ chút nào. Trong kịch bản, con heo phải chạy từ điểm A đến điểm B, nhưng để con heo làm được chuyện tưởng như đơn giản ấy lại vô cùng khó. Trẻ con cũng vậy. Để các em hiểu được những kiến thức xã hội, kỉ luật của đoàn làm phim, nội dung kịch bản phim, ý đồ đạo diễn, biểu lộ cảm xúc…. là việc rất khó khăn. Từ cái khó đấy dẫn đến chuyện muốn làm là phải vượt khó, mà muốn vượt khó thì phải có tiền. Trong khi đó, ngân sách dành cho phim truyền hình ở Việt Nam là tương đương nhau, không có ngân sách lớn hơn dành cho phim trẻ con.
Một đoàn diễn viên phim người lớn chỉ cần hai người phụ trách, nhưng phim trẻ con thì mỗi diễn viên nhí lại cần phải có riêng một người phụ trách. Chỉ nguyên chi phí đấy thôi đã lớn hơn rồi, chưa kể một loạt những khó khăn khác nữa như sắp xếp thời gian quay cho phù hợp với các em chẳng hạn. Các diễn viên nhí Việt Nam đều vừa đóng phim vừa đi học. Khó dự án phim nào được đầu tư bài bản, đủ lớn để thuyết phục được phụ huynh cho con em họ nghỉ học tập trung đi đóng phim một thời gian. Cát xê thấp, đóng phim xong tương lai cũng không biết thế nào, người quản lý thì không có. Nhiều khi con đi đóng phim thì bố mẹ phải nghỉ làm để đi cùng quản lý con. Nhiều người thích thì thích, nhưng nghĩ đến cảnh phải nghỉ làm đi trông con đóng phim tôi cho rằng họ cũng nản và không mặn mà nổi.
Chính vì khó thế nên ít người muốn lao vào đề tài này. Chúng ta quá ít phim dành cho trẻ con. Cũng không nhiều phim trong số ấy có nội dung thực sự hấp dẫn các khán giả nhỏ tuổi. Bây giờ nhiều Đài có hẳn một kênh truyền hình dành cho thiếu nhi, nhưng phim truyền hình cho thiếu nhi vẫn thực sự khan hiếm. Trong khi đó ở nước ngoài họ có riêng hẳn những kênh phim dành cho trẻ con, như kênh phim Disney chẳng hạn.
Tất nhiên. Họ có sự đầu tư kinh phí lớn, đầu tư một cách bài bản và đủ khả năng để… vượt khó. Mỗi phim đều là một dự án có tầm ảnh hưởng lớn, có tính thuyết phục đủ để các bậc phụ huynh đồng ý cho con nghỉ học và tập trung hoàn toàn vào việc đóng phim trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Muốn làm phim cho trẻ em, nhà sản xuất phải kí được thỏa thuận với gia đình, được các hội bảo trợ trẻ em đồng ý cho phép đóng. Những cảnh mạo hiểm, đi xe cộ đều phải kí luật hết. Ngoài ra, diễn viên nhí được chọn cho các dự án phim đều phải đi học một lớp về diễn xuất, quy trình làm phim… rồi có người quản lý rất cẩn thận trong suốt quá trình làm phim.
Các nhà sản xuất nước ngoài họ làm dự án phim nào cũng rất thấu đáo chứ không chỉ riêng phim thiếu nhi. Họ đầu tư từ kịch bản, diễn viên cho tới bối cảnh, trang phục, tâm lý nhân vật… cho nên nó rất đúng, rất tự nhiên, khiến người xem cảm thấy được mình ở trong đó. Ví dụ như “Hòn đảo của Nim”, ngôi nhà trên đảo được thiết kế rất đẹp, những góc sinh hoạt nhỏ, những bức tranh, võng, thú nuôi… đều gần gũi và khiến trẻ con cảm thấy hứng thú. Chúng ta không có điều kiện để làm kĩ như vậy thành ra phim cho trẻ con vẫn chưa thực sự hấp dẫn các em.
Phải chăng phần nào đó vì phim trẻ con không hút quảng cáo, không mang lại lợi nhuận như phim người lớn nên các nhà sản xuất, các nhà Đài ít cảm hứng để đầu tư?
Tôi nghĩ làm hay thì lợi nhuận hay sức hút quảng cáo là như nhau. Nhiều nhãn hàng trẻ em muốn quảng cáo và hướng tới đối tượng trẻ em lắm chứ…
Nhưng phim trẻ con thì rất khó để phát sóng vào khung giờ vàng – khung giờ thực sự hút quảng cáo….
Đó là một bài toán kinh doanh. Bố mẹ là người bỏ tiền ra mua sản phẩm nhưng họ cũng phải mua theo nhu cầu của con cái chứ? Hơn nữa, phim làm về trẻ con nhưng dành cho trẻ con và cả người lớn xem. Rất nhiều bộ phim trẻ con nước ngoài vẫn thu hút đông đảo người lớn xem đấy thôi? Như Kungfu Panda, Xì trum, Hòn đảo của Nim… chẳng hạn. Tôi nghĩ mình hoàn toàn có thể làm theo hướng như vậy. Phim làm cho trẻ con mà hay thì người lớn cũng xem, cũng thích thú, ủng hộ. Và lúc ấy không có lí do gì mà lại không phát sóng được ở khung giờ vàng, không hút được quảng cáo. Vấn đề đặt ra là phải làm được hay, phải có nhà sản xuất dám đầu tư một cách bài bản.
Một bài toán kinh doanh rất rõ ràng, vậy mà vẫn không thuyết phục nổi được các nhà Đài, các nhà sản xuất đầu tư sao?
Cái đó thì phải nhà Đài trả lời thôi. Tôi chỉ có thể trả lời dưới góc độ chuyên môn. (Cười)
Hiện nay nội dung phim trẻ con của Việt Nam như tôi nói rồi đấy, vẫn chưa thực sự hấp dẫn. “Kính vạn hoa” là bộ phim hay từ tác phẩm gốc cho đến kịch bản. Nhưng nó chỉ như muối bỏ biển so với hằng hà sa số những phim về yêu đương, tâm lý xã hội…. Nếu như chúng ta không làm được phim cho trẻ con thì thực sự rất đáng buồn….
Phải thích trẻ con mới làm được phim trẻ con…
Nhiều người nhận xét, những phim trẻ con Việt Nam hiện nay nhiều khi xem có cảm giác “cưa sừng làm nghé”, ép tâm lý của người lớn vào cho các em….
Đó cũng là một vấn đề lớn đấy, vấn đề về nội dung. Chúng ta thiếu những nhà tâm lý viết kịch bản. Làm phim cho trẻ con đòi hỏi sự tinh tế, phải hiểu đời sống tâm lý của trẻ, phải hòa nhập được với cuộc sống của các em, vượt trên cả cái ngưỡng của các ông bố bà mẹ thì mới có thể nắm bắt được tâm lý của trẻ. Người viết kịch bản không chỉ dừng lại ở một câu thoại hay một tình tiết mà họ phải có sự tích lũy, hiểu biết sâu sắc về đời sống trẻ con. Nếu không chỉ cần viết mấy câu thôi đã thấy thô, thấy lệch so với tâm lý thực của các em. Chúng ta vẫn chưa có đội ngũ những người làm phim chuyên nghiệp cho trẻ con, thành ra chưa có sự chuyên tâm. Phần lớn những người viết kịch bản cho trẻ em hiện nay đều lấy từ vốn sống của họ ra viết chứ không được đầu tư một cách sâu sắc. Như thế nó sẽ mang tính áp đặt, khó mà hay được. Đa phần người lớn làm phim cho trẻ con theo tâm lý người lớn. Trẻ em sẽ không thể thấy được hình ảnh của chúng trong mỗi bộ phim, chúng sẽ không thể thấy nó hấp dẫn hay thích thú.
Tôi thấy trẻ em Việt thế thì thiệt quá. Làm sao để các em có những bộ phim hay như “Tây du kí”, “Hòn đảo của Nim” để xem đây…
Cái đó là một câu hỏi quá khó, quá lớn với tôi để trả lời (Cười). Nhưng tôi nghĩ muốn làm phim cho trẻ con hay thì trước hết phải… thích trẻ con cái đã. Phải có thời gian chơi, đùa và sống gần gũi với chúng đủ để hiểu chúng nghĩ gì, muốn gì.
Có chứ! “Hòn đảo của Nim” tôi “cóp” vào máy xem đi xem lại vì tôi thích phim đó. Tôi thích trẻ con.
Thích vậy, tâm huyết vậy sao anh không nghĩ đến việc làm một bộ phim cho trẻ con?
Làm phim phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố lắm. Nó có nhiều cái khó như tôi nói. Giữa việc mình thích và những việc mình phải làm nó rất khác nhau.
Khó thì phải vượt qua chứ?
Không phải những người đạo diễn như tôi không muốn làm mà là những nhà sản xuất phim họ không muốn đầu tư thì đúng hơn. Họ cho mình chừng này tiền để làm phim trẻ em nhưng mình cần nhiều hơn nữa để có thể làm được hay. Bỏ tiền túi ra để làm thì ít đạo diễn nào đủ lực.
Làm phim trẻ con phải là một dự án dài hơi, đầu tư nhiều công sức. Hàng ngày phải ngồi với trẻ con, chơi với chúng, phải ghi chép… Trong khi cuộc sống vẫn còn nhiều sự níu kéo bởi cơm áo gạo tiền lắm. Tôi chẳng ngoại lệ. (Cười).
Anh từng đạo diễn một bộ phim cho Teen rất thành công. Sao bỗng dưng lại dừng lại?
Với bộ phim đó, khâu sản xuất như: setup bối cảnh, tuyển diễn viên, làm trường quay, hệ thống âm thanh ánh sáng… tôi đã làm xong, giờ chỉ việc quay thôi. Việc sản xuất rất quan trọng, giống như xây một căn nhà để về sẵn ở và sinh hoạt thôi. Tôi cũng đã sinh hoạt trong căn nhà đó một thời gian, nhưng việc làm trong một bối cảnh suốt thời gian dài cũng khiến tôi cảm thấy không phù hợp với mình lắm…
Thực ra tôi cũng đang ấp ủ một dự án phim cho trẻ con, dự tính chiếu vào dịp hè 2012. Ý tưởng kịch bản đã hoàn thành rồi, nhưng giờ thì tôi chưa nói được nhiều.
Bật mí chút đi…
Đó sẽ là một bộ phim dạng phiêu lưu. Một nhóm bạn trẻ sẽ có những hành trình thú vị trên đảo hoang. Sẽ có những hang động bí hiểm, những đứa trẻ địa phương kì lạ, những cuộc tranh chấp, chạy trốn, bị lạc… Tôi chỉ có thể nói được đến như vậy thôi.
Anh có bị ảnh hưởng bởi “Hòn đảo của Nim” không đấy?
Có bị ảnh hưởng bởi bối cảnh. Đảo hoang đối với trẻ con là một chân trời mở rộng. Một thế giới bên ngoài vừa gần gũi nhưng cũng đầy sự kích thích, tò mò khám phá cho trí tưởng tượng về một thế giới hoang sơ, tự nhiên, nhiều thử thách…
Nó có chút ước mơ và trí tưởng tượng từ thời bé của anh trong đó?
Phim nào cũng mang dấu ấn cá nhân mà.
Anh nói phim trẻ con Việt Nam chưa hấp dẫn vì nhiều khi nó mang tính áp đặt. Anh có chắc phim anh làm cho khán giả nhí sẽ không mang tính áp đặt chủ quan của anh?
Tôi chắc là mình có áp đặt, nhưng ít thôi. Hoặc là áp đặt một cách tỉnh táo. Tôi tự nhận mình có một tâm hồn trẻ thơ, thích trẻ con. Nhiều năm tôi sống với trẻ con, vẽ tranh cho chúng. Học đại học tôi vẫn chăm chỉ đọc báo nhi đồng, vẫn mải mê với “Nhóc Nicolas và những chuyện chưa kể”… Những bộ phim trẻ con của nước ngoài tôi có thể xem đi xem lại hàng trăm lần, bởi tôi thích. Thấy giáo tôi từng nói “mọi người đều là những đứa trẻ con lâu năm”, và có lẽ phần trẻ thơ trong tôi khá lớn. Tâm lý trẻ con là một khó khăn cho những đạo diễn khác, nhưng tôi nghĩ mình có thể “lách” được, có thể hiểu chúng và hòa đồng với chúng…
Anh có tự tin không?
Có chứ. Tôi sẽ tự tay viết kịch bản luôn. Nếu như bộ phim có hỏng, có bị ném “gạch” thì sẽ một mình tôi hỏng thôi chứ không liên quan tới người viết kịch bản, không phải lỗi của người đánh máy. (Cười lớn).
KT
Bình luận