• Zalo

Đánh ghen, nhiều phụ nữ từ nạn nhân trở thành tội phạm

Tư vấnThứ Sáu, 31/03/2023 09:15:00 +07:00Google News

Khi phát hiện vợ hoặc chồng ngoại tình, mọi người cần phải thật sự bình tĩnh, có những trao đổi thẳng thắn với nhau, tránh quyết định vội vàng khi còn nóng giận.

Mới đây, vụ việc nhóm người đánh ghen cắt tóc, lột đồ cô gái giữa đường ở Bình Dương gây ám ảnh cho dư luận.

Những cảnh tượng đánh ghen, lột đồ dù không còn quá xa lạ trên mạng xã hội nhưng hình ảnh cô gái bị lột quần áo, cắt tóc giữa thanh thiên bạch nhật vẫn làm nhiều người ớn lạnh.

Từ người vợ, người mẹ trở thành người phạm tội

Trong rất nhiều vụ việc đánh ghen, nhiều người vợ từ vai trò là nạn nhân khi bị phản bội, chồng "cặp bồ" đã trở thành thủ phạm sau cuộc đánh ghen.

Điển hình như vụ tạt xăng đánh ghen ở Quảng Nam làm dư luận bàng hoàng. Theo thông tin vụ việc, nghi ngờ chồng có quan hệ tình cảm ngoài luồng, chị Nguyễn Thị Diễm Phượng và mẹ chồng tìm người phụ nữ chen chân vào gia đình để tưới xăng lên và châm lửa đốt.

Đánh ghen, nhiều phụ nữ từ nạn nhân trở thành tội phạm - 1

Vụ lột đồ, cắt tóc đánh ghen ở Bình Dương.

Sau sự việc, chị Phượng và mẹ chồng bị khởi tố về tội "Giết người". Còn vụ việc ba người phụ nữ tại Bình Dương, cũng đã bị tạm giữ để điều tra về hành vi “Làm nhục người khác”.

Dưới góc độ tình cảm, hành vi đánh ghen là một hành động, một dạng phản ứng có điều kiện. Nhiều khi hành động đó, được dư luận cổ vũ, tung hô, quay clip đưa lên mạng xã hội….Nhưng trong giây phút mất kiểm soát đó, nhiều người vợ, người mẹ đã biến mình thành tội phạm.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội khẳng định, tại Điều 20 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Do đó, việc “đánh ghen” dùng bạo lực, chửi bới, đánh đập, cắt tóc, lột quần áo của “tình địch” giữa đường, hay ghi hình và đăng tải các clip, hình ảnh đánh ghen đó lên mạng internet đều là các hành vi xâm phạm trực tiếp và trái pháp luật đến danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của người khác. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm thì các hành vi này có thể xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Phân tích từ vụ việc nhóm người đánh ghen cắt tóc, lột đồ cô gái giữa đường ở Bình Dương, luật sư Hùng cho rằng, hành vi cắt tóc, lột đồ người khác giữa đường (nơi công cộng, với sự chứng kiến của nhiều người) đã xâm hại nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, có dấu hiệu của “Tội làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật hình sự), với loại và mức hình phạt là cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.

Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể áp dụng hình phạt bổ sung là bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trong trường hợp có hành vi đánh đập, xâm hại sức khỏe gây thương tích cho người khác, thì tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm, hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a Khoản 5, Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, với mức phạt là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội cố ý gây thương tích” (Điều 134 Bộ luật hình sự), với loại và mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Bên cạnh đó, các hành vi đánh ghen mà gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi gây rối, lầm mất trật tự công cộng. Tại Điều 318 Bộ luật hình sự về “Tội gây rối trật tự công cộng” thì người phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Đăng tải hình ảnh đánh ghen lên mạng xã hội có thể phạt tù 3 tháng đến 2 năm

Ngoài việc đánh ghen, việc đăng tải các clip, hình ảnh đánh ghen bạo lực, cắt tóc, lột hoặc xé quần áo lên mạng internet, theo luật sư Hùng cũng là hành vi xâm phạm đến quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, danh dự và nhân phẩm của người khác (được quy định tại Điều 20 và Điều 21 Hiến pháp năm 2013, Điều 32, Điều 34 và Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015).

Đánh ghen, nhiều phụ nữ từ nạn nhân trở thành tội phạm - 2

Vụ tạt xăng đánh ghen ở Quảng Nam

 

“Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, mục đích vi phạm, thì người đăng tải các clip hoặc hình ảnh này lên mạng internet có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ về hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp chia sẻ thông tin “xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, với mức phạt tiền là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đây là mức phạt áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức”- luật sư Hùng phân tích.

Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức; Hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm nhục người khác”, với tình tiết định khung tăng nặng là “sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”, có khung hình phạt là phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm (điểm e Khoản 2 Điều 155 Bộ luật hình sự), hoặc “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 288 Bộ luật hình sự), với loại và mức hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo luật sư Hùng, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng (Khoản 1 Điều 2); Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình (Khoản 1 Điều 19); Nghiêm cấm “người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ” (điểm c Khoản 1 Điều 5).

Không thể giải quyết cái sai đó bằng một cái sai khác

Hành vi ngoại tình là trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định: Các hành vi “đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác”, hoặc “chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ” thì có thể bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Còn trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng (làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm) thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” (Điều 182 Bộ luật hình sự), với loại và mức hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Đánh ghen, nhiều phụ nữ từ nạn nhân trở thành tội phạm - 3

Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Mặc dù việc ngoại tình là sai trái, vi phạm đạo đức xã hội, và mọi người đều có quyền bảo vệ hạnh phúc của gia đình mình, nhưng không thể giải quyết cái sai đó bằng một cái sai khác, đánh ghen bằng bạo lực, xâm hại đến danh dự, nhân phẩm và sức khỏe, tính mạng của người khác cũng là vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội và đều có thể bị xử lý và phải chịu các chế tài hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật.

Do đó, việc giải quyết các vấn đề này cần phải được thực hiện một cách văn minh, tuân thủ các quy định của pháp luật, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, không ai có quyền “tự xử” bằng việc xâm hại trái pháp luật đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người khác.

Khi phát hiện vợ hoặc chồng mình ngoại tình thì mọi người cần phải thật sự bình tĩnh, tìm hiểu rõ và có những đánh giá chính xác nhất các vấn đề, rồi có những trao đổi thẳng thắn với nhau, tránh những quyết định vội vàng khi còn nóng giận, khi chưa có sự suy nghĩ và cân nhắc một cách thấu đáo, không nên có những lời nói và việc làm tổn thương lẫn nhau, làm trần trọng hơn mối quan hệ hôn nhân. Cũng đừng nghĩ đến việc “đánh ghen” hay làm “rùm beng” mọi chuyện. Bởi vì, những việc đó chỉ làm những người trong cuộc đều bị tổn thương và có thể khoét sâu hơn những mâu thuẫn vợ chồng.

Đồng thời, người thực hiện việc “đánh ghen” cũng rất dễ vướng vào các rắc rối, thậm chí là thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Thay vào đó, mọi người hãy lựa chọn những cách ứng xử văn minh, có văn hóa, phù hợp với quy định của pháp luật, cũng như điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình, để có thể bảo vệ tốt nhất hạnh phúc gia đình, tránh việc hôn nhân bị “đổ vỡ” và các hậu quả đáng tiếc khác có thể xảy ra.

Nguyễn Hiền(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn