(VTC News) - Hơn 2 ngày liền bị nước lũ bủa vây, cô lập với bên ngoài và không nhận được bất kỳ sự cứu trợ nào nhưng bà con vùng lũ Sơn Thịnh vẫn đứng vững, chống chọi lại thiên tai...
Những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10 này, người dân Hà Tĩnh đang phải oằn mình trong những trận lũ liên tiếp ập tới do thiên nhiên gây nên, kết hợp cùng những trận xả lũ ở các hồ đập.
Mưa với cường suất lớn không chỉ làm ngập lụt 69 xã, thị trấn ở 4 huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Đức Thọ và 1 thôn ở Nghi Xuân mà còn gây lũ quét tàn phá nhiều nhà cửa, công trình dân sinh.
Nhà ở dân cư là danh mục chịu nhiều thiệt hại nhất với 5 nhà bị lũ cuốn trôi, 6 nhà bị sập, 300 hộ bị cuốn trôi toàn bộ tài sản, 57.100 nhà bị ngập, 366 nhà bị tốc mái.
Tính đến sáng ngày 17/10, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trời đã ráo mưa dần, nước trên sông rút nhanh kéo theo tình trạng ngập lụt đã được cải thiện rõ rệt. Đa phần đã có thể lưu thông và tiến hành khắc phục hậu quả sau lũ. Công tác cứu trợ đã được triển khai gấp rút, tránh để dân đói, dân khát.
|
Nước lũ ngập sâu khiến nhiều vùng của Hà Tĩnh bị cô lập hoàn toàn. |
Nước ngập lút mái nhà
Đến chập tối ngày 17/10, khi phóng viên VTC News tiếp cận địa bàn xã Sơn Ninh và Sơn Thịnh thì hai khu vực này vẫn đang bị ngập sâu. Điểm cuối của xã Sơn Ninh nước vẫn đang chảy xiết, có nơi ngập đến ngang bụng.
Để tiếp cận xã Sơn Thịnh, chúng tôi đã phải thuê một chiếc thuyền ba lá của người dân chèo xuống. Đi đến đâu nước cũng mênh mông trắng xóa, nước ngập không phân biệt được đâu là đường, đâu là ruộng, cột điện thì nước lút ngang ống sứ.
Anh Nguyễn Văn Tài - người chèo thuyền chở tôi đi cho biết, nước ngập lụt nhanh quá, không hiểu ở đâu ra vì những ngày trước đó không hề có mưa. Cho đến ngày 16/10 mới có mưa to, nước dâng từ ngoài đường vào sân, nhanh chóng tràn lên thềm và dâng lên tường làm mọi người hốt hoảng đập trâu lên cao, còn người trèo lên nóc bếp, nóc nhà nằm trú ẩn. Cứ thế cho đến hết ngày 17/10, nước ở Sơn Ninh mới rút xuống dần.
Nói đoạn anh chỉ tay vào cây cột điện, nơi đang ngập lút gần hết phần ống sứ mà tiếp lời: "Vùng này sâu, hôm trước nước ngập lút hết cả cột điện chứ có thấy cái gì đâu. Chèo thuyền đi ngang qua mà nước trắng lặng cả một vùng. Nghĩ quẩn nghĩ quanh không biết người dân Sơn Thịnh sâu hơn nữa liệu có việc gì không, rồi lấy cái gì ăn, chứ hàng cứu trợ chở bằng ôtô đi đến xã Sơn Ninh của chúng tôi là phải quay trở lại".
|
Nước ngập cổng, lút tầng 1 của Trạm y tế xã Sơn Thịnh - Ảnh chụp chập tối ngày 17/10 |
Rồi chiếc thuyền chở tôi cũng đến được xã Sơn Thịnh, lúc này trời cũng đã nhá nhem tối, xung quanh hai bên chỉ một vài ánh sáng lay lắt từ nến sáp và đèn dầu. Dường như mọi thứ đang dừng chuyển động, chỉ có tiếng cóc nhái và ễnh ương thay phiên nhau kêu liên hồi.Qua ánh sáng mờ ảo còn lại trước khi khép lại một ngày cũng đủ để tôi kịp quan sát những ngôi trường mầm non, tiểu học bị ngập lụt ngang cổng. Còn trạm y tế xã nơi hàng ngày mọi người ốm đau vẫn phải chạy ra xin thuốc, khám điều trị thì nước lút gần hết tầng 1. Theo "bác tài" chở chúng tôi nói, thì 1 ngày trước đó chỉ lòi mỗi cái nóc trạm y tế.
Phát hiện những tia sáng từ ánh đèn Flash của máy ảnh, một người phụ nữ ở trong nhà nghĩ rằng thuyền của đoàn cứu trợ, nói vọng ra: "Cho tôi xin chai nước và gói mì tôm, mì trong nhà 2 ngày qua ăn hết rồi, nước ngập thêm vài ngày nữa thì chết đói mất". Nhưng rồi sự thất vọng của người này thể hiện rõ sau cái lắc đầu từ lời phóng viên giải thích.
Tự cứu mình trước khi người khác cứu
Theo lời ông Lê Văn Cường - Chủ tịch xã Sơn Thịnh, điện mất nhiều ngày qua vẫn chưa có, nước ngập cô lập, nhiều hộ dân không có nơi nấu ăn. Lương thực tiếp tế không thể tiếp cận đến hiện trường. Cho đến tối ngày 17/10, nơi đây vẫn chưa nhận được nước hay mì tôm cứu trợ từ các cấp chính quyền. Điều này cũng khiến ông rất trăn trở nhưng không biết phải làm thế nào.
"Làm lãnh đạo xã phải lo lắng cho dân nhưng cũng chỉ ở trong giới hạn cho phép. Ngay cả điện thoại của tôi cũng hết sạch pin, phải nhờ người quen mua trên huyện về thêm một viên pin dự phòng, tiếp nhận ý kiến phản ánh từ người dân hay chỉ đạo từ trên xuống cho kịp thời. Còn điện thoại anh em, bạn bè quan tâm hỏi han tình hình mưa lũ thì tôi chỉ nói vài câu rồi chối vì sợ hết pin" - ông Cường chia sẻ.
|
Vừa nhìn vào mọi người lầm tưởng là một con sông lớn với thuyền bé tấp nập, thực tế ngay dưới dòng nước này là ruộng nương và đường bê tôngkiên cố- Ảnh chụp sáng 18/10
|
Sáng sớm ngày 18/10, nước lũ vùng Sơn Thịnh rút hơn so với chiều ngày 17 khoảng vài mét. Nhưng nhiều nơi vẫn đang bị cô lập, người dân đang phải dùng thuyền để di chuyển ngay trên các con đường bê tông hóa.
Sau hơn 2 ngày nằm trên chạn tránh lũ, bà Lê Thị Hợi cho biết, bà ở với hai vợ chồng của con trai đầu cùng đứa cháu nội, con trai đã chết trong năm 2012, con dâu sang Lào kiếm ăn chưa về. Mưa gió bà cháu chỉ biết ôm nhau chạy lên trú trên chạn nhà. Có những lúc lo sợ cho sự an toàn và sợ cháu bất an, bà ngoảnh mặt đi nơi khác khóc rồi lau vội nước mắt. Cũng may hàng xóm thương tình bà già con trẻ nên chèo thuyền mang mì tôm qua.
|
Ngôi nhà bà Hợi vẫn bị nước bủa vây sáng 18/10 |
Người dân xã Sơn Thịnh nói rằng họ đều có sẵn mì tôm khi nước lũ chưa ngập. Lúc ngập mọi người chỉ lo cho con trâu, con bò sợ bị ngạt nước phải đập lên cao, còn lại trèo lên nóc nhà ẩn náu chờ nước xuống. Nhưng dường như họ ái ngại việc nước lũ kéo dài, viện trợ từ bên ngoài không có thì khó mà sống nổi.
"Những ngày vừa qua mưa gió to, nước từ ngoài vào nhanh quá mình trở tay không kịp. Ba cái đồ lằng nhằng thì nó trôi hết cả, còn mấy đồ vừa kịp dọn lên chạn thì nước đã ngập vào nhà, cả cha, mẹ và con đều leo lên ở trên chạn. Mì tôm mua sẵn một thùng cả nhà sử dụng. May nước rút xuống sớm nếu không thì chết đói, chết bệnh vì không có nước sinh hoạt" - ông Võ Tá Hùng trú xóm Tiến Thịnh cho biết.
Một điều nữa mà bà con xã Sơn Thịnh chuẩn bị khá kỹ lưỡng, không phải dân sông nước chuyên nghiệp, kinh tế dựa vào tiểu thủ công nghiệp nhưng hầu hết các hộ gia đình đều có thuyền ba lá. Cách mà mọi người hay ví von "làm 3 năm dùng 2 ngày". Bởi lẽ họ hiểu rằng xã thuộc vùng trũng, dễ xảy ra lũ lụt bất ngờ, không có thuyền đồng nghĩa với tính mạng không đảm bảo.
Chính những chiếc thuyền ba lá này không chỉ giúp họ vượt qua trận lũ năm nay mà nó còn thoát được cơn lũ năm 2010 và 2002 một cách an toàn.
|
Thuyền ba lá được người dân xã Sơn Thịnh chuẩn bị sẵn để đối phó với lũ |
"Dân chúng tôi luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cao trong mùa mưa lũ. Họ đều nhận thức được mức độ nguy hiểm và luôn trang bị sẵn nhu yếu phẩm cần thiết cho vài ngày lênh đênh trên nước. Như chú thấy, không chuẩn bị, hàng cứu trợ đến được tay thì không biết chuyện gì đã xảy ra" - ông Phan Huy Trường, chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Sơn Thịnh trao đổi.
Hồng Thắng
Bình luận