Gần 100 hộ dân xóm Bờ Sông (xã Hoàng Tây, Kim Bảng, Hà Nam) vẫn ngày ngày đi lại qua chiếc cầu phao chòng chành, ọp ẹp suốt 20 năm nay.
Gần 100 hộ dân xóm Bờ Sông (xã Hoàng Tây, Kim Bảng, Hà Nam) vẫn ngày ngày đi lại qua cây cầu chòng chành, ọp ẹp suốt 20 năm nay.
Cầu phao xã Hoàng Tây là cây cầu nối xóm Bờ Sông đến trung tâm xã Hoàng Tây. Để có đường cho các em học sinh đi học, người lớn đi làm, người dân nơi đây đã quyên góp tự làm một chiếc cầu phao bắc qua sông Nhuệ.
Hàng ngày, người dân 2 bên bờ sông Nhuệ (xã Hoàng Tây) phải đi qua chiếc cầu phao dập dềnh này.
Có mặt tại cầu phao xã Hoàng Tây, theo ghi nhận của PV, cây cầu được làm rất sơ sài, chỉ với 9 chiếc thuyền xi măng dàn đều trên sông Nhuệ, phía trên đặt các ván gỗ mỏng ghép nối với nhau bằng những sợi dây thép đã gỉ sét. Mặt cầu rộng có gần 2m, nhưng dài tới hơn 40m, không hề có lan can bảo vệ.
Sau nhiều năm hoạt động, cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, các khối trụ bê tông cầu đã xiêu vẹo lệch hướng, các tấm ván cũ mục nát, nhiều nơi lộ rõ hố to trên mặt cầu. Mỗi lần có người dắt xe qua, toàn bộ thân cầu rung lắc, rất nguy hiểm.
Các em học sinh nhỏ vẫn ngày ngày đi qua cây cầu đầy hiểm nguy rình rập
Trước đó khi chưa có cây cầu này, hàng ngày, người dân trong thôn và các cháu học sinh xóm Bờ Sông muốn qua sông học tập và làm việc phải đi bằng thuyền thúng.
Vào mùa mưa bão thì người dân phải vòng lên xã Nhật Tựu cách đó 5 km, rồi vòng quay lại, hoặc đi lên cầu Ba Đa, thành phố Phủ Lý cách đó 8 km rồi tiếp tục vòng xuống mới đến được các khu trường học, trung tâm y tế, UBND xã...
Cầu phao không có lan can, bề mặt trơn trượt.
Mặt cầu chỉ là những thanh gỗ tạp nối với sau, nay bị hư hỏng nặng, nhiều lỗ hổng lớn rất nguy hiểm.
Theo ông Vũ Ngọc Huyên, người trông coi cây cầu phao này cho biết: “Mỗi ngày, cây cầu phải “cõng” hàng trăm lượt người và phương tiện gia thông qua lại, nguy hiểm nhất là đối với các cháu học sinh, mỗi ngày phải 4 lượt đi về. Vì tất cả trường học các cấp của xã đều nằm bên kia sông. Đã có nhiều trường hợp bị ngã xuống sông nhưng rất may là có người ứng cứu kịp thời”.
Những dây neo buộc giữa các khớp nối cũng bị hoen gỉ
Mỗi lần đến trường, khi đi qua cây cầu này nguy hiểm luôn rình rập các em học sinh.
Nhân dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông, mỗi ngày trong gia đình lại phải có một người thường xuyên túc trực đưa đón các cháu tới trường, như vậy là mất đi một nguồn lao động chính, cuộc sống càng trở nên vất vả hơn”.
“Mỗi khi thấy các con, cháu đi học trong cảnh mưa to, gió lớn mà không đi đón được các cháu là trong lòng chúng tôi lo lắng đứng ngồi không yên. Bởi nước sông chảy xiết, khiến cầu chao đảo như cái võng, một lần đi là một lần “nín thở”" - bà Là (một người dân trong xóm Bờ Sông) chia sẻ.
Ngoài công việc phải đi lại hàng ngày, đến mùa gặt nhiều gia đình còn sử dụng cây cầu vận chuyển lúa, vụ cấy vận chuyển phân bón, mạ… do đi vòng quá xa và mất thời gian, nên đa số người dân đành đánh cược tính mạng với cây cầu nguy hiểm này.
Người dân vẫn phải bất chấp nguy hiểm để đi qua.
Trả lời PV, ông Trương Văn Khương, Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Tây cho biết: “Việc cây cầu phao Hoàng Tây đã hư hỏng, không đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn khi đi qua lãnh đạo đều biết, nhưng ngân sách của xã hạn hẹp nên chưa có kinh phí để xây dựng lại cầu mới vững chắc được.
Hiện tại chúng tôi vẫn phải duy trì hoạt động cây cầu này để cho gần 100 hộ dân hai bên đầu cầu và các em học sinh đi lại hàng ngày cho thuận tiện. Mỗi năm người dân trong xã đóng góp 7 tấn lúa để lấy kinh phí tu sửa và trả phí cho người trông coi cầu. Tuy nhiên, do cầu đã lâu năm, lại xuống cấp nên cầu phải liên tục tu sửa, chi phí cũng không đủ. Và cứ như vậy, càng ngày nó càng xuống cấp”.
Bình luận