• Zalo

Đại gia tỉnh lẻ thâu tóm dự án

Kinh tế Thứ Sáu, 30/05/2014 07:30:00 +07:00Google News

Điểm nổi bật trên thị trường chuyển nhượng dự án gần đây là việc nhiều khách hàng tỉnh lẻ cũng tham gia vào các thương vụ lớn ở thủ đô.

Điểm nổi bật trên thị trường chuyển nhượng dự án gần đây là việc nhiều khách hàng tỉnh lẻ cũng tham gia vào các thương vụ lớn ở thủ đô.

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn bất động sản Soho Việt Nam cho biết gần đây xuất hiện một vài đại gia từ các tỉnh thành khác tham gia mua lại dự án tại Hà Nội.

Mới đây, Tổng công ty cổ phần Xây dựng Thanh Hóa chi hơn 100 tỷ đồng để mua dự án Khách sạn Mercure Hà Nội, trên phố Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là một dự án khách sạn 4 sao, với 250 phòng. Mercure Hà Nội theo kế hoạch sẽ có tổng vốn đầu tư là 450 tỷ đồng. Dự án hiện có giấy phép xây dựng và "ông chủ mới" dự kiến sẽ khởi công xây dựng trong quý này.

dự án
Dự án Sky Park Residence vừa được chuyển nhượng với giá 143 tỷ đồng. Ảnh: Anh Quân 

Trước đó, khách hàng này cũng chi 143 tỷ đồng để mua dự án Sky Park Residence (đường Tôn Thất Thuyết quận Cầu Giấy). Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa tiền thân là công ty kiến trúc địa phương thành lập năm 1961. Đến 2005 thì đổi tên như hiện nay và một năm sau đó chuyển đổi cơ chế từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần. Có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, tuy nhiên, trước đó Tổng công ty mới chỉ triển khai những dự án trong phạm vi tỉnh Thanh Hóa.

Gần đây nhất, ông Cần cho biết, một nhóm cá nhân đến từ Thanh Hóa cũng đứng ra mua toàn bộ cổ phần của Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý tòa nhà Vinafco – đơn vị

tòa nhà Vinafco số 36 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm. Giá trị thương vụ này xấp xỉ 150 tỷ đồng. Bên mua dự kiến trong quý III sẽ triển khai xây dựng một tòa nhà hỗn hợp 35 tầng tại đây gồm khu văn phòng, trung tâm mua sắm, căn hộ để bán với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.

Theo ông Cần, nếu như trước đây, thị trường chủ yếu ghi nhận việc chuyển nhượng giữa các doanh nghiệp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng thì nay đã xuất hiện cả những "nhân vật" mới ở các tỉnh lẻ.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư của Công ty Savills Việt Nam kỳ vọng những khoản đầu tư liên vùng, liên tỉnh sẽ tăng khi các điều kiện kinh tế ở các tỉnh thành khá hơn và nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở các thành phố khác.

"Xu hướng này rất phổ biến ở những thị trường phát triển và chúng tôi cho rằng Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đây là dấu hiệu khả quan khi có nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường", ông Khương cho hay.

Savills gần đây cũng ghi nhận một loạt dự án đã giao dịch thành công sau thời gian dài thương thảo. "Tuy nhiên, đó còn chưa kể những giao dịch 'ngầm' theo cách này hay cách khác mà không được công bố chính thức", ông Khương nhận định. Giám đốc Đầu tư Savills cũng cho hay, một số tài sản như các tòa nhà văn phòng và khách sạn trong trung tâm thành phố đang được nhiều khách hàng của họ nhắm đến.

Một nhà đầu tư tỉnh lẻ vừa mua dự án tại Hà Nội cho biết, lý do quyết định mở rộng thị trường ra các thành phố lớn là vì nhận thấy nhiều tài sản hiện giá đã giảm nhiều so với trước đây. Đa số bên bán phải chuyển nhượng dưới giá thành.

"Bên bán cần tiền nên các điều kiện thương thảo chắc chắn sẽ mềm mỏng hơn. Trước đây lúc các chủ đầu tư cũ còn ăn nên làm ra thì có khi trả giá cao họ cũng không bán. Lúc đó chúng tôi cũng chưa chắc đủ tiềm lực để mua và đầu tư dự án”, ông nhận định.

Vị này cho biết, khi có dự định mua dự án tại Hà Nội thường nhắm những dự án đã hoàn thành thủ tục pháp lý, nằm ở vị trí đẹp, giao thông thuận lợi nhưng đang "bất động".

"Với những dự án đó, chỉ việc triển khai xây dựng tiếp. Nếu tài chính mạnh và đầu tư vào dự án căn hộ thì chỉ trong vòng 2 đến 3 tháng là có thể mở bán và hơn một năm sau đã hoàn thành, thu hồi vốn. Còn với các tòa nhà văn phòng, khách sạn, thời gian thu hồi vốn lâu hơn nhưng tỷ suất lợi nhuận tại các thành phố lớn cũng khả quan hơn so với các địa phương",  nhà đầu tư cho hay.

Theo Ngọc Tuyên/Vnexpress

>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn