• Zalo

Đại gia ngân hàng nào giàu nhất?

Kinh tếThứ Bảy, 22/02/2014 07:32:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đại gia ngân hàng giàu nhất lại không phải sếp bự của những ngân hàng lớn nhất Việt Nam.

Sếp bự của các ngân hàng thường có mức lương, thưởng cao ngất ngưởng. Như trong bài viết Sếp bự ngân hàng: Lớn ‘khó sống’, bé giàu sụ đã liệt kê, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc của nhóm “tứ đại gia” nhận lương “bèo bọt” nhất, “chỉ” từ hơn 70 triệu đồng tới 100.000 đồng/tháng. Trong khi đó, sếp ngân hàng thương mại cổ phần được trả cao hơn rất nhiều. Con số cao nhất được “tung tin” chính là 2 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, lương, thưởng dù cao đến mấy cũng không thấm tháp vào đâu so với giá trị cổ phiếu và cổ tức mà các sếp lớn nhận được. Và cũng như lương thưởng, giá trị cổ phiếu của sếp ngân hàng trong nhóm “tứ đại gia” và của sếp ngân hàng thương mại cổ phần có sự chênh lệch khổng lồ.
đại gia ngân hàng
Ông Trầm Trọng Ngân, ông Phạm Hùng Huy và ông Trầm Khải Hòa là những đại gia ngân hàng trẻ tuổi
Sếp ngân hàng lớn “nghèo”
Nếu tính theo giá trị cổ phần, cổ tức thì sếp lớn của nhóm “tứ đại gia” nghèo hơn rất nhiều so với đồng nghiệp tại ngân hàng thương mại cổ phần. Con số chênh lệch có thể khiến nhiều người ngạc nhiên.
Ông Nghiêm Xuân Thành, người mới nhậm chức Tổng giám đốc Vietcombank không lâu, không nắm giữ nhiều cổ phiếu VCB. Trước khi trở thành người điều hành cấp cao tại Vietcombank, ông Thành hoàn toàn “trắng tay” tại ngân hàng này. Sau khi nhậm chức, ông Thành đã mua vào 10.000 cổ phiếu VCB.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (21/2), VCB giảm 100 đồng/CP xuống 29.000 đồng/CP. Với thị giá này, tổng giá trị cổ phiếu VCB mà ông Thành nắm giữ đạt 290 triệu đồng. Đây là con số rất khiêm tốn so với một sếp lớn.
Thế nhưng, ông Thành vẫn “giàu” hơn nhiều so với ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank. Nắm giữ chức vụ cao nhất của một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, ông Bình chỉ sở hữu 5.694 cổ phiếu VCB, tương đương 165 triệu đồng. Một nhà đầu tư nhỏ lẻ trên sàn chứng khoán có thể mua vào khối lượng thậm chí còn lớn hơn nhiều so với lượng ông Bình có được.
Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank cũng trong tình cảnh tương tự khi chỉ sở hữu 7.167 cổ phiếu CTG. Chốt phiên giao dịch ngày 21/2, CTG giảm 100 đồng/CP xuống 16.800 đồng/CP. Như vậy, giá trị cổ phiếu CTG trong tài khoản của vị Chủ tịch này chỉ là 120,4 triệu đồng.
Sở hữu số lượng cổ phiếu vượt trội so với Chủ tịch Huy Hùng, ông Nguyễn Văn Thắng, Tổng giám đốc Vietinbank cũng chỉ có 216.108 cổ phiếu CTG, tương ứng 3,6 tỷ đồng.
Tại BIDV, xét về lượng cổ phiếu sở hữu, các sếp lớn cũng không giàu hơn được bao nhiêu.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị sở hữu 103.000 cổ phiếu BID. Kể từ ngày chào sàn 24/01/2014, BID đã giảm giá khá nhanh và chỉ còn 16.700 đồng/CP. Như vậy, giá trị cổ phiếu BID của ông Bắc Hà chỉ còn 1,7 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BID lại thấp hơn rất nhiều, vỏn vẹn 548 triệu đồng.
Lượng sở hữu thấp, cổ tức khiêm tốn nên cổ tức không mang lại nhiều thu nhập cho các sếp bự. Cụ thể, trong năm 2013, Vietcombank, BIDV, Vietinbank lần lượt dự kiến chi trả cổ tức lần lượt là 12%, 9% và 10%.
Như vậy, Chủ tịch và Tổng giám đốc Vietcombank lần lượt nhận cổ tức trị giá 6,8 triệu đồng và 12 triệu đồng. Chủ tịch và Tổng giám đốc BIDV nhận 92,7 triệu đồng và 29,5 triệu đồng. Chủ tịch và Tổng giám đốc Vietinbank nhận 7,2 triệu đồng và 216 triệu đồng.
Sếp ngân hàng nhỏ có trăm, ngàn tỷ
Trong khi sếp bự của ngân hàng lớn chỉ sở hữu từ vài trăm triệu tới vài tỷ đồng giá trị cổ phiếu và cổ tức thì đại gia ngân hàng thương mại cổ phần lại có tới trăm, ngàn tỷ đồng.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank là đại gia ngân hàng giàu nhất. Ông thường xuyên góp mặt trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản lên tới gần 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tài sản này của ông Hùng Anh hoàn toàn đến từ cổ phiếu MSN. 
Tại Techcombank, ông Hồ Hùng Anh không phải cổ đông lớn nhưng vợ ông, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy sở hữu tới 3,13% cổ phần Techcombank.
Ở các ngân hàng thương mại, ngân hàng không hoạt động độc lập mà thường nằm trong một Tập đoàn nào đó. Ngân hàng Đại Dương cũng vậy khi là một thành viên của Tập đoàn Đại Dương. Vì vậy, ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương cũng được xem là đại gia ngân hàng. Chưa tính cổ phiếu OJB (ngân hàng Đại Dương), ông Hà Văn Thắm đã có gần 1.500 tỷ đồng giá trị cổ phiếu OGC (Tập đoàn Đại Dương).
Còn nếu xét về giá trị cổ phiếu ngân hàng đơn thuần thì ông Trầm Trọng Ngân, vị thiếu gia trẻ tuổi, con trai đại gia ngân hàng Trầm Bê mới là người giàu nhất. Cổ phiếu STB giúp ông Trầm Trọng Ngân có được 1.127,2 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.
Vợ chồng bầu Kiên, mỗi người sở hữu trên dưới 600 tỷ đồng giá trị cổ phiếu ACB. Nhưng mới đây, cổ phiếu của gia đình bầu Kiên bị phong tỏa nên bầu Kiên tạm thời trắng tay trên thị trường chứng khoán.
Một gương mặt nổi bật không thể không kể đến trong giới ngân hàng chính là ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB. Trong năm qua, ACB có nhiều biến động lớn nhưng giá trị cổ phiếu ACB mà ông Hùng Huy nắm giữ vẫn đạt hơn 462 tỷ đồng.
Một số đại gia ngân hàng khác như ông Trầm Khải Hòa, ông Trần Mộng Hùng, ông Phan Huy Khang cũng sở hữu cổ phiếu ngân hàng với giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng. 
Và số tiền của các đại gia này còn phình thêm hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng nữa sau khi được chia cổ tức.
Như vậy có thể thấy, xét về cổ phiếu và cổ tức, sếp lớn ngân hàng thương mại cổ phần cũng áp đảo sếp bự ngân hàng lớn.
Bình luận
vtcnews.vn