• Zalo

Cựu CEO Ngân hàng Nam Á lên nắm chức Chủ tịch HĐQT Eximbank

Kinh tếThứ Sáu, 22/03/2019 22:37:00 +07:00Google News

Đại diện từ Nam Á bất ngờ lên nắm chức Chủ tịch HĐQT, liệu rằng cuộc đua tranh quyền lực tại Eximbank đã kết thúc?

Ngày 22/3, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank -EIB) bất ngờ đưa ra Nghị quyết bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng đối với ông Lê Minh Quốc kể từ ngày 22/3.

Người thay thế ông Quốc không ai khác chính là bà Lương Thị Cẩm Tú. Bà này sẽ thay ông Quốc giữ ghế Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 22/3.

Bà Lương Thị Cẩm Tú sinh năm 1980. Bà là ứng cử viên duy nhất được bầu thêm vào Thành viên HĐQT Eximbank tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm ngoái.

Trước khi sang Eximbank, bà Tú giữ chức Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank).

Bên cạnh đó, bà Tú cũng từng kinh qua nhiều chức vụ tại Sacombank dưới thời ông Đặng Văn Thành và Tập đoàn Thành Thành Công như Giám đốc Sacombank chi nhánh Khánh Hòa; Thành viên HĐQT Đường Ninh Hòa; Thành viên HĐQT CTCP Du Lịch Thắng Lợi; Giám đốc phân xưởng đường túi, Công ty Thành Thành Công...

baluongthicamtu

 Bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu vào HĐQT trong cuộc họp ĐHĐCĐ Eximbank năm ngoái.

Đáng chú ý, sau khi được bầu vào Thành viên HĐQT năm ngoái, bà Lương Thị Cẩm Tú đã công khai chi ra gần 200 tỷ đồng mua vào gần 13,8 triệu cổ phiếu EIB (tương ứng tỷ lệ 1,12% vốn) ngày 3/8/2018.

Cùng với đó là sự xuất hiện một lực lượng thu gom cổ phiếu Eximbank trên thị trường đẩy giá cổ phiếu EIB tăng cao, bất chấp ngân hàng đang vướng hàng loạt sự kiện mất hàng trăm tỷ tiền mặt của bà Chu Thị Bình và việc xử lý nợ xấu kéo lợi nhuận sụt giảm.

Cổ phiếu EIB đã bật tăng đến 26% kể từ đầu năm, dẫn đầu mức tăng trong nhóm ngân hàng đi kèm với hàng loạt những giao dịch thoả luận lô lớn.

Theo đó, đã có nhiều đồn đoán rằng bà Tú đại diện cho nhóm cổ đông lớn tham gia vào HĐQT để cân bằng quyền lực với nhóm của bà Ngô Thu Thúy (CTCP Âu Lạc).

Bởi theo điều lệ của ngân hàng, chỉ nhóm cổ đông sở hữu từ 10% đến dưới 20% tổng số cổ phần biểu quyết được đề cử tối đa 1 ứng viên. Điều này đồng nghĩa với việc có nhóm cổ đông hậu thuẫn phía sau bà Lương Thị Cẩm Tú đã sở hữu hơn 10% từ trước đó. 

Với việc bà Lương Thị Cẩm Tú lên nắm chức Chủ tịch HĐQT, rất có thể cuộc đua tranh quyền lực quyết liệt giữa các nhóm cổ đông đang đến hồi kết.

Ở một diễn biến khác, sự kiện tranh chấp tài sản tại NH Nam Á mới đây cũng sẽ khiến cho cuộc họp Đại Hội đồng cổ đông thường niên sắp tới của Eximbank còn nhiều thú vị.

Đó cũng là lúc các nhà đầu tư đang ẩn danh gom cổ phiếu EIB trong thời gian qua sẽ lộ diện...

Hoàng Trung
Bình luận
vtcnews.vn