• Zalo

Cuộc khủng hoảng nợ phía sau phim ‘Trò chơi con mực’

Sao thế giớiThứ Hai, 11/10/2021 06:56:43 +07:00Google News

Phim "Trò chơi con mực" (Squid Game) đưa người xem vào một thế giới đầy bạo lực, phản bội và tuyệt vọng, phía sau nó là cuộc khủng hoảng nợ ngày càng nghiêm trọng.

Bộ phim "Trò chơi con mực" nói về nhiều trò chơi rùng rợn, trong đó những người tham gia chiến đấu đến chết theo đúng nghĩa đen. Bất chấp nội dung bạo lực, bộ phim đã thu hút được một lượng khán giả lớn trên toàn cầu, trở thành phim hàng đầu của Netflix tại ít nhất 90 quốc gia.

Bộ phim đưa người xem vào một hành trình hồi hộp cao độ, nơi vài trăm người đang gánh những khoản nợ cá nhân khổng lồ và trải qua nhiều bất hạnh cá nhân đã tham gia vào 6 trò chơi sinh tồn, mô phỏng các trò chơi quen thuộc của trẻ em Hàn Quốc.

Những người thua cuộc sẽ bị loại bỏ một cách tàn nhẫn, và người chiến thắng duy nhất sẽ nhận được phần thưởng 46,5 tỷ won (39,4 triệu USD).

Những tập đầu tiên cho thấy các nhân vật chính đều đã rơi vào cảnh đường cùng. Khán giả nhìn thấy nhiều mảnh đời khác nhau, nhưng tất cả đều chìm trong nợ nần, khốn khó và không thấy lối thoát.

Một người đàn ông bị mất việc, sau đó kinh doanh thất bại rơi vào cảnh bài bạc đến mức bị doạ lấy cả nội tạng, trong khi mẹ già ốm đau vẫn phải chật vật mưu sinh; một nhà quản lý quỹ trắng tay đang đối diện với lao lý; một người nhập cư từ Pakistan khốn khổ nuôi gia đình mà vẫn bị chủ "bùng" lương; một tay xã hội đen bị truy đuổi và vài trăm cá nhân kém may mắn khác vật lộn trong chủ nghĩa tư bản. Họ quyết định sẽ đánh cược mạng sống của mình.

Cùng với những phim đình đám khác gần đây như "Ký sinh trùng" (Parasite), "Trò chơi con mực" góp phần lên án tình trạng bất bình đẳng kinh tế xã hội nghiêm trọng, đang khiến cuộc sống của nhiều người Hàn Quốc lâm vào cảnh không khác gì địa ngục.

Cụ thể hơn, bộ phim đề cập đến cuộc khủng hoảng nợ cá nhân ngày càng nghiêm trọng và sâu sắc, ảnh hưởng đến cuộc sống của tầng lớp thấp và trung lưu.

Nợ gia đình ở Hàn Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây, đến mức chiếm tới hơn 100% GDP và là mức cao nhất ở châu Á. Top 20% người giàu có nhất nước này sở hữu lượng tài sản ròng cao gấp 166 lần so với 20% dưới đáy xã hội.

Nợ gia đình ở Hàn Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây, đến mức chiếm tới hơn 100% GDP và là mức cao nhất ở châu Á. Top 20% người giàu có

nhất nước này sở hữu lượng tài sản ròng cao gấp 166 lần so với 20% dưới đáy xã hội.

 

Nợ gia đình tăng do thu nhập thấp và lãi suất tăng, khiến nhiều người không thể xoay xở khi phải xử lý những việc ngoài kế hoạch, như bất ngờ bị sa thải, người thân ốm đau.

Chỉ số Gini đo lường về phân phối của cải quốc gia đặt Hàn Quốc gần như ngang hàng với Anh và cao hơn Mỹ.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tăng, giá nhà đắt đỏ và đại dịch toàn cầu đã đảo ngược những nỗ lực giảm bất bình đẳng trong những năm gần đây của chính phủ do Tổng thống Moon Jae-in đứng đầu thực hiện.

Tháng 8 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đưa ra mức trần cho vay mới nhằm giảm nợ nần của những người trẻ. "Thế hệ thiên niên kỷ" và những người độ tuổi 30 ở nước này đang nợ nhiều nhất so với thu nhập của họ.

Nhưng những nỗ lực hạn chế đó khiến một số người quay sang vay của xã hội đen với "lãi cắt cổ". Một số người rơi vào cảnh bị đầu gấu doạ lấy nội tạng bán như trong "Trò chơi con mực". Gánh nặng nợ vượt quá khả năng trả đang trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng, chưa kể đến nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử ở Hàn Quốc.

Bộ phim "Trò chơi con mực" còn nói đến thực trạng bóc lột lao động nhập cư, thông qua nhân vật người đàn ông Pakistan đại diện cho những lao động từ Nam Á và Đông Nam Á. Số phận những người chạy trốn từ Triều Tiên cũng được khắc hoạ, khi họ phải vượt qua nhiều khó khăn để có thể tồn tại ở vùng đất mới.

Những câu chuyện đó không chỉ riêng có ở Hàn Quốc, mà những số phận đau khổ đó có thể thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Những nền kinh tế tương tự như Hàn Quốc đang trải qua nhiều thách thức tương tự, và đại dịch COVID-19 càng làm trầm trọng thêm vấn đề.

"Trò chơi con mực" nhắc nhở một cách đau thương rằng chiến thắng của mỗi người đều đổi bằng sự trả giá của những người thất bại vì yếu thế, bị đối xử phân biệt, khả năng phán đoán sai hay thậm chí chỉ là kém may mắn.

Tập cuối của bộ phim gợi ý sẽ có phần hai, nhưng ngay cả nếu không có, bộ phim "Trò chơi con mực" đã cho thấy câu chuyện rộng lớn hơn mà nó thể hiện vẫn còn lâu mới kết thúc.

Cuộc khủng hoảng nợ phía sau phim ‘Trò chơi con mực’  - 1
(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp