Lần đặt bẫy tóm Ông Chảng (tên con lợn rừng độc chiếc nặng 180kg, rất hung dữ, do ông Ba Hiến, ba của thợ săn Tám Ảnh đặt), vô tình bẫy đã đóng phải hổ con. Chiếc bẫy nghiến mạnh, nát bấy chân hổ con. Mấy ngày sau ông Tám Ảnh mới vào rừng thăm bẫy, nên hổ con đã chết. Hổ mẹ nằm bên xác hổ con gầm “cà um” vang động cánh rừng.
Anh Tạ Văn Bình (Khánh Bình Tây, Trần Văn Thời, Cà Mau), con trai cố thợ săn Tám Ảnh nhớ lại: “Ba tui kể rằng, khi vào rừng thu bẫy, thì nghe thấy tiếng hổ cà um vang động cả rừng. Bầy chó săn hung dữ của ba tui nghe tiếng hổ thì mất hết hồn phách, lủi sau lưng chủ.
Tiến lại gần, ba tui thấy hổ con đã chết. Hổ mẹ nằm canh xác con. Thấy ba tui, hổ mẹ đứng dậy, mắt đỏ vằn nhìn ba tui. Con hổ đó thân dài 3 mét, nặng tới 2 tạ”.
Thợ săn Tám Ảnh hồi còn sống. Ảnh Trần Vũ |
Ông Tám Ảnh và đồ nghề săn. Ảnh Quốc Việt |
Kể lại sự việc với cha là thợ săn Ba Hiến, ông Ba Hiến đã lộ vẻ kinh sợ. Ông vẫn dạy dỗ Tám Ảnh rằng không được sát hại loài hổ, vì chúng là chúa sơn lâm, là loài vật có tánh linh. Tuy nhiên, sự việc hổ con trúng bẫy là ngoài mong muốn. Ông Ba Hiến mổ gà đem ra cửa rừng hương khói, khấn vái ghê lắm.
Vài hôm sau, con hổ tìm đến cánh rừng ven ấp Tân Ân, nơi sinh sống của cha con Tám Ảnh. Cứ đêm xuống, nó lại về sát ấp “cà um” vang động núi rừng. Tiếng gầm của nó cất lên ai oán. Người dân sợ hổ không sao ngủ được. Cả ngày lẫn đêm người dân đóng cửa ở trong nhà, không dám vào rừng, làm rẫy.
Biết rằng lỗi này do Tám Ảnh, nên dân làng kéo đến bắt vạ. Họ yêu cầu cha con Tám Ảnh phải giết hạ con hổ này, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm nếu ai đó bị hổ vồ.
Không còn cách nào khác, cha con thợ săn Tám Ảnh phải vào rừng đối mặt với con hổ dữ.
Anh Tạ Văn Bình bên mộ cha |
Chuẩn bị đồ nghề kỹ càng, hai cho con Tám Ảnh chèo thuyền dọc mép sông Cái, tìm vào nơi con hổ “cà um” suốt đêm. Hai cha con tính trực tiếp dùng thân thể làm mồi, dụ con hổ ra khỏi rừng.
Thuyền vừa cập bờ, chưa kịp đi tìm đối thủ, thì con hổ khổng lồ đã lừ lừ bước ra từ bãi lau lác. Chỗ đó là mép sông, là bãi đất trống. Hổ săn mồi thích nơi có lùm cây để ẩn nấp, tấn công bất ngờ, nhưng khi đùa giỡn, hành hạ con mồi thì nó tìm nơi đất trống.
Chỗ đất trống này rất hợp với nó. Có lẽ nó muốn kẻ thù phải chết trong đau đớn. Nhưng với ông Tám Ảnh, chỉ chỗ đất trống mới phát huy được hết thế võ hiểm.
Vác giáo trong tay, ông Tám Ảnh nhảy phóc lên bờ, mặt đối mặt với hổ. Hai kẻ gườm nhau tìm điểm yếu. Ông Ba Hiến cầm cây gỗ đứng dưới thuyền, sẵn sàng nhảy lên hỗ trợ con.
Con hổ nhìn đối thủ chừng 10 giây, thì đập đuôi, phóng thẳng lên không trung chụp tới. Biết rõ hướng tấn công của nó, nên Tám Ảnh né sang một bên, đồng thời vung lao vụt thẳng vào lưng hổ.
Ngôi nhà của thợ săn Tám Ảnh |
Bị vụt cú trời giáng vào lưng, con hổ đau đớn nên càng sôi máu. Nó lấy lại thế và tấn công lập tức. Biết rằng không hạ hổ không xong, nên ông Tám Ảnh quay mũi giáo. Hổ chụp tới, ông tránh sang bên, dùng hết sức bình sinh đâm mũi giáo trúng nách hổ.
Cú đâm cực mạnh khiến mũi giáo sắc nhọn xuyên lớp da hổ, thấu tim. Một dòng máu đỏ tươi nóng hổi phụt thẳng vào mặt Tám Ảnh. Con hổ lảo đảo, đổ kềnh xuống đất. Máu trào thành vũng.
Cha con ông Tám Ảnh vần hổ xuống thuyền chở về ấp Tân Ân. Dân ấp kéo đến xem xác hổ khổng lồ đông như hội.
Anh Bình bảo: “Sau vụ ấy, ba tui thề sẽ không bao giờ giết hổ nữa. Thế nhưng, ba tui bảo, sau vụ đó, ổng chẳng gặp thêm con hổ nào. Có lẽ đó cũng là con hổ cuối cùng của U Minh Hạ”.
Sau này, ông Tám Ảnh dùng thế võ của mình để đánh giặc. Với lài luồn rừng, săn thú, lặn sông, ông được cách mạng giao nhiệm vụ phá thủy lôi. Một vụ thủy lôi nổ khiến ông bị ù tai đến già.
Câu chuyện của ông Tám Ảnh về vụ giết con hổ cuối cùng, cũng khiến anh Tạ Văn Bình ám ảnh. Đó cũng là lý do anh không ham đi săn.
Những võ khí săn hổ, cá sấu giờ được dòng họ Tạ đặt ở nơi thờ tự bên Năm Căn.
Còn nữa…
Phạm Ngọc Dương
Bình luận