Bình thường, lái xe hay di chuyển trên tàu điện quanh thành phố thủ đô Delhi, Ấn Độ, mọi người đều phải chú ý tới các phương tiện giao thông phức tạp và ồn ào.
Nhưng những ngày này, giao thông trở nên thưa thớt, chỉ thỉnh thoảng có xe tải hoặc xe máy chạy qua. Không khí ồn ào náo nhiệt một thời không xuất hiện nữa.
Sự yên tĩnh không mấy dễ chịu len lỏi khắp Ấn Độ khi cuộc khủng hoảng COVID-19 nổ ra, một phần do các nhà máy đóng cửa cục bộ, một phần vì nhiều người ở đây lo sợ bị lây nhiễm.
Trái ngược với sự yên tĩnh đó, các hoạt động chiến đấu với dịch bệnh ngày càng bùng nổ: xe cấp cứu chạy đua đến với bệnh nhân tiếp theo, những người bình thường điên cuồng đi khắp thành phố để tìm thuốc, oxy và giường bệnh.
Sau một năm tương đối bình yên, đất nước gần 1,4 tỷ dân này phải vật lộn với cơn bão mạnh vào phút chót. Với số ca mắc mới vẫn vượt quá 300.000 ca mỗi ngày, Ấn Độ thường xuyên chiếm khoảng 50% tổng số ca mắc mới trên toàn thế giới.
Vấn đề từ các xét nghiệm
Cuối tháng 4, trong góc khu nhà bệnh viện Artemis ở Gurgaon, một người đàn ông liên tục ngã xuống và phải được những người xung quanh giúp đỡ khi đứng xếp hàng chờ xét nghiệm RT-PCR.
Người đàn ông được ngồi trên ghế nhưng lại gục. Anh ta được đưa lên phía trước hàng đợi nhưng quá yếu nên không trụ được lâu.
Khi nhân viên bệnh viện đưa người đàn ông về phía tòa nhà chính, anh ta chống cự, chỉ vào một người đàn ông lớn tuổi đang ngồi trong góc. Hóa ra người này đến đây không phải để làm xét nghiệm RT-PCR cho bản thân mà cho cha mình.
Trong khi đó, ở phía trước, bác sĩ phụ trách, choáng ngợp bởi số lượng mẫu xét nghiệm cần lấy, hét lên với một bệnh nhân vì đã chen hàng.
Hầu hết những người xếp hàng sẽ đợi ít nhất hai giờ để được kiểm tra. Và phải chờ trong ít nhất 48 giờ nữa mới có kết quả.
Không giống như làn sóng đầu tiên ảnh hưởng đến người già, làn sóng dịch bệnh thứ hai đã khiến nhiều người trẻ bị ốm. Các bậc cha mẹ trung niên phải đưa những đứa trẻ đang lên cơn ho, sốt đến các trung tâm xét nghiệm.
Sự chậm trễ kéo dài gây ra hậu quả đáng tiếc. Nếu không có kết quả xét nghiệm nhanh chóng và đáng tin cậy, mọi người sẽ không thể nhận được sự chăm sóc cần thiết và cuối cùng có thể truyền virus cho nhiều người khác.
Ông Claudien Jacob hiểu quá rõ tình huống này. Ông mất người mẹ 71 tuổi vào ngày 29/4 tại nhà ở Bangalore, khi bà phải nằm liệt giường. Bà nóng bừng lên vì sốt và mức độ bão hòa oxy của bà giảm dần.
Vào thời điểm họ có thể nhờ một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm đến nhà để lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, những người khác trong gia đình cũng đã xuất hiện các triệu chứng điển hình của COVID-19. Nhưng không có xét nghiệm thì bà sẽ không có giường bệnh.
Ngày 29/4, lúc 7h sáng, bà trút hơi thở cuối cùng. 7h30 sáng, điện thoại của ông Jacob phát ra tiếng bíp với kết quả xét nghiệm của bà: dương tính.
Ông vẫn chưa nhận được kết quả kiểm tra của mình. "Tôi mệt chết đi được, nhưng không còn ai làm việc này nữa, nên tôi đã đến nghĩa địa. Tôi vẫn chưa kịp cảm nhận rằng mẹ đã chết".
Tháng 3/2020, trong đợt bùng phát đại dịch đầu tiên, Ấn Độ thiết lập lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài 21 ngày. Trong khi ảnh hưởng xấu về kinh tế, điều này cũng giúp mở rộng cơ sở hạ tầng từ giường bệnh đến cơ sở xét nghiệm.
Số xét nghiệm đã được tăng từ ít hơn 100 lên hơn 1,4 triệu mỗi ngày.
Số phòng thí nghiệm làm xét nghiệm cũng đã tăng từ 14 phòng vào đầu năm ngoái lên hơn 2.400 trong năm nay. Nhưng như vậy vẫn không đủ.
Cuộc chiến sinh tồn
Giờ đây, người Ấn Độ thường thấy mọi người đổ xô đi tìm những thứ thiết yếu cơ bản mà người ta luôn cho rằng bệnh viện sẽ có. Chưa bao giờ các công dân thường xuyên phải săn tìm oxy như hiện tại.
Nhìn ra cửa sổ, không khó để bắt gặp ai đó đang phóng vội với bình oxy trên xe để mang đến cho bệnh nhân.
Nhập viện - là vấn đề của ý chí, sự giàu có, các mối quan hệ và tất nhiên là cả may mắn. Người Ấn Độ bây giờ nói đùa rằng trước đại dịch, mọi người hoảng sợ khi một người thân được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, nhưng bây giờ thì họ vui mừng.
Hành trình nhận được giường giống như một môn thể thao đầy cạnh tranh.
Sống sót cũng không dễ dàng. Những người an toàn trước COVID-19 và gia đình của họ kể về sự cô đơn và căng thẳng. Gia đình không được phép gặp bệnh nhân trong khu COVID-19 hoặc các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Trong sự cô lập tuyệt đối, tất cả những gì người ta có thể nghe thấy là tiếng thở nặng nhọc, đơn lẻ.
Nhưng dù sao, họ vẫn được coi là những người "may mắn".
Đương đầu với chấn thương
Bên ngoài lò hỏa táng Old Seemapuri ở Delhi, ông Jitender Singh Shunty, người sáng lập Shaheed Bhagat Singh Sewa Dal - một tổ chức phi lợi nhuận - uống chút trà đầu tiên lúc 2 giờ chiều. Ông nói rằng cảm thấy muốn xỉu và phải nghỉ ngơi mặc dù có rất ít thời gian.
Ông Shunty giúp hỏa táng các thi thể chưa được nhận và xử lý tro cốt theo truyền thống của người Hindu, nhận được nhiều cuộc gọi. "Vâng, chúng tôi sẽ đến và chuẩn bị cho ma chay. Đừng lo lắng", ông nói với một người đang tuyệt vọng trong điện thoại.
Ông nhận được hơn 400 cuộc gọi một ngày, và đã sống trong xe nhiều ngày. Ông có một đội 18 xe cứu thương và đã mất một người lái xe, Arif Khan, vì đại dịch.
Những người đàn ông và phụ nữ bình thường đã trở thành siêu anh hùng trong đại dịch.
Một người lái xe ở Bhopal bán đồ trang sức của vợ để chuyển chiếc xe thành xe cứu thương tạm thời. Một người khác ở Mumbai bán chiếc SUV của mình với giá 2,2 triệu rupee để mua bình oxy cho mọi người.
Ở Kerala, một người đàn ông lớn tuổi đã quyên góp gần như toàn bộ số tiền tiết kiệm 200.000 rupee của mình cho các nỗ lực cứu trợ COVID-19.
Một bà mẹ đang cho con bú ở Bangalore tặng sữa mẹ cho một đứa trẻ sinh non có mẹ đã chết vì dịch.
Và chính những khoảnh khắc này là sự nghỉ ngơi tạm thời khỏi nỗi kinh hoàng đang diễn ra.
Bình luận