• Zalo

‘Cú hích’ Vân Đồn

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Hai, 18/05/2020 14:01:03 +07:00Google News
(VTC News) -

Ngày 17/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 266/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040.

Mới đây, ngày 15/5, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh.Đây được coi là cú hích mới cho Vân Đồn phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Hàng loạt dự án lớn đã sẵn sàng

Theo quy hoạch, Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế. Vân Đồn được xác định là đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững và là khu vực có vị trí bền vững về an ninh quốc phòng.

Cấu trúc phát triển không gian khu kinh tế Vân Đồn sẽ được chia theo 2 vùng gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải, định hướng thành 5 vành đai phát triển gồm: Vành đai nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; Vành đai du lịch sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên; Vành đai đô thị dịch vụ, văn hoá và vui chơi giải trí (khu vực phía Đông đảo Cái Bầu); Vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần (khu vực phía Tây đảo Cái Bầu); Vành đai dự trữ phát triển mở rộng phía Tây (thuộc địa giới thành phố Cẩm Phả và huyện Tiên Yên).

‘Cú hích’ Vân Đồn - 1

Một dự án lớn trong KKT Vân Đồn đã sẵn sàng đón nhà đầu tư

Tuy nhiên, câu chuyện xây dựng Vân Đồn trở thành khu kinh tế đã từng được đề cập từ trước đó rất lâu. Năm 2007, Vân Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập là Khu kinh tế ven biển. Đây là Khu kinh tế duy nhất nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang- một vành đai” kinh tế Việt- Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN - Trung Quốc, Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Toàn bộ diện tích khu kinh tế nằm trong địa giới hành chính của huyện Vân Đồn. Khi quyết định thành lập Khu kinh tế ven biển Vân Đồn, Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm phát triển Vân Đồn, trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thương quốc tế.

Một hòn đảo đìu hiu hoang vắng thời điểm đó, người ta đã nghi ngờ, đã không dám đặt cược tiền bạc, công sức vào đây. Nhưng Quảng Ninh đã khiến cho những suy nghĩ này phải thay đổi và chứng tỏ Vân Đồn có thế mạnh vô cùng đặc biệt, thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo thống kê, từ năm 2012 đến 2019, Quảng Ninh đã huy động và thu hút trên 57.600 tỷ đồng (tương đương 2,62 tỷ USD) để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực phục vụ phát triển Vân Đồn.

Ngay khi Vân Đồn được phê duyệt xây dựng trở thành khu kinh tế thứ 3 của Việt Nam, bên cạnh các khu kinh tế Vân Phong và Phú Quốc, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ đầu tư, hoặc núp bóng người Việt để đầu tư chui vào. Có lẽ, sự lo ngại này hoàn toàn có cơ sở, bởi đã có không ít các doanh nhân có sự đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang thâu tóm nhiều khu đất “vàng” tại các địa phương có khu kinh tế, gây nên sự cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Thế nhưng, cho đến thời điểm này, Vân Đồn chưa có một doanh nghiệp Trung Quốc nào đăng ký đầu tư mà chỉ có một số Tập đoàn của Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Đức đến tìm hiểu cơ hội đầu tư; hướng tới xây dựng các khu công nghệ cao như điện tử, sinh học, thuốc chữa bệnh...

Các doanh nghiệp lớn trong nước cũng đã triển khai một số dự án tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ sản xuất kỹ thuật cao. Có thể nhắc tới một số doanh nghiệp đã “đổ vốn” vào Vân Đồn như Tập đoàn Sungroup đã đầu tư các dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, dự án cao tốc Hạ Long- Vân Đồn; Dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn I; dự án khu dịch vụ phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp có casino tại khu kinh tế Vân Đồn... tổng vốn đăng ký của các Dự án khoảng 72.000 tỷ đồng; Dự án Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas; dự án Khu Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City của Tập đoàn CEO; quần thể dự án sân Golf, khách sạn 5 sao, khu nghĩ dưỡng cao cấp tại khu vực Ao Tiên do CTCP Đầu tư xây dựng Hải Đăng đầu tư; Dự án Khu đô thị Ao Tiên...

Trong thời gian tới, nhiều nhà đầu tư lớn tiếp tục nghiên cứu, đăng ký đầu tư với số vốn trên 56.000 tỷ đồng để phát triển Vân Đồn như: Dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng do Tập đoàn FLC đang đề xuất; Dự án Con đường Di sản Vân Đồn do CTCP Vân Đồn Heritage Road đề xuất; dự án Quy hoạch khu vực phía bắc đảo Cái Bầu do liên danh nhà đầu tư Tập đoàn Vision Transportion Group (VTG), CTCP đầu tư xây dựng Hải Đăng, Công ty đầu tư và phát triển Sunny World nghiên cứu; tổ hợp công nghệ cao, thương mại tự do và khu đô thị thông minh Vân Đồn do Tập đoàn Sungroup nghiên cứu; phân khu 2,3- khu đô thị Cái Rồng do CTCP Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI nghiên cứu; khu công nghiệp dược công nghệ cao do Tập đoàn FLC nghiên cứu...

Công ty Phương Đông thì đã chi hơn 3.000 tỷ đồng để hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng ở khu Đô thị Phương Đông với diện tích 171 héc ta, và ở vị trí đẹp nhất Vân Đồn. Hiện nay, Phương Đông đã sẵn sàng tiếp đón các nhà đầu tư thứ cấp vào các dự dự án như khách sạn 5 sao, Trung tâm Thương mại, Bệnh viện, Trường học… và khu vui chơi giải trí, với đầy đủ các loại giấy phép cần thiết do tỉnh cấp.

‘Cú hích’ Vân Đồn - 2

KKT Vân Đồn – nơi được dự báo sẽ bùng nổ khách du lịch và nhà đầu tư

Sẽ bùng nổ khách du lịch và nhà đầu tư

Có một điều rất đặc biệt ở Quảng Ninh là: Trước khi Vân Đồn được phê duyệt xây dựng trở thành khu kinh tế, đã có rất nhiều nhà đầu tư dám mạnh tay “đổ tiền” ra xây dựng sân bay quốc tế Vân Đồn, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu đô thị Phương Đông; dám cùng tỉnh đầu tư mở đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng -Quảng Ninh và tới thẳng Vân Đồn…

Khi những dự án đầy tham vọng này được thực hiện, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn liệu số vốn đầu tư vào Vân Đồn có mất đi nếu địa phương này không được quy hoạch khu kinh tế. Tuy nhiên, có thể thấy việc Vân Đồn có trở thành khu kinh tế không quá quan trọng đối với các nhà đầu tư, bởi họ đã nhìn thấy tiềm năng của Vân Đồn nói riêng và Quảng Ninh nói chung.

Và có một thông tin mà không phải là ai cũng đã nắm được, đó là : Cho đến nay, chưa có một nhà đầu tư Trung Quốc nào đến Vân Đồn. Đơn giản chỉ là vì các doanh nghiệp tư nhân Việt đang "thống lĩnh" khu vực này, và họ đủ tiềm lực để đầu tư, không cần phải hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc.

Bên cạnh đó, những chính sách của Quảng Ninh đối với các nhà đầu tư cũng là một trong những yếu tố khiến các doanh nghiệp ưu ái địa phương này. Sự ưu ái này của các nhà đầu tư cũng xuất phát từ nỗ lực tự thân của Quảng Ninh khi chuyển dịch dần từ kinh tế “nâu” sang kinh tế “xanh”, tức là không dựa vào các mỏ than đá mà phát triển dựa trên du lịch - thương mại - nông nghiệp kỹ thuật cao - công nghiệp mang xu thế của 4.0. Đặc biệt, không có chuyện chính quyền lấy “hành là chính” để gây khó cho doanh nghiệp, cũng không có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đối với các dự án đầu tư.

Quảng Ninh cũng là địa phương có nhiều cái “đầu tiên” đột phá như: là địa phương tiên phong triển khai nhiều mô hình mới trong quản lý cải cách hành chính; là tỉnh đầu tiên thành lập và vận hành Trung tâm hành chính công; là tỉnh đầu tiên có sân bay quốc tế do tư nhân xây dựng. Đồng thời, Quảng Ninh cũng là tỉnh đi đầu trong xây dựng và công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị, đi đầu trong sử dụng mạng xã hội tương tác với người dân và doanh nghiệp…

Có thể nói, việc được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, chính là cơ sở để Vân Đồn nói riêng và Quảng Ninh nói chung có cơ hội khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, sẵn sàng cho sự bùng nổ khách du lịch và các nhà đầu tư trong tương lai gần.

Ngày 15/5 vừa qua , UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 14/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý KKT Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 21/4/2020 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý KKT Vân Đồn.

Theo đó, Ban Quản lý KKT Vân Đồn là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh. Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm, kể từ ngày 21/4/2020.

Ban Quản lý KKT Vân Đồn thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với KKT Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công, dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư trong KKT Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh theo quy định của pháp luật.

‘Cú hích’ Vân Đồn - 3

 KKT Vân Đồn với nhiều dự án lớn đã và đang hoàn thành

Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng và con dấu hình quốc huy; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm, nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý gồm: Văn phòng, Phòng Nghiệp vụ và Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đầu tư. Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đầu tư là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư.

Biên chế công chức của Ban Quản lý do UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định trong tổng biên chế hành chính được cấp có thẩm quyền giao, bảo đảm không làm tăng tổng số biên chế công chức của tỉnh và thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo quy định.

Phong Sơn
Bình luận
vtcnews.vn