Là trưởng phòng kinh doanh của một công ty về du lịch, Ngọc Hà (30 tuổi, Hà Nội) thường xuyên phải làm việc với cường độ cao, phụ trách nhiều đầu việc cùng một lúc. Bận rộn khiến cô gái không có nhiều thời gian chăm sóc bản thân, nhiều hôm chỉ ăn uống qua loa, vội vàng sau đó lại ngồi vào bàn làm việc.
Hai tháng nay, Hà thường xuyên bị trào ngược dạ dày - thực quản, có lúc đau âm ỉ vùng thượng vị, ăn ít ngon miệng, không muốn ăn uống, hay buồn nôn. Cô đi khám tiêu hoá phát hiện viêm nhẹ hang vị, trào ngược dạ dày, HP âm tính.
9X còn thường xuyên mất ngủ, đêm trằn trọc khó vào giấc, hay nghĩ ngợi nhiều chuyện. Sáng dậy cảm thấy mệt mỏi, đau căng đầu. Gần đây cô làm việc kém tập trung, hay quên, vừa nói hay dự định làm gì đó, khoảng 15 phút sau đã quên.
Hà cũng mất cảm giác thích thú khi đạt được những thành quả trong công việc như trước đây. Từ cô gái điềm tĩnh trong mọi tình huống, nay cô trở nên dễ nổi nóng, cáu gắt.
Cô đi khám bác sĩ đa khoa và được chỉ định dùng các thuốc giảm stress như stresam, grandaxin, bổ não. Uống thuốc đều đặn khoảng 1 tuần, Hà ngủ được nhưng dần dần thuốc không còn tác dụng, tăng liều lên gấp đôi vẫn không cải thiện. Nhận ra mình điều trị chưa đúng chuyên khoa, nữ trưởng phòng tìm đến bác sĩ tâm lý để thăm khám.
Theo ThS.BS Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện E, Ngọc Hà đến viện trong tình trạng mất ngủ kéo dài, nhớ nhớ, quên quên, sức khỏe tinh thần giảm sút. Sau khi kiểm tra tâm lý, thang điểm đánh giá người bệnh gặp phải chứng rối loạn lo âu nặng. Hà được tư vấn kỹ năng giảm căng thẳng kèm theo đơn thuốc điều trị.
“Đây chỉ là một trong số những ca bệnh điển hình thể hiện tình trạng rối loạn lo âu do stress công việc đang phổ biến ở người trẻ. Thanh niên ngày nay mắc rối loạn lo âu do stress từ rất sớm và chịu các hậu quả nặng từ đó”, bác sĩ Chung nói.
Việc để stress và rối loạn lo âu kéo dài sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ như suy giảm trí nhớ, mất tập trung, ảnh hưởng đến công việc, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Nhiều người cho rằng, suy giảm trí nhớ chỉ xảy ra ở người già. Tuy nhiên, tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi khác với sa sút trí tuệ ở người già. Các yếu tố như lối sống căng thẳng, ngủ ít hoặc mất ngủ góp phần đáng kể gây khởi phát sớm các vấn đề này.
Làm quá nhiều việc cùng một lúc có thể khiến não bộ bị quá tải - một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm trí nhớ ở người trẻ. Người có dấu hiệu lo lắng, buồn bã, mất tập trung, lâu dần góp phần gây nên tình trạng trí nhớ kém dù còn trẻ tuổi.
Dấu hiệu nhận biết chứng "nhớ nhớ, quên quên" là kém tập trung, thường xuyên lơ đãng trong công việc và học tập; hay quên mọi thứ, khó ghi nhớ một thông tin mới, giảm khả năng tư duy, khả năng nhìn nhận và đánh giá sự việc.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp tình trạng rối loạn hành vi như nhắc đi nhắc lại một câu nói, diễn đạt vòng vo do quên từ; khó khăn trong việc nhận thức thời gian, địa điểm, vị trí của bản thân; tâm lý, cảm xúc thay đổi bất thường, dễ nóng giận, phiền muộn, thờ ơ.
Theo chuyên gia, để ngăn chặn chứng bệnh suy giảm trí nhớ, người trẻ tuổi cần thay đổi lối sống, dẹp bỏ áp lực, phiền muộn, ngủ đủ giấc, tránh stress, tranh thủ nghỉ ngơi thư giãn.
Người trẻ nên tạo thói quen đọc sách, phân bổ công việc theo trình tự, hạn chế làm quá nhiều việc một lúc. Khi cảm thấy bị stress, bạn hãy giải tỏa bằng cách tập thể thao, đi bộ để điều chỉnh nhịp thở, thưởng thức âm nhạc. Việc tập thể dục ở cường độ vừa phải ít nhất 150 phút hoặc ở cường độ cao 75 phút một tuần giúp giữ cho não nhạy bén. Ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc từ 7-9 tiếng mỗi ngày có lợi cho sức khỏe.
Bình luận