• Zalo

Con giết mẹ giấu xác vào lu có bị xử nhẹ?

Pháp luậtChủ Nhật, 28/06/2015 07:32:00 +07:00Google News

Cách đây vài năm, dư luận cả nước chấn động với vụ án chém chết 3 người rồi cướp tiệm vàng của hung thủ Lê Văn Luyện (Bắc Giang). Nguyễn Khả Đạt (Kiên Giang)

Liên tiếp các vụ án gần đây khiến dư luận bàng hoàng như chém chết người, đâm bạn cùng trường, dùng gậy đập mẹ đến chết... hung thủ đều là người chưa thành niên. Tại sao?

Cách đây vài năm, dư luận cả nước chấn động với vụ án chém chết 3 người rồi cướp tiệm vàng của hung thủ Lê Văn Luyện (Bắc Giang).

Mới đây, Nguyễn Khả Đạt (Kiên Giang) đã nhẫn tâm dùng gậy đập liên tiếp vào đầu, mặt mẹ ruột cho đến khi bà chết rồi giấu xác vào lu để cướp vàng tiêu xài cá nhân.

Cả hai trường hợp, khi gây án, hung thủ đều chỉ hơn 17 tuổi nên tòa án chỉ tuyên phạt mức cao nhất đối với tội phạm chưa thành niên là 18 năm tù.
 Bị cáo Đạt khai nhận hành vi phạm tội - Ảnh: K.Nam

Tăng về số lượng lẫn mức độ phạm tội

Theo thống kê của ngành công an, mỗi năm xảy ra gần 10.000 vụ vi phạm pháp luật hình sự với gần 15.000 người chưa thành niên thực hiện. Báo cáo của Bộ Công an từ năm 2007 đến tháng 6-2014, toàn quốc có hơn 94.300 trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật hình sự.

So với tổng số vụ phạm pháp hình sự thì số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm gần 20%.

Tính riêng năm 2014, trẻ em dưới 14 tuổi có 7.000 vụ vi phạm, chiếm tới 70% tội phạm vị thành niên dưới 18 tuổi. Trong đó, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và nghiêm trọng chiếm 72,6%.

Theo luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, thành viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em VN - không chỉ gia tăng về số lượng mà mức độ, tính chất, hành vi phạm tội của người chưa thành niên cũng ngày càng đa dạng, phức tạp và nghiêm trọng hơn. 

Những lỗ hổng giáo dục

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn - phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội VN, nhận định: “Thứ nhất, cần xem xét vì sao các bạn còn trẻ, dưới 18 tuổi nhưng lại thiếu kiểm soát bản thân dẫn đến hành vi tàn độc. Thứ hai, mức độ hành vi phạm pháp gần đây thay đổi rất nhiều, một số nhóm nhỏ tuổi có hàng loạt hành vi phạm tội rất bài bản”.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng tác động xấu từ các yếu tố bên ngoài, sự tổn thương từ mối quan hệ gia đình cũng như tấm gương xấu của người thân và việc giáo dục các em không hiệu quả đã dẫn đến những hành động thiếu kiểm soát.

Theo chuyên gia tâm lí Võ Thị Minh Huệ, nguyên nhân dẫn đến tội phạm ngày càng trẻ hóa xuất phát từ nhiều phía: sự thiếu quan tâm, chăm sóc, định hướng của người lớn, sự lôi kéo, ảnh hưởng từ văn hóa đồi trụy, bạo lực tràn lan.

Tranh luận xung quanh hình thức xử phạt nhẹ?

Bạn H.T. bức xúc: “Pháp luật VN còn rất nhiều vấn đề cần bàn luận. Nhiều trẻ gây tội ác rất dã man như vụ Lê Văn Luyện, bây giờ lại có vụ Nguyễn Khả Đạt (giết mẹ ruột, giấu xác trong lu), tỉnh bơ mô tả hành vi giết người. Cha mẹ sinh thành mà còn không tha thì ngoài xã hội còn sợ ai? Những hành vi dã man, vô cảm không thể giáo dục nữa thì không nên để sống trong xã hội này làm gì?

Bạn Lê Hồng Châu đề xuất: “Luật chưa đủ sức răn đe vì những vụ án tương tự đã từng xảy ra. Nhất là sự dã man, mất hết tính người ở từng vụ án giống nhau. Đã đến lúc phải sửa lại luật để mang lại sự công bằng”.

Nhiều bạn đọc đề xuất nên tăng mức hình phạt thậm chí có thể xử phạt ở mức cao nhất cho trẻ chưa thành niên khi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như vụ giết mẹ của Nguyễn Khả Đạt.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng “Hầu hết trẻ chưa thành niên phạm tội đều không biết rõ khung hình phạt của mình. Khi phạm tội rồi, ra vành móng ngựa thì trẻ mới biết mình phải chịu khung hình phạt nào. Do đó, không phải tăng hay giảm mức án mà cách tốt nhất là tuyên truyền, yêu thương, dạy dỗ, giáo dục cho trẻ từ thưở lọt lòng cho đến lớn”.

Bà Hồng Liên nói: “Các em chưa thành niên nên chúng ta phải xem xét các em dưới góc độ của người chưa phát triển toàn diện về tâm sinh lý. Chúng ta đã có chính sách riêng về người chưa thành niên phạm tội, do đó không thể xử lý các em “nặng” như mức của người trưởng thành”.

Bà Liên cho biết thêm, đã có nhiều hội thảo đóng góp sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, trong đó, nhiều chuyên gia đã quan tâm các chương về người chưa thành niên phạm tội. Quan điểm chung vẫn là tội phạm chưa thành niên do nhiều nguyên nhân, yếu tố dẫn đến phạm tội nên dù có tăng mức hình phạt, hạ độ tuổi áp dụng xử phạt cũng không thể mang lại kết quả khả quan.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn nhận định: “Phải giải quyết phần gốc, đừng chỉ lo phần ngọn”.

Theo ông Sơn, xã hội không nên quá quan tâm vào việc trách phạt mà điều quan trọng chúng ta cần làm là ngăn ngừa từ phần gốc, tức là lúc hành vi phạm tội chưa nảy sinh hoặc vừa manh nha hình thành.
Hơn 70% trẻ phạm pháp không được gia đình quan tâm

Theo báo cáo “Tình hình tội phạm vị thành niên, thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp” của TS. Ngô Hoàng Oanh - Giảng viên khoa đào tạo luật sư (Học viện Tư pháp), trong số các trẻ vị thành niên phạm pháp ở VN có đến hơn 70% trẻ không được quan tâm chăm sóc đầy đủ từ gia đình. Theo thống kê của trường Đại học An ninh nhân dân, 75% trẻ không được gia đình quan tâm quản lý; 49% trẻ bị cha mẹ đánh đập, chửi mắng; 32% trẻ có bố mẹ ly hôn…

 27,5% gia đình VN đang xảy ra xung đột.

Kết quả khảo sát mới đây trên 1.500 người của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) tiến hành trong tháng 5 và tháng 6-2015 cho thấy 27,5% gia đình Việt Nam đang đối mặt với xung đột, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình. Chủ đề Ngày gia đình Việt Nam năm nay (28-06-2015) “Bữa cơm gia đình, đầm ấm yêu thương” gắn với nội dung truyền thông xây dựng nhân cách người VN từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Nguồn: TTO
Bình luận
vtcnews.vn