Thị trường chứng khoán mở cửa phiên 22/8 tiếp tục ghi nhận áp lực bán chốt lời sau giai đoạn hồi phục mạnh trước đó. VN-Index mặc dù có một số thời điểm bùng lên nhưng vẫn chịu lực bán lớn để kết phiên trong sắc đỏ.
Kết thúc ngày đầu tuần, chỉ số đại diện sàn HoSE giảm đến 8,75 điểm (-0,69%) về mức 1.260,43 điểm. Đây đã là phiên điều chỉnh giảm thứ 3 liên tiếp của thị trường.
Sắc đỏ cũng hiện diện áp đảo trên các sàn tại Hà Nội. Bộ chỉ số HNX-Index giảm 3,21 điểm (-1,08%) về 294,73 điểm. UPCoM-Index giảm 0,59% xuống 92,22 điểm.
Phiên điều chỉnh mạnh của thị trường là do đà lao dốc của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong đó riêng rổ vốn hóa lớn nhất VN30 ghi nhận mức giảm 9,48 điểm (-0,73%) với 26/30 mã chìm trong sắc đỏ.
Diễn biến tiêu cực nhất đến từ nhóm cổ phiếu họ Vingroup, với VIC lao dốc 2,8% về 66.000 đồng, VHM của Vinhomes giảm 1,2% còn 59.400 đồng và VRE của Vincom mất 0,9% giá trị xuống 29.050 đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng bị điều chỉnh mạnh mẽ. Trong đó, gây áp lực nhất là BID khi giảm 2,3% về 38.450 đồng, VCB của Vietcombank cũng mất 1,1% còn 80.000 đồng, bên cạnh đó còn có HDB giảm 3% hay OCB mất 2,8% giá trị.
Cổ phiếu lớn khác là HPG của đại gia thép Hòa Phát giảm 1,7% về 23.350 đồng sau thông tin giá thép tiếp tục mất giá. Ông lớn ngành cao su GVR lao dốc 2,3% về 23.650 đồng hay đại gia dầu khí GAS mất 0,6% giá trị.
Nhóm cổ phiếu bất động sản sau giai đoạn hưng phấn cũng chìm trong áp lực bán lớn. Các mã thanh khoản cao như CEO lao dốc 6,7%, DIG rơi 6,3%, NBB lùi 5% hay DXG của Đất Xanh mất 3,4% thị giá.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp dậy sóng để làm lực đỡ cho thị trường chung. Trong đó BCM của Becamex tăng hết biên độ lên 85.600 đồng là mã có đóng góp lớn nhất toàn sàn.
Bên cạnh đó còn có IDC của Idico ghi nhận mức tăng 1,9% lên 63.700 đồng, KBC của Kinh Bắc tiến thêm 1,5% đạt 36.500 đồng hay PXL của KCN Dầu khí Long Sơn tăng khủng hơn 14% lên 11.300 đồng.
Cổ phiếu bán lẻ cũng tham gia giữ nhịp cho thị trường với đầu tàu là MWG bứt phá 3,7% đạt 66.500 đồng sau một loạt thông tin tích cực về kinh doanh. Ngoài ra còn phải ghi nhận mức tăng 4,5% của PET hay các mã FRT và DGW tăng hơn 2%.
Thị trường nhìn chung vẫn chìm trong áp lực bán chốt lời với sắc đỏ áp đảo. Toàn sàn có đến 621 mã giảm giá, trong khi chỉ có 296 mã đi lên trong phiên hôm nay.
Thanh khoản toàn thị trường nhìn chung chưa có nhiều biến động với tổng giá trị giao dịch đạt 17.727 tỷ đồng. Trong đó khớp lệnh sàn HoSE giảm nhẹ 3% về 13.140 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch khá hạn chế phiên đầu tuần. Trên sàn HoSE, họ mua vào 498 tỷ và bán ra 727 tỷ, tương đương bán ròng 229 tỷ đồng. Lực bán tập trung vào các mã KBC, SSI và VHM.
Trước phiên giao dịch, Chứng khoán Asean dự báo VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.260-1.265 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.250-1.255 điểm.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng cho rằng thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong các phiên giao dịch đầu tuần và VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.250 điểm.
Bình luận