• Zalo

Có nên chi ‘tiền tươi’ ngân sách để xử lý nợ xấu DNNN?

Kinh tếChủ Nhật, 19/10/2014 07:27:00 +07:00Google News

(VTC News) – Trong lúc ngân sách đang không đủ để tăng lương thì đề xuất chi ‘tiền tươi’ xử lý nợ xấu doanh nghiệp nhà nước phải được tính toán thận trọng.

(VTC News) – Trong lúc ngân sách đang ‘không đủ để tăng lương’ thì đề xuất chi ‘tiền tươi’ xử lý nợ xấu doanh nghiệp nhà nước phải được tính toán thận trọng.

Trong báo cáo về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế do Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư trình lên UBTV Quốc hội mới đây, có kiến nghị xem xét dành một phần chi ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Đây là một đề xuất khá ‘bất ngờ’ bởi từ trước đến nay Chính phủ vẫn luôn khẳng định “không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu”. Tất nhiên, đây mới chỉ là đề xuất, còn phải đợi ý kiến của Bộ Tài chính xem có thể cân đối được ngân sách hay không và Quốc hội có thông qua phương án này không. 

Trả lời phỏng vấn PV VTC News, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, đề xuất này thực ra là biện pháp bất đắc dĩ, không còn cách nào khác thì mới phải làm, chứ thực tế nó không khả thi, không thỏa đáng với các thành phần kinh tế khác.

 
“Như vậy chứng tỏ các DNNN vay nợ rồi không trả được nợ nên giờ lấy tiền thuế của dân để trả nợ cho họ. Người dân hoàn toàn không đồng tình. Các DNNN như Vinashin, Vinalines… đã làm ăn thua lỗ như vậy, giờ đòi lấy tiền ngân sách tức là tiền thuế của dân đóng để xử lý thì rất khó thuyết phục”, ông Doanh nói.

- Người dân có thể phản đối đề xuất này vì không muốn tiền đóng thuế của mình được “đem cho” các DNNN. Nhưng dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế, ông có cho rằng đây là một biện pháp cần thiết để xử lý khối nợ xấu khổng lồ đang ngáng đường nền kinh tế hiện nay? 

Tôi nghĩ rằng đề xuất này cần được cân nhắc kỹ. Quốc hội cần có sự thảo luận xem xét, cho ý kiến về nguyên tắc xem như thế nào trước khi quyết định vấn đề này.

Từ trước đến nay Bộ tài chính vẫn nói rằng, việc vay nợ của DNNN là vấn đề của DNNN chứ không phải nợ công. Tuy nhiên, nếu bây giờ lấy tiền ngân sách ra để xử lý nợ xấu cho các DNNN thì rõ ràng nó đã biến thành nợ công rồi. Như vậy gánh nặng nợ công ngày càng lớn hơn. 

Hơn nữa, tại sao lại là xử lý nợ xấu cho DNNN mà không phải là các doanh nghiệp khác? Đây là vấn đề không hợp lý, rõ ràng có sự thiên vị với DNNN. 

Khối nợ xấu của DNNN hiện nay đang rất lớn, trong khi ngân sách thì eo hẹp. Tôi nghĩ, dùng bao nhiêu tiền ngân sách để xử lý hiệu quả khối nợ xấu của DNNN cũng là vấn đề phải tính toán thận trọng. 

- Theo báo cáo mới đây tại UBTV Quốc hội thì ngân sách cho chi thường xuyên đã lên tới hơn 70%, còn lại phần chi cho đầu tư phát triển, chi trả nợ rất eo hẹp. Như vậy, kể cả khi đề xuất của Bộ KHĐT được thông qua, thì cũng khó có tiền để chi ra xử lý nợ xấu DNNN, thưa ông?

Đúng vậy! Ở các nước khi họ có một nền tài chính mạnh thì họ có khả năng này, thường họ sẽ dùng vốn ngân sách để trích ra, sẽ xử lý nợ xấu, cứu DNNN. Nhưng trong điều kiện của Việt Nam thì đây là bài toán hết sức khó khăn, bởi hiện nay ngân sách đang hết sức hạn hẹp. 

Thực tế, ngân sách hiện nay không đủ tiền để đảm bảo tăng lương cho bộ máy, bội chi đang ngày càng tăng thì việc lấy tiền ngân sách ra để xử lý nợ xấu cho DNNN là bước đi không đúng, không thuyết phục.  Các nước làm được vì điều kiện của họ cho phép. Nhưng chúng ta có làm được hay không phải là chuyện khác. Cần phải hết sức cân nhắc.

Mà như tôi đã nói, kể cả có chi để xử lý nợ xấu DNNN thì cũng cần phải tính toán, cân nhắc xem xử lý nợ xấu chỗ nào cho đúng, cho hiệu quả. Chứ không phải DNNN nước nào cũng được dùng tiền ngân sách để cứu. Nhiều ông DNNN như Vinashin, như Agribank… thua lỗ thế, sai phạm thế, làm sao lại lấy tiền ngân sách, thực tế là tiền thuế của dân để xử lý nợ cho họ. 

Dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu DNNN sẽ khiến gánh nặng nợ công ngày càng tăng - Ảnh minh họa 
- Mới đây, Quốc hội đã chỉ đạo rút tỷ lệ chi thường xuyên xuống 50% còn lại đầu tư cho phát triển. Theo ông làm sao để đạt được mục tiêu “lý tưởng” này?

Vấn đề này tôi cũng đã đề xuất trong Diễn đàn kinh tế Mùa thu mới đây, tức là cần phải có đề án tái cơ cấu ngân sách, đặc biệt là phải có đề án tái cơ cấu chi ngân sách vì hiện nay cái chi ngân sách. Chi thường xuyên đã chiếm tới 72% tổng số chi rồi, như vậy là quá cao. Trong tình hình này cần phải có sự xem xét xem làm sao để có thể đảm bảo được nguồn cân đối ngân sách. Điều này đòi hỏi phải tiết kiệm.

Tôi thấy rằng hiện nay trong các phương án về cân đối ngân sách thì chúng ta ít dùng khái niệm “tiết kiệm” quá, đó là điều rất không đúng. 

Cần phải thấy rằng, hiện chúng ta đang có rất nhiều cái chi không hợp lý, lãng phí. Vừa rồi các ĐBQH tiếp xúc với cử tri cũng đều nghe nói tới chuyện cán bộ đi nước ngoài quá nhiều, việc dùng xe ô tô, nhà công vụ… tràn lan. Tôi nghĩ tất cả các việc chi tiêu này cần phải có phương án tái cơ cấu lại, phải tái cơ cấu nguồn chi ngân sách.
 

Ngân sách hiện nay không đủ tiền để đảm bảo tăng lương cho bộ máy, bội chi đang ngày càng tăng thì việc lấy tiền ngân sách ra để xử lý nợ xấu cho DNNN là bước đi không đúng, không thuyết phục


 

- Cụ thể theo ông, trong điều kiện hiện nay, cần đầu tư ngân sách vào đâu, như thế nào để đạt hiệu quả?

Tôi cho rằng chúng ta cần phải chọn lọc, đầu tư và các dự án xây dựng có hiệu quả nhất, có thể hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng, hoạt động để có được của cải, có được tác động kinh tế xã hội ngay lập tức thì. Phải cương quyết loại bỏ những đề án không hiệu quả. Chúng ta phải tiết kiệm, chi tiêu cho phù hợp với khả năng ngân sách và khả năng của nền kinh tế hiện nay. 

Thực tế, việc chi tiêu hiện nay còn quá ư lãng phí. Cần tiết kiệm từ những khoản chi nhỏ nhất, như chiếc phong bì trong hội nghị, rồi các khoản này này khác cho bộ máy công quyền. Làm sao để chi tiêu ngân sách thực sự phục vụ người dân và có hiệu quả.

- Ví dụ mới đây chúng ta đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng, giao thông, … và đó có thể được đánh giá là hướng đầu tư hiệu quả?

Không phải dự án giao thông nào đầu tư cũng hiệu quả hết. Theo tôi cần phải có sự rà soát lại, ví dụ như bây giờ cái dự án cảng biển, các dự án hàng không, sân bay… những dự án nào thực sự hiệu quả thì mới làm. 

Thực tế, như tôi được biết, giờ có sân bay mỗi ngày chỉ có một chuyến bay, thế mà cũng đầy đủ tất cả các trang thiết bị, bộ máy soi, an ninh… thì như vậy quá lãng phí, không hiệu quả

Lan Uyên(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn