Trần Kim Phượng (sinh năm 1994, quê Quảng Ninh) hiện là chuyên viên phân tích dữ liệu mảng phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên tại Đại học Queensland, thành phố Bribane, Úc. Bên cạnh công việc này, cô cũng định hướng giúp các du học sinh Việt Nam chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân.
Là một nữ sinh theo ban tự nhiên, phát âm “hello” còn chưa chuẩn, Phượng không bao giờ nghĩ sẽ có cơ hội đi du học. Cuộc đời bắt đầu rẽ hướng khi cô thiếu 0,5 điểm để đỗ khối A ngành Tài chính và phải học khối D ngành Quản trị Kinh doanh của Đại học Kinh tế Quốc dân.
“Theo học chương trình mà hầu hết các bạn đều giỏi tiếng Anh, tôi thấy rất tự ti. Thậm chí, tôi còn bị xếp vào lớp học bổ túc vì trình độ tiếng Anh quá kém”, nữ sinh kể lại.
Việc học khối D buộc Phượng phải cố gắng học tiếng Anh để không bị thua kém bạn bè. Chỉ trong 2 năm đầu đại học, từ con số 0, cô đã đạt tới trình độ IELTS 6.0.
Phượng cũng giành được một suất đi trao đổi sinh viên ở Nhật Bản khi đang là sinh viên năm thứ hai. Chuyến đi có sự tham gia của sinh viên các nước trên thế giới, giúp Phượng có cơ hội trò chuyện, học tập và giao lưu văn hóa bằng tiếng Anh. Kết thúc chuyến đi, cô bắt đầu nuôi giấc mơ du học.
Do gia đình không có điều kiện tài chính nên việc du học tự túc là ngoài tầm với của cô. Vì vậy, cô nhắm vào các học bổng chính phủ hoặc các học bổng toàn phần cả học phí và sinh hoạt phí. Những loại học bổng này đều yêu cầu ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc nên 9x không vội nộp hồ sơ ngay.
Sau khi tốt nghiệp đại học với điểm GPA 3.76/4.0 và IELTS 8.0, cô làm việc trong lĩnh vực marketing tại một tập đoàn đa quốc gia, tiếp đó là lĩnh vực bản quyền trí tuệ và giáo dục do Liên minh châu Âu và Úc tài trợ.
Năm 2019, Phượng lên đường du học thạc sĩ theo suất học bổng toàn phần ngành International Business của Đại học Melbourne. Song song với đó, cô tự học thêm về phân tích dữ liệu do có niềm yêu thích với các con số.
Nhờ sở hữu nhiều kỹ năng và thành tích học tập tốt, ở học kỳ hai năm nhất, cô được nhận vào làm bán thời gian tại trường ở vị trí chuyên viên phân tích dữ liệu với mức lương cao. Cùng với đó, 9x được nhiều công ty mời về làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.
“Biết ngành International Business tại Úc rất khó xin việc nên tôi đã tự mày mò học thêm về phân tích dữ liệu. Dù không có bằng học thuật về ngành này nhưng tôi nhận được nhiều lời mời làm việc. Đây là kết quả từ việc xác định được thế mạnh của bản thân, tìm hiểu kĩ lưỡng thị trường việc làm, sở hữu một hồ sơ chỉn chu”, Phượng nói.
Muốn thử thách bản thân, Phượng gửi hồ sơ xin việc đến nhiều công ty, tổ chức tại Úc, trong đó có Đại học Queensland và Apple. Sau khi làm việc tại Đại học Queensland một thời gian, cô mới nhận được email “bật đèn xanh” từ Apple. Phượng từ chối lời mời của tập đoàn công nghệ nghìn tỷ.
Vài tuần sau, Apple tiếp tục gửi lời mời đến 9x Việt với mức lương hấp dẫn hơn, song cô vẫn kiên định với công việc tại trường đại học.
“Tôi từ chối Apple vì muốn làm trong lĩnh vực giáo dục, tạo giá trị cho cộng đồng. Ngoài làm việc tại trường đại học, tôi giúp đỡ, hỗ trợ cho các em sinh viên. Bởi rất có thể chính những sinh viên này sẽ là những người lãnh đạo có tầm ảnh hưởng trong tương lai”, Phượng chia sẻ về lý do từ chối Apple.
Theo Phượng, dù là xin học bổng hay xin việc, ứng viên đều cần đặt yếu tố phù hợp lên hàng đầu. Cô cho rằng các học bổng hay bất cứ công việc nào đều không tìm kiếm ứng viên giỏi nhất mà là người phù hợp nhất.
“Khả năng nắm bắt cơ hội và hoạch địch chiến lược là những kĩ năng bạn có thể dùng sự cố gắng của mình để hoàn thiện theo thời gian. Thế nên, đừng từ bỏ bất cứ cơ hội nào chỉ vì có quá nhiều người giỏi hơn hay có hồ sơ ‘khủng’ hơn bạn”, 9x nói.
Bình luận