Việc sử dụng tai nghe khi lái xe sẽ khiến chúng ta giảm hoặc mất khả năng nghe được các âm thanh từ môi trường, trong đó có các tín hiệu giao thông từ xe khác. Tuy nhiên trên đường, chúng ta dễ dàng chứng kiến hành vi này. Thực tế đó khiến nhiều người băn khoăn rằng theo quy định pháp luật thì có được đeo tai nghe khi lái xe, hành vi này có bị phạt không và mức phạt thế nào.
Có được đeo tai nghe khi đang lái xe?
Theo Điểm c Khoản 3 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển xe môtô hai bánh, môtô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính khi tham gia giao thông. Như vậy, việc sử dụng tai nghe khi điều khiển phương tiện giao thông được xem là hành vi vi phạm.
Cũng theo quy định tại Điểm h Khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tai nghe khi điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe môtô, xe gắn máy.
Bên cạnh hình phạt tiền, người điều khiển xe sử dụng tai nghe còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Ngoài ra, Nghị định 100/2019/NĐ-CP không có quy định xử phạt đối với người điều khiển ô tô sử dụng tai nghe hay thiết bị âm thanh. Điều này có nghĩa hành vi sử dụng tai nghe khi điều khiển ô tô không vi phạm pháp luật và không bị xử phạt.
Về thẩm quyền xử phạt, theo quy định tại Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi đeo tai nghe khi điều khiển xe môtô, xe gắn máy thuộc về:
- Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt trong phạm vi quản lý của địa phương mình.
- CSGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu đeo tai nghe quá lâu?
Các bác sĩ khuyên nên tuân theo quy tắc 60 - 60 để sử dụng tai nghe an toàn, có nghĩa là 60% âm lượng cho mỗi 60 phút nghe. Phá vỡ quy tắc này, chúng ta có thể gặp phải cảm giác quay cuồng, buồn nôn, thậm chí dẫn đến rối loạn giấc ngủ.
Dưới đây chỉ là những tác động về cơ thể nếu chúng ta sử dụng tai nghe quá lâu và thường xuyên.
Đau đầu
Việc đeo tai nghe quá lâu khiến tai và đầu chịu áp lực âm thanh trong thời gian dài. Thói quen đeo tai nghe thường xuyên cũng có thể làm trầm trọng thêm chứng đau nửa đầu nếu bạn mắc phải.
Suy giảm thính lực
Sử dụng tai nghe thường xuyên là một trong những nguyên nhân khiến thính lực bị suy giảm nhanh chóng.
Tắc ráy tai
Tai nghe ngăn ráy tai thoát ra khỏi ống tai một cách tự nhiên. Ráy tai bị tắc nghẽn dễ dẫn đến nhiễm trùng tai. Hơn nữa, tai nghe hoạt động giống như tăm bông, có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn trong ống tai, dẫn đến đau tai và chóng mặt.
Chóng mặt
Điều này xảy ra khi tai của bạn thường xuyên bị bịt kín. Bạn sẽ gặp phải cảm giác quay cuồng, mất thăng bằng, ảo giác và thường đi kèm với buồn nôn, chóng mặt.
Ảo thanh
Nếu đeo tai nghe quá lâu, bạn có thể xuất hiện cảm giác ù tai khó chịu, thậm chí nghe thấy tiếng chuông, tiếng lách cách, tiếng vo ve, tiếng rít hoặc tiếng gầm rú trong tai... dù thực tế xung quanh hoàn toàn im lặng.
Các nhà khoa học cho biết, tình trạng này không có cách chữa trị, nhưng có thể được ngăn chặn bằng cách giảm thời gian sử dụng tai nghe và giảm âm lượng khi sử dụng.
Các vấn đề về da
Theo các chuyên gia y tế, việc thường xuyên đeo tai nghe trùm tai và sử dụng nó khi làm việc gây đổ mồ hôi sẽ tạo điều kiện cho hàng ngàn vi khuẩn sinh sôi, có thể dẫn đến mụn trứng cá và gây nhiễm trùng da.
Ngoài ra, nếu sử dụng nút tai nghe thông thường, dầu tiết ra quá mức từ bên trong tai sẽ tích tụ, tạo thành nơi trú ẩn cho vi khuẩn gây ra mụn nhọt ở tai.
Bình luận