Chuyện xưa Hồ Gươm

Chuyện bốn phươngThứ Ba, 10/10/2023 14:00:00 +07:00
(VTC News) -

Ôn chuyện cũ Hồ Gươm, nhớ lại một thời mất nước tủi nhục khi tượng “bà đầm xòe” được thực dân Pháp đặt trên Tháp Rùa, ta càng hiểu giá trị to lớn của độc lập, tự do.

Ít người Hà Nội ngày nay biết được rằng chính thực dân Pháp là kẻ đã phá hủy cảnh quan Hồ Gươm cổ của Hà Nội. Chúng đã 2 lần kéo quân đánh chiếm Hà Nội. Lần đầu vào ngày 20/11/1873 khiến Tổng đốc Nguyễn Tri Phương thất bại, bị thương nặng, bị bắt rồi tuẫn tiết. Lần thứ hai vào ngày 25/4/1882 và kết quả thành Hà Nội cũng nhanh chóng thất thủ.

Tổng đốc Hoàng Diệu đã thắt cổ tự vẫn dưới một cái cây trước Võ Miếu tại góc tây nam thành, nay đã bị Pháp phá hủy cùng thành Hà Nội (đầu phố Chu Văn An, trước mặt trụ sở Bộ Ngoại giao ngày nay).

Kết quả là triều đình nhà Nguyễn đầu hàng, ký hiệp ước 1884 công nhận sự bảo hộ của Pháp trên toàn cõi Đại Nam (tên nước ta thời đó). Ngay sau đó, viên công sứ đầu tiên của Hà Nội là Bonnal bắt tay vào việc cải tạo Hồ Gươm bằng cách làm một con đường to chạy quanh hồ vốn lúc đó đầy ao tù, nhà lá, cống rãnh.

Sau đó, ông ta cho phá chùa Báo Ân ở ngay sát mép hồ (nay là khu đất của Bưu điện Bờ Hồ). Chùa còn có tên là Sùng Hưng, do Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Đăng Giai quyên tiền xây năm 1848, có tới 36 tòa nhà, chính điện xây giữa hồ sen, nên còn gọi là chùa Liên Trì. Chùa có nhiều chuông, cổng và tháp nhưng dấu tích duy nhất còn lại ngày nay là tháp Hòa Phong ngay mép hồ. 

Trên Tháp Rùa ở giữa Hồ Gươm, người Pháp cho đặt một phiên bản thu nhỏ của tượng Nữ thần Tự Do mà dân Hà Nội thường gọi là tượng bà đầm xòe. Trước khi được đặt trên đỉnh Tháp Rùa, nó được dựng ở vườn hoa trước Ngân hàng Đông Dương, tức vườn hoa Chí Linh, nơi đặt tượng đài Lý Thái Tổ bây giờ.

Trên Tháp Rùa ở giữa Hồ Gươm, năm 1891, thực dân Pháp cho đặt phiên bản thu nhỏ của tượng Nữ thần Tự Do mà người dân Hà Nội gọi là bà đầm xòe. (Ảnh tư liệu)

Trên Tháp Rùa ở giữa Hồ Gươm, năm 1891, thực dân Pháp cho đặt phiên bản thu nhỏ của tượng Nữ thần Tự Do mà người dân Hà Nội gọi là bà đầm xòe. (Ảnh tư liệu)

Ngày 14/7/1890 - ngày Quốc khánh Pháp, chính quyền Pháp tại Đông Dương quyết định dựng tượng Paul Bert (Tổng trú sứ dân sự đầu tiên ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ) thế chỗ tượng bà đầm xòe ở vườn hoa trên, vì vậy vào năm 1891, "bà" được chuyển lên nóc Tháp Rùa, mặt quay về phía bức tượng Paul Bert đứng xòe tay che cho một người An Nam bé nhỏ ngồi dưới chân.

Năm 1896, tượng bà đầm xòe được chuyển về đặt tại Quảng Văn đình hay vườn hoa Neyret (nay là vườn hoa Cửa Nam), nơi nhà Nguyễn cho dân tụ họp để nghe giảng về các chủ trương, thông báo của triều đình.

Ngày 1/ 8/1945, ông Trần Văn Lai, Thị trưởng Hà Nội trong chính phủ Trần Trọng Kim, đã cho giật đổ cả hai bức tượng. Năm 1952, tượng bà đầm xòe bị nấu chảy để đúc thành pho tượng phật A-di-đà nặng khoảng 10 tấn trong chùa Ngũ Xã hiện nay.

Dạo quanh Hồ Gươm, nhớ lại lịch sử của nó, ta nhớ lại một thời mất nước đầy tủi nhục và đau thương khi dưới chân tượng Nữ thần Tự do, thực dân Pháp đã chém đầu các nhà yêu nước thuộc phong trào Cần Vương. Nếu không hiểu lịch sử, ta sẽ không thấy được giá trị to lớn của độc lập, tự do mà cha ông ta đã đổ bao máu xương mới có được.

Đặng Đình Cung
Bình luận
vtcnews.vn