• Zalo

Chuyện về 2 ngư dân đặc biệt nhất Việt Nam

Thời sựThứ Sáu, 24/02/2012 06:36:00 +07:00Google News

(VTC News) - "Tôi già rồi, lại mù nữa nhưng vào những ngày nắng ấm, một tuần mà không ra biển thì tôi không ngủ được", ông Khư tâm sự.

(VTC News) -  "Tôi già rồi, lại mù nữa nhưng vào những ngày nắng ấm, một tuần mà không ra biển thì tôi không ngủ được", ông Khư tâm sự.

Đứa con khiếm thị của biển cả

Về làng biển thuộc xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) không khó khăn gì để hỏi hai lão ngư có hoàn cảnh rất đặc biệt: bị mù cả hai mắt.
Dù ông Dương Văn Khư (trú tại thôn Thanh Bình) đã 76 tuổi và ông Lê Hận (trú tại thôn Xuân Hòa) cũng đã bước qua tuổi 66, những kỷ niệm về một thời tuổi trẻ gắn liền với biển và những vui buồn, hiểm nguy trong đời ngư nghiệp vẫn không thể mờ phai trong tâm trí.
Chúng tôi gặp ông Khư trong một nhóm vừa mới đi biển về, làn da ngăm đen như những con người làng biển khác, người gân guốc nhưng vẫn toát lên sự khỏe mạnh, tinh tường.

Ông Khư cùng những ngư dân sau một chuyến ra khơi trở về 

Ông bị mù cả 2 mắt sau khi bị đau mắt đỏ khi vừa 9 tuổi. Nhà nghèo không có tiền chữa bệnh nên cũng từ đó quanh ông chỉ là bóng tối.

Thế nhưng không chịu đầu hàng số phận, hằng ngày ông mò mẫm tìm đường ra biển. Mỗi khi có thuyền cá về, ông lân la hỏi chuyện và tay thì lần gỡ những con cá mắc lưới giúp các ngư dân khác.
Dần dần, ông được bạn bè cho đi theo thuyền ra biển, trên thuyền ông giúp họ những việc như kéo lưới, gỡ cá, nấu cơm. “Nghề biển của tui cũng bắt đầu từ đó…” – ông tâm sự.
Giờ đây với tuổi 76, hiện ông Khư không còn đủ sức đi đánh bắt xa nữa, nhưng ông vẫn đi thuyền thúng (là một loại thuyền có kích thước nhỏ, hình tròn) để đánh bắt gần bờ cùng ai đó hoặc khi có người ngoài khơi vào bờ là ông đến kéo thuyền, kéo lưới, gỡ cá giúp cho đỡ buồn.
Còn với ông Hận, 40 năm nghề biển của ông bắt đầu từ trên chiếc thuyền của người cha, ông cùng cha 'chinh chiến' ngoài khơi để kiếm tiền nuôi sống gia đình. “Thuyền của cha con tui về khi nào cũng đầy ắp tôm, cá không thua kém gì các thuyền khác” - Ông Hận vui vẻ cho biết.
Những ngày biển động, có thời gian nghỉ ngơi là ông lại ngồi đan, vá lưới cùng vợ con. Nhìn vào đôi tay thoăn thoắt, từng động tác chính xác của ông không ai có thể ngờ được ngồi trước mắt mình là một người không còn nhìn thấy ánh sáng.

Với hơn 35 năm ngang dọc các vùng biển trên cả nước từ Ninh Thuận đến Thanh Hóa, giờ đây ông Hận chỉ cầm mảnh lưới vừa đánh trên tay là có thể biết cá nằm ở phần nào của lưới. Đôi tay ông khi quăng lưới xuống nước là có thể cảm nhận được luồng nước, biết độ sâu, hướng gió, từ đó ông có thể biết được luồng cá, nghe mùi nước biển là có thể biết biển sắp động hay không …

Khi đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, con người ta phải đối diện sự cô độc của chính mình. Thế nhưng 2 ông đã vượt lên số phận, bám biển để nuôi sống bản thân và gia đình. 

Ông trời không bao giờ lấy đi của con người tất cả, với triết lý sống ấy nên vượt qua sự oan nghiệt của số phận, hai lão ngư mù vẫn cần mẫn bám biển lao động để nuôi sống bản thân và gia đình. Đôi mắt không còn nhưng còn đôi tai, còn ý chí và nghị lực quyết tâm.

Ông Hận kể, với đôi tai của mình ông có thể nghe được từng đàn cá đang bơi dưới biển. Cá, tôm ở môi trường biển thường đi theo đàn với số lượng rất lớn, vì vậy ông đã rèn luyện cho mình thính giác cực kỳ nhạy để có thể phát hiện các đoàn cá lớn. 

Khi rãnh rỗi ông lại cùng đi với các thuyền đánh cá lớn để chỉ vẽ luồng cá, luồng ruốc cho cho những người mới vào nghề, ai mà mời được ông thì lúc về thường sẽ đầy ắp cá.

Những ký ức về biển

Với kinh nghiệm hàng chục năm đi biển, biển là nguồn sống suy nhất nhưng đôi lúc biển bạc bẽo đẩy con người vào hoàn cảnh “thập tử nhất sinh”.
Ông Khư cho biết, ông không bao giờ quên được chuyến đi biển năm 1991. Khi đang trên đường trở lại bờ, thuyền của ông gặp một cơn sóng lớn hất tất cả những người trên thuyền xuống biển.

Xung quanh ông chỉ là bóng tối và nước, ông vật lộn vô vọng rồi kiệt sức. Thế nhưng ông may mắn được những người đi cùng cứu thoát. Tưởng chừng sẽ không bao giờ ra biển sau tai nạn kinh hoàng đó nhưng ra khơi đã là nghiệp và ông lại tiếp tục.
Trong chiến tranh chống Mỹ, ông cùng các chàng trai làng biển khác bất chấp bom đạn của kẻ thù, vẫn một lòng bám biển đánh bắt thủy sản để phục vụ cho tiền tuyến. “Thời đó không chỉ sợ sóng to gió lớn mà còn sợ cả bom đạn kẻ thù, vì vậy sự sống và cái chết mong manh lắm" – ông Khư kể.

Ông Hận kể về những ký ức trên biển 

Ông Hận thì không thể quên được chuyến ra khơi ấy cùng cha, sau khi đánh được một mẻ cá lớn, trên đường trở vào đất liền chỉ còn vài km thì trời nổi gió, mây mù kéo đến, biển cũng nổi sóng dữ dội.

Cố giữ thăng bằng cho thuyền đi được gần mấy trăm mét nữa thì một con sóng to từ xa ập đến, nhấn chìm thuyền. “Tui cùng cha cố bơi vào bờ, kiệt sức nhưng may mắn bị sóng đánh dạt vào bờ nên thoát chết".
Với ý chí quyết tâm vượt qua số phận, ông đã có được bến đỗ cuộc đời, ông sống hạnh phúc cùng vợ và 5 người con, hiện cũng nối nghiệp ông trở thành những chàng trai chinh phục biển cả.
Dù mù lòa nhưng ông Khư, ông Hận đã cho thấy một ý chí quyết tâm sắt đá vì tổ quốc, vì cuộc sống, quê hương. 
“Dù đã 76 tuổi nhưng một tuần mà không ra biển là tui không thể ngủ được”, ông Khư tâm sự với chúng tôi trước lúc chia tay.

Tâm Huyền
Bình luận
vtcnews.vn