Hãng tin JIJI Press của Nhật vừa đăng tải bài viết của Giáo sư Tsuboi về “Chúa đảo” Tuần Châu - Đào Hồng Tuyển sau khi hai người có cuộc hội ngộ trước Tết Nguyên đán.
“Trước Tết Nguyên đán, tôi nhận lời của Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, về việc hỗ trợ Quảng Ninh trở thành một đầu tàu của phía Việt Nam trong hoạt động hợp tác Nhật - Việt, giúp tỉnh trở thành một 'Hội An của thế kỷ 21'. Nhân dịp này, tôi đã có cơ hội gặp ông Đào Hồng Tuyển (58 tuổi), Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu.
Chủ tịch Đào Hồng Tuyển chính là người đã đứng ra quyên góp 1 triệu đô la ủng hộ các nạn nhân trong thảm họa ngày 11/3 ở Nhật. Tôi cũng nghe nói ông còn hỗ trợ học phí cho những trẻ em đã mất cha mẹ do sóng thần. Vì lý do đó, tôi từng mong muốn trong thời gian làm việc ở Việt Nam được gặp ông một lần với tư cách cá nhân để nói lời cảm ơn tới ông.
Thực lòng, tôi hiếu kỳ không biết ở một nước nghèo như Việt Nam thì một người có thể quyên góp ngay 1 triệu đô la là nhân vật như thế nào. Thật trùng hợp, một người bạn thân người Việt của tôi đang sống ở Hà Nội lại kết giao rất thân với ông Tuyển. Chính vì thế, khi biết tôi sẽ đi thăm Quảng Ninh, người bạn này đã sắp xếp cho tôi một buổi gặp gỡ với ông.
Ông Đào Hồng Tuyển trao 1 triệu USD ủng hộ nạn nhân thiên tai Nhật Bản. |
Qua câu chuyện với ông Tuyển, tôi được biết rằng năm 14 tuổi, khi đất nước đang trong giai đoạn chiến tranh, ông Tuyển đã đăng ký tham gia vào hải quân. Ông làm thuyền viên trên tàu vận chuyển vũ khí đạn dược và hàng tiếp tế cho Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam từ Bắc vào Nam (gọi là tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển). Đến trước khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, ông Tuyển đã nhiều lần theo tàu chở hàng bí mật xuất phát từ vịnh Hạ Long đến mũi Cà Mau rồi quay về Đà Nẵng, vượt qua sự kiểm soát của quân đội Mỹ và quân đội miền Nam Việt Nam. Tình thế lúc đó rất nguy hiểm vì tàu được cải trang thành tàu chuyên chở tư nhân nên nếu bị phát hiện sẽ bị bắn chìm ngay.
Chiến tranh kết thúc khi ông Tuyển mới 17 tuổi. Sau đó, ông vào làm trong một nhà máy chế biến sắt vụn. Trong thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh, Việt Nam rất thiếu sắt thép nên những sản phẩm sắt thép được tái chế từ sắt vụn bán rất chạy. Ông Tuyển khi đó đã phát huy tài năng kinh doanh của mình để trở thành một người giàu có, rồi bắt tay vào những công việc có ích cho đất nước và xã hội.
Ông đã đầu tư vào bất động sản, phát triển khu du lịch, xây dựng khu đô thị mới và khai thác các kim loại quý. Hơn 40 tuổi, ông đã có trong tay một gia sản khổng lồ và trở thành một trong một số ít những người giàu có của Việt Nam. Ngoài ra ông cũng được biết đến như một nhà hoạt động xã hội có nhiều hoạt động quyên góp từ thiện với số tiền lớn.
Ông Tuyển cho biết, ông nghe được tin về thảm họa ngày 11/3 của Nhật lúc ô tô của ông đang chạy trên cầu Bãi Cháy ở tỉnh Quảng Ninh. Ông chợt nhớ ra đây là cây cầu được xây dựng bằng vốn ODA của Nhật Bản.
Ông Tuyển nói rằng, Nhật Bản chính là nước đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của Việt Nam. Từ trong tâm, ông đã nghĩ cần phải làm gì đó để hỗ trợ và cũng là để trả ơn cho họ. Ngay lập tức, ông liên hệ với Hội Hữu nghị Việt - Nhật và đề nghị được quyên góp 1 triệu đô la. Sau đó, ông nhận được hồi âm từ Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam, và được yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản.
Ông làm thế vì không thích bị đàm tiếu là sử dụng hành động thiện nguyện để đánh bóng tên tuổi. Ông Tuyển nói với vẻ trầm ngâm: “So với những gì Nhật Bản đã hỗ trợ cho Việt Nam thì 1 triệu đô la chỉ là một số tiền ít ỏi, tôi thật sự ngạc nhiên về hiệu ứng mà số tiền này đem đến”.
Sau thảm họa 11/3, rất nhiều câu chuyện về trận động đất ở phía Đông Nhật Bản được đưa tin ở Việt Nam. Ông Tuyển cho biết, ông rất cảm động khi nghe về những nỗ lực vượt qua nỗi đau mất mát quá lớn về người và tài sản của các nạn nhân Nhật Bản. Sau khi nghe kể về những nỗ lực vượt nghịch cảnh của những em học sinh cấp 2 bị mất cha mẹ do sóng thần ở thành phố Ishinomaki, ông đã đề nghị được hỗ trợ 50.000 đô la tiền học phí cho các em.
Con đường dài 2,5 km nối đảo Tuần Châu với đất liền. |
Ở Việt Nam, nhiều người mới giàu thường có xu hướng dùng tiền để tiêu dùng xa xỉ cho bản thân và gia đình mình. Vì thế, tôi cảm thấy rất ấm lòng khi biết được vẫn còn có những người dùng tiền mình kiếm được để giúp đỡ những người nghèo khó như ông Tuyển.
Đồng thời, tôi cũng rất vui khi biết được người dân Việt Nam đánh giá rất cao những đóng góp của Nhật Bản thông qua những hoạt động hỗ trợ ODA của JICA. Bản thân tôi nhiều năm làm việc ở Việt Nam cũng không khỏi nhiều lần đặt câu hỏi tại sao Nhật Bản cần phải dùng nhiều tiền như vậy để tiếp tục hỗ trợ ODA cho một nước vẫn còn tồn tại tình trạng lãng phí và vấn nạn tham nhũng như vậy. Tuy nhiên, khi nhìn thấy cách sống của Chủ tịch Đào Hồng Tuyển, tôi đã hiểu ra rằng, nếu ta làm việc với thành ý thì ở đâu cũng sẽ có người hiểu cho chúng ta. Nghĩ đến đây, tôi cảm thấy lòng mình ấm áp hơn rất nhiều...”.
Theo Pháp luật Việt Nam
Bình luận