• Zalo

Chủ vườn mai bạc tỷ thu phí chụp ảnh để giữ cây

Kinh tếThứ Bảy, 09/02/2013 01:30:00 +07:00Google News

Chủ nhân những cây mai giá trị hàng trăm triệu nghĩ ra cách thu tiền chụp ảnh chỉ để ngăn những người thiếu ý thức không phá mai của mình.

Chủ nhân những cây mai giá trị hàng trăm triệu nghĩ ra cách thu tiền chụp ảnh chỉ để ngăn những người thiếu ý thức không phá mai của mình.

Những ngày giáp tết, người đi tham quan chợ hoa xuân Qúy Tỵ tại công viên 23 Tháng 9 (Q.1, TP.HCM) sẽ thấy một tấm bảng “lạ” của nghệ nhân Cao Văn Phương đòi thu tiền “phí” chụp ảnh 20.000 đồng/lần với những người muốn chụp ảnh với vườn mai của ông. Nhiều người tỏ ra không hài lòng khi công viên là nơi công cộng và những chủ vườn mai khác không đòi thu tiền chụp ảnh với mai như ông Phương.

Nghệ nhân Phương: "Bất đắc dĩ lắm tôi phải đặt tấm bảng này vì mai bị những người chụp ảnh thiếu ý thức phá".  
 
Giải thích về điều này, ông Phương cho biết: “Với những khách chụp ảnh với mai của tôi có ý thức giữ gìn mai thì tôi không nói, họ muốn chụp bao nhiêu cũng được. Tuy nhiên có một số khách khác lại hay nắm nhánh, ngắt nụ, hái hoa trong khi chụp ảnh làm ảnh hưởng đến mai nên tôi thấy xót mai quá”.
 
Vườn mai của nghệ nhân Phương đem đến chợ hoa xuân là những cây mai rất đắt tiền, trong đó có cây mai “lập kỷ lục” về giá với mức 1,5 tỷ đồng cùng nhiều cây mai cổ thụ khác giá hàng trăm triệu đã thu hút nhiều khách đến tham quan, chụp ảnh. Để có được một cây mai quý như trên, nghệ nhân Phương phải đầu tư nhiều tâm huyết, công chăm sóc, dưỡng cây và tạo thế rất lâu.
 
Nghệ nhân Phương chia sẻ: “Với một số người thì vài cái nụ, mấy cái hoa hay một cánh nhỏ không là gì nhưng với người nghệ nhân thì đó như một cái tát. Để có cây mai đẹp và “độc” phải đầu tư nhiều công sức, tâm huyết nên thấy người chụp ảnh phá mai, bẻ nhánh thì ai mà không xót”.
 
Thế là ông Phương nghĩ ra “chiêu độc” trưng bảng thu tiền phí chụp ảnh với mai của ông như trên. Ông Phương cho biết, dù để tấm bảng như trên nhưng ông không hề thu của ai một đồng nào cả, nó chỉ để hạn chế bớt số người đến chụp ảnh với vườn mai, giảm thiểu ảnh hưởng tác động của khách đối với mai.

Sau khi có tấm bảng, khách đến chụp ảnh ít hơn hẳn và có ý thức hơn 

Và “chiêu độc” của ông Phương có hiệu quả rõ rệt khi số lượng người đến chụp ảnh giảm bớt rõ rệt, một số người khác đến chụp ảnh cũng có ý thức giữ gìn mai hơn.

Theo Trường Nguyên/Infonet

Bình luận
vtcnews.vn