Nếu HLV Toshiya Miura chịu học tiếng Việt thì ông sẽ là người đầu tiên trong lịch sử các đội tuyển bóng đá nam làm điều đó.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng mới đây nói là ông đã gợi ý cho ông Miura đi học tiếng Việt. Và nhiều người hâm mộ cũng hỏi ông Miura có định học tiếng Việt không trong mấy cuộc ông trả lời trực tuyến trên các báo điện tử.
Nó gợi nhớ lại việc các HLV ngoại từng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam chưa có ai được coi là biết nói tiếng Việt.
HLV Miura liệu có cố học tiếng Việt? |
"Ối giời ơi", rồi ôm đầu, rồi ngoắc tay gọi phiên dịch tới và sau đó tuôn một tràng tiếng Anh, ông Alfred Riedl khi còn huấn luyện đội tuyển Việt Nam thường nói và hành động như thế. "Ối giời ơi" là một trong hai câu và từ tiếng Việt mà ông Riedl sử dụng trên sân. Từ kia là "tốt".
Còn những từ ông đôi khi hay dùng với mọi người trong cuộc sống chỉ là "xin chào", "cảm ơn" và "khỏe không". Nhiều người nước ngoài chỉ cần sang Việt Nam vài ngày cũng sẽ nhớ được mấy từ này bên cạnh vài câu "em đẹp lắm", "anh yêu em" nhờ được ai đó chỉ dạy giống như một trò đùa. Nó không đủ để được coi là một người nước ngoài biết nói tiếng Việt.
Ông Riedl gắn bó với bóng đá Việt Nam cỡ nào hẳn nhiều người không lạ. Ông từng 3 lần đến Việt Nam, làm HLV các đội tuyển trong quãng thời gian tổng cộng chừng sáu năm. Trong người ông có một quả thận của người Việt. Ông luôn có vợ ở bên cạnh và thi thoảng lại đón đứa con trai hay họ hàng bên vợ sang Việt Nam du lịch.
Video hành trình của HLV Miura với bóng đá Việt Nam
Ông Henrique Calisto đến Việt Nam sau ông Riedl. Nhưng ông ở lại đây trong quãng thời gian lâu hơn và liên tục, suốt từ năm 2000 cho tới 2009.
Ông Calisto thậm chí còn làm rất nhiều nghề và chơi rộng hơn ông Riedl. Ông làm môi giới cầu thủ cho các CLB Việt Nam, ông đi buôn gạo với lập luận "thế giới ngày một đông hơn còn đất trồng gạo ngày một ít đi". Ông bảo ông có số điện thoại của nhiều ngôi sao giải trí trong đó có Đàm Vĩnh Hưng.
Nhưng các cầu thủ từng gắn bó với ông ở Đồng Tâm Long An (ĐTLA) bảo ông chỉ bập bẹ được vài từ tiếng Việt. Ông Ngô Lê Bằng từng làm phiên dịch cho ông Calisto ở đội tuyển có lần kể ông thày người Bồ cũng vài lần thử nói, nhưng ông phát âm tiếng Việt kỳ khôi quá nên thôi.
Chuyện về 2 HLV kể trên như vậy có lẽ cũng đủ để nói rằng họ không học tiếng Việt chỉ vì thách thức từ việc học tiếng Việt là khá lớn trong khi tiếng Việt vốn đã không phải là ngôn ngữ quốc tế lại càng không hữu dụng đối với sự nghiệp của những HLV đi hành nghề trên khắp thế giới.
Và nó cho thấy nếu một HLV ngoại nào đó cắp sách đi học hay mời gia sư về dạy tiếng Việt sẽ là điều đặc biệt. Nó có thể nằm trong những trường hợp được suy luận rằng những người nước ngoài nếu học tiếng Việt thì hẳn là họ yêu Việt Nam, muốn gắn bó.
Chắc cũng không thể sai nếu cho rằng lý do mà từ người hâm mộ cho tới ông Chủ tịch VFF muốn ông Miura đi học tiếng Việt cũng là như thế. Ông Miura nói ông có một kế hoạch đi học tiếng Việt – một tín hiệu đặc biệt chăng?
Nguồn: Thể thao văn hóa
Bình luận