• Zalo

Chốn tu tiên của 'cha đẻ' thần hổ, ma trành

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 28/07/2013 06:50:00 +07:00Google News

(VTC News) - Dân làng đồn đại rằng ông vào động tu tiên, vì thấy ông Tuấn thường ăn vận theo lối tráng sỹ, hiệp khách, lưng đeo trường kiếm dài lê thê.

(VTC News) - Dân làng đồn đại rằng ông vào động tu tiên, vì thấy ông Tuấn thường ăn vận theo lối tráng sỹ, hiệp khách, lưng đeo trường kiếm dài lê thê.


Kỳ cuối: Chốn tu tiên của “cha đẻ” thần hổ, ma trành


Chúng tôi tìm về quê “cha đẻ” những truyện kinh dị về thần hổ và ma trành, làng Ngọc Giáp cũ (huyện Quảng Xương, cách thành phố Thanh Hóa chừng 20km về phía nam). Đó là một ngôi làng nhỏ gần cửa biển Lạch Ghép, một vùng danh thắng địa linh nhân kiệt của xứ Thanh.

Hỏi thăm đường đến “động ông Tham Tuấn” ở núi Bồ, nhiều người dân trong làng ngơ ngác không biết lối. Hỏi ngôi chùa Dầu gần chân núi, nổi tiếng về cảnh đẹp, chỉ rất ít bà con biết rằng ngôi chùa đã bị phá từ lâu.

Nhưng rồi tại lối rẽ nhỏ, một cụ bà chừng gần 80 tuổi cười phô hàm răng đen nhánh, chỉ về phía ngôi trường tiểu học bên ngọn núi thấp, bảo: “Chỗ ngọn núi mồ côi ấy, đối diện cây đa và đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ, phía sau nhà Hùng ấy”.
thần hổ
Cỏ cây phủ lối vào động tiên của ông Đái Đức Tuấn
Chủ nhà Vũ Đình Hùng (50 tuổi) nhiệt tình mời khách vào nhà, rồi chỉ ra lối sau nhà. “Động tu tiên của ông Tham Tuấn ở đó”. Đi qua một chiếc giếng cổ, rồi vườn chuối um tùm cỏ mọc. Chặt cây vin cành, trèo lên vài vách đá thì thấy một chỗ lõm sâu vào vách núi, chỉ rộng như một chiếc tủ đá.

Xung quanh ngôi động rõ ràng có dấu vết xi măng từ xưa, được kiến tạo như ô cửa vuông, lối cửa sổ của ngôi động lớn. Lại loay hoay sang nhà bà Nguyễn Thị Nhanh (60 tuổi) để leo khắp động núi, chẳng thấy đâu nền bóng cũ động của người ôm mộng lớn, ông Đái Đức Tuấn, ở khi xưa.

Ông Hùng bảo: “Nhà tôi chuyển đến chân núi này từ năm 1973, có thấy gì nữa đâu ngoài cái tên động ông Tham Tuấn và cái hõm núi ấy. Năm 1975 nhà bà Nhanh chuyển đến, rồi mới đào phá núi phía trong lấy đất đá, khai hoang, nhưng chẳng có nhà cửa, hang động gì lớn đâu”.
thần hổ
Chút phế tích của "động ông tham Tuấn" 
Đành ngược về Hà Nội lần hỏi hồi ức của nhà văn Mai Ngọc Thanh (ngoài 80 tuổi). Khi ông Thanh tầm 8, 9 tuổi đã từng một lần được theo người lớn vào thăm động của ông Đái Đức Tuấn. Đó là vào năm 1944, khi ông Tham tá 34 tuổi đầy tương lai, danh vọng bỗng bỏ cả chức tước, về quê để đào núi xây động trên núi Bồ. 

Vợ ông Tuấn, vốn là một tiểu thư khuê các, hoa khôi của đất Thanh Hóa bấy giờ, cũng dắt díu về theo, hàng ngày vất vả leo núi phục dịch cơm nước cho ông mà không một lời thở than.
thần hổ
Nhà văn Mai Ngọc Thanh kể về những chuyện lạ lùng mà ông chứng kiến trong động ông Tham Tuấn 
“Tôi còn nhớ rất rõ cảnh tượng trong động của ông. Ánh đèn măng sông sáng trưng. Chính giữa đặt bộ bàn ghế gụ khảm trai kiểu Trung Hoa, bốn cái đôn đặt xen kẽ với ghế. Trên vách hậu của động, chỗ cao nhất gắn xác một con đại bàng. Sát ngay bên dưới là ảnh Quan Công cưỡi ngựa, hai bên treo nào là thương, đao, kích, chùy…”. 

“Cả huyện cả xã đều ngơ ngác, không hiểu tại sao lại có chuyện kỳ lạ đó. Không ai hiểu ông Tuấn nghĩ gì, suy tính gì mà lại có hành động ngông cuồng làm vậy?” – ông Thanh nói với chúng tôi tại căn nhà yên tĩnh của ông ở ngõ phố La Thành.
thần hổ
Yên bình làng Ngọc Giáp 
Dân làng đồn đại rằng ông vào động tu tiên, vì thấy ông Tuấn thường ăn vận theo lối tráng sỹ, hiệp khách, lưng đeo trường kiếm dài lê thê. Nhưng rồi ông lại chiêu mộ mấy chục thanh niên đến động, đêm ngày rèn luyện võ nghệ, thao dượt binh pháp. Người hiếu sự hỏi, ông chỉ bảo: “Mộ quân để đi đánh giặc ngoại xâm”. 

Có người viết thư cho ông, nói nhắn rằng nếu vì yêu nước, sao ông không xả thân ra sa trường, mà lui về tu luyện. Ông Tham ngông chỉ trả lời lại bằng bốn câu thơ: “A Man thuở trước tới Tần Cung/ Quan Tể cười rằng chú chạy rông/ Chim sẻ biết đâu lòng sếu nhỉ/ Trời trong đáy giếng chỉ bằng vung”.

Nay, người tu tiên và tiên cảnh không còn nữa. Chỉ thấy một ngọn núi nhỏ đất mùn nâu đỏ bị phá nham nhở. Nhà nông dân đã ở kề động tiên, rau muống, chuối tiêu chen lấn dần hết cỏ lau cây dại phiêu diêu…
thần hổ
Giếng nước ông Tuấn đào khi từ chức về quê ở ẩn 
Ấn tượng về ông Tẩy Xìa (chữ của nhà văn Vũ Bằng, trại từ bút danh TchyA) rất khác với những gì các nhà phê bình văn học cách mạng viết về Đái Đức Tuấn. Ngoài cái bút danh “Tây chẳng ra Tây, Tàu chẳng ra Tàu” nghe tức như bò đá, Vũ Bằng rất kính phục bậc đàn anh về con người và nhân cách.

Thời đó, có vẻ như các bút danh lạ như TchyA (người thì cho là “Tôi chưa yêu ai”, “Tôi chẳng yêu ai”…, người thì bảo “Tôi (Tuấn) chỉ yêu Angèle”) được mùa nở rộ. Họa sỹ Nguyễn Gia Trí thì ký là RIGT, họa sỹ Trần Quang Trân cũng có bút hiệu Ngym (“Người yêu mợ (mình)”)…

Nở rộ đến nỗi, ông vua phóng sự đất bắc Vũ Trọng Phụng phải “bực mình” mà đặt cho một nhân vật trong tác phẩm “Số đỏ” của mình là Tuýp-pờ-nờ (Typn: Tôi yêu phụ nữ).

Trong hồi ký “40 năm nói láo”, Vũ Bằng dành cho nhà văn Đái Đức Tuấn một tình cảm trân trọng, thân thương. Ông gọi Đái Đức Tuấn là ông Tẩy Xìa, chứ không phải là Ta Xia hay Tuấn nữa…

Bữa đó, hồi cả hai còn làm chung ở tờ báo Nhật Tân, Tẩy Xìa có kéo tay Vũ Bằng đến tiệm hút của chú Cắm trên phố Gia Ngư. Suốt đêm bẹp tai thì thầm với nhau như hai con ma núi Đại trong “Truyền kỳ mạn lục”, đến tầm 4 giờ sáng thì Vũ Bằng thấy giật mình lo sợ. 
thần hổ
Chốn "tu tiên" nay chỉ còn là phế tích 

Bởi nhẩm tính tiền túi thì chỉ còn chi trả được chừng hơn một nửa số thuốc thang đã dùng. Lại thấy Tẩy Xìa gọi chủ quán, kêu bằng mọi giá đi mua một phong thuốc hảo hạng vào lúc rạng sáng, giá đắt như vàng.

Nhưng, “Tẩy Xìa vừa bảo tên bồi píp đi mua thuốc, vừa quay vào bóng tối tháo chiếc nhẫn ma dê bự dúi vào tay nó... Sau này, nghĩ lại, tôi cứ nhớ mãi cái điệu bộ của Tẩy Xìa lúc bấy giờ: đương nằm hút, vùng ngồi dậy, rút cái nhẫn ở ngón tay thật lẹ rồi đưa rất kín cho tên bồi, vừa đưa vừa nói một giọng rất hách: “Đi kiếm cho kỳ được một hộp, nghe; về nhanh, ta có thưởng”.

Chỉ cóp nhặt lại đôi dòng về TchyA Đái Đức Tuấn, để thấy rằng, chất ngông trong con người tài hoa, phiêu bạt giang hồ, ôm mộng chí lớn, biết thêm chút ít về “cha đẻ” của ma trành và thần hổ, những nhân vật tưởng như hoang đường kỳ dị mà rất đời, ám ảnh hàng chục thế hệ độc giả bấy lâu nay…


Gia Linh
Bình luận
vtcnews.vn