• Zalo

Cho quảng cáo trên xe buýt: TP.HCM được lợi những gì?

Thời sựThứ Bảy, 14/06/2014 11:36:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nếu đề án cho phép quảng cáo trên xe buýt sớm được thực hiện, ngân sách TP.HCM sẽ giảm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm tiền trợ giá.

(VTC News) – Nếu đề án cho phép quảng cáo trên xe buýt sớm được thực hiện, ngân sách TP.HCM sẽ giảm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm tiền trợ giá cho xe buýt.

Mới đây nhất, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín vừa yêu cầu Sở Giao thông Vận tải và các Sở, ban ngành có liên quan của TP sớm hoàn thiện đề án cho phép quảng cáo trên thân xe buýt, để trình HĐND TP.HCM thông qua trong kỳ họp tháng 7 sắp tới.

Lãnh đạo TP yêu cầu, việc xây dựng quy chế quảng cáo trên xe buýt phải tuyệt đối không gây ra tình trạng phản cảm, màu sắc và hình thức phải phù hợp

Theo đề án "Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên phương tiện vận tải hành khách công cộng – quảng cáo bên ngoài thân xe buýt" do Sở Giao thông Vận tải TP.HCM làm đầu mối thực hiện, trước mắt, sẽ thực hiện thí điểm ở 12 doanh nghiệp vận tải xe buýt có trợ giá, với tổng số phương tiện tham gia vào khoảng trên 2.300 xe (trừ xe loại 12 chỗ ngồi).

Nguồn thu từ quảng cáo trên thân xe buýt dự kiến sẽ thu được khoảng 9.17% tổng số tiền trợ giá xe buýt năm 2013 của TP.HCM. Số tiền này sẽ được bổ sung vào ngân sách nhà nước, dùng để cải tạo và đổi mới diện mạo xe buýt trong tương lai của TP.HCM.

 Cho phép quảng cáo trên xe buýt sẽ góp phần giảm áp lực trợ giá cho xe buýt từ ngân sách (Ảnh: N.D)

Theo ông Tất Thành Cang – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, hiện trên toàn địa bàn TP có khoảng 3.000 xe buýt đang hoạt động. Nếu đề án này được đưa vào thực hiện, ngân sách sẽ có thể bổ sung khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm.

Cũng theo ông Tất Thành Cang, ngân sách TP.HCM trợ giá cho xe buýt đều tăng theo từng năm. Nếu năm 2008, TP chỉ trợ giá hơn 570 tỷ đồng cho xe buýt thì đến năm 2013 đã tăng lên đến gần 1.400 tỷ đồng.

Năm 2014, TP.HCM dự kiến sẽ dùng 1.500 tỷ đồng tiền từ ngân sách để trợ giá cho loại hình vận tải này. Nếu đề án này sớm được thực hiện sẽ làm giảm tiền trợ giá từ ngân sách nhà nước cho xe buýt.

Nhiều chuyên gia về vận tải của TP.HCM cho rằng, loại hình quảng cáo trên xe buýt có rất nhiều ưu điểm như: Quảng cáo di động, tác dụng lan tỏa nhanh, ít tốn kém chi phí vận hành, thực hiện.

Đã gần 10 năm nay, việc nên hay không cho phép quảng cáo trên thân xe buýt đã liên tục được nhắc tới ở rất nhiều kỳ họp HĐND TP. Thậm chí, giữa năm 2009, TP còn ra lệnh cấm quảng cáo trên các phương tiện giao thông công cộng.

Cho tới năm 2011, UBND TP.HCM mới chấp thuận cho các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu lại đề án này. Suốt từ năm 2012 cho tới nay, đề án này vẫn luôn ở giai đoạn thẩm định hay ‘án binh bất động’.

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn