• Zalo

Chờ ngày bóng đá Sài Gòn 'lúc nào cũng như lễ hội'

Thể thaoThứ Bảy, 30/04/2016 08:45:00 +07:00Google News

Từ chuyện CLB Sài Gòn 'Nam tiến', CLB TP.HCM quyết tâm lên chơi V-League 2017,... đến những lò đào tạo trẻ, là niềm tin về một ngày 'trở lại'

(VTC News) - Từ chuyện CLB Sài Gòn 'Nam tiến', CLB TP.HCM quyết tâm lên chơi V-League 2017,... đến những lò đào tạo trẻ, là niềm tin về một ngày 'trở lại' của bóng đá nơi đây. 

1. Bóng đá TP.HCM, hay nói theo một cách thân thương là bóng đá Sài Gòn, đã từng có những khoảng thời gian hoàng kim, gần nhất là từ những thập niên 70, 80 cho đến những năm đầu thế kỉ 21. 

Ở những thời điểm đó, nói theo cách của Phó bí thư Thành ủy TP.HCM - ông Tất Thành Cang rằng, cứ mỗi khi sân Cộng Hòa (nay là Thống Nhất) sáng đèn là lực lượng công an được điều động quân số tối đa để phân luồng giao thông khắp quận 3, quận 5, quận 10,... Tức là mọi cửa ngõ đến sân.

Tình yêu bóng đá của người dân Sài Gòn còn được biểu hiện qua lời các chú, bác, cụ ông, như sau, nếu đội nhà mà đi đá sân khách, như Long An, biết bao khán giả hâm mộ lặn lội bằng mọi phương tiện xe đò, xe lam, xe máy và cả xe đạp, xuống cho được tận nơi để cổ vũ. "Không khí bóng đá thời đó lúc nào cũng như lễ hội". 

Sân Thống Nhất đông đến nghẹt thở trong một trận cầu những năm 1970
Sân Thống Nhất đông đến nghẹt thở trong một trận cầu những năm 1970 

Trải qua những dịch chuyển của đất nước và cả xu thế chuyên nghiệp hóa bóng đá, thật buồn khi bóng đá Sài Gòn đã không còn được "như lễ hội". Sau năm 2013, thời điểm xảy ra vụ bê bối Sài Gòn Xuân Thành bỏ giải rồi trước đó là Navibank Sài Gòn giải thể. 

Không kể sân Thống Nhất lâu lâu vẫn sôi động nhất thời, những sân bóng khác như sân Đạt Đức, sân Quân khu 7,... dần dần chỉ sáng đèn cho những trận đấu nghiệp dư. Khán giả dần vắng sạch bóng và tất cả chỉ còn biết gặm nhấm quá khứ "cho đỡ buồn". 

2. Câu chuyện về CLB Sài Gòn "chuyển hộ khẩu" vào Nam thi đấu, chắc hẳn vẫn còn khiến nhiều người hâm mộ cảm thấy "có gì đó không đúng". Hay nếu nhìn từ góc độ quản lý, thì nó là biểu hiện của sự bất lực trước cách làm bóng đá tùy tiện - thứ luôn khiến bóng đá Việt Nam mãi chuyên nghiệp nửa vời. 

Song, bất cứ điều gì cũng phải có sự khởi đầu. Ngay cả những vật vô tri như cây cảnh không thể tự nhiên mà đẹp, nếu không được chăm bón, uốn nắn cẩn thận. 

Có thể CLB Sài Gòn đang "chỉ như một con ốc mượn hồn đổi vỏ". Nhưng tập thể này đã được đặt dưới mô hình cổ phần hóa bóng đá, không chỉ có một ông bầu nuôi đội - cách làm của nhiều đội bóng chuyên nghiệp nổi tiếng thế giới, và lần đầu tiên có ở Việt Nam. Đội bóng sẽ không chết vì lí do ông bầu hết tiền, hết hứng thú với bóng đá. 

Những cầu thủ CLB Sài Gòn đang nỗ lực từng ngày để cống hiến cho bóng đá TP.HCM (ảnh: Hoàng Tùng)
Những cầu thủ CLB Sài Gòn khát khao cống hiến cho bóng đá TP.HCM (ảnh: Hoàng Tùng) 

Quan trọng hơn là cách thi đấu trên sân của các cầu thủ. Trong trận Sài Gòn 3-1 Long An, từ những phút đầu trận cho tới bù giờ, 11 cầu thủ của Sài Gòn liên tục hô hào nhau: "Chạy đi", "Đá đi", "Cố gắng lên anh em",... Và sau khi giành được chiến thắng đầu tiên trên sân nhà "mới", việc làm đầu tiên của những cầu thủ là nhắc nhau hướng lên khán đài, để cảm ơn người hâm mộ. "Đá hay d-ồi các em, cứ d-ậy nha", những khán giả trên sân Thống Nhất cũng không quên đáp lại tấm chân tình của đội bóng mà không ai trong số đó, nói giọng Sài Gòn như họ. 

Sau trận đấu, HLV Nguyễn Đức Thắng cũng thổ lộ rằng: "Tôi đã nói nhiều lần với các cầu thủ rằng, người hâm mộ bóng đá Sài Gòn thiệt tình lắm. Họ luôn nói những gì họ nghĩ. Và các cầu thủ của tôi cũng đã có ý thức hơn về xây dựng hình ảnh cho đội bóng, cho địa phương nơi mình đang thi đấu". 

3. Trước khi CLB Sài Gòn "Nam tiến", đội bóng "ruột" của TP.HCM là CLB TP.HCM cũng đã đặt quyết tâm rất cao, là phải thăng hạng V-League 2017. Khí thế này cũng được mọi người dân, người hâm mộ bóng, hưởng ứng nhiệt tình. Trong nhiều lần tới theo dõi những buổi tập của CLB TP.HCM, phóng viên của VTC News luôn nhận được câu nói với vẻ mặt tươi cười của người hâm mộ: "Đội sắp thăng hạng rồi đó. Tranh thủ chụp ảnh nhiều d-ô nha". 

Dẫu cho thành tích từ đầu mùa ở Hạng nhất của CLB TP.HCM vẫn chưa tốt, 1 hòa - 1 thắng - 1 thua, nhưng với tinh thần như trên thì có lẽ, mục tiêu thăng hạng của đội sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. 

Bóng đá TP.HCM đang có nhiều 'hạt mầm' hứa hẹn (ảnh: Hoàng Tùng)
 Bóng đá TP.HCM đang có nhiều 'hạt mầm' hứa hẹn (ảnh: Hoàng Tùng)

Không kể hai đội bóng Sài Gòn và TP.HCM, vùng đất Gia Định - Chợ Lớn khi xưa, cũng đã, đang có những hạt mầm bóng đá đáng để chờ đợi và hi vọng. Như là lò đào tạo PVF từng vô địch từ U13 cho đến U19 Quốc gia; Học viện bóng đá Nutifood HAGL Arsenal JMG - nơi đã cho ra lò lứa cầu thủ trẻ HAGL đầy chất lượng, vô vàn những giải đấu cấp địa phương cho đến cấp Thành thuộc chương trình bóng đá học đường... Hay gần đây là việc CLB Lyon (Pháp) kí thỏa thuận hợp tác với LĐBĐ TP.HCM (HFF).

4. Tất cả những gì đang diễn ra, từ "trách nhiệm thi đấu vì địa phương" của CLB Sài Gòn, "quyết tâm lên V-League cao ngút" của CLB TP.HCM, đến những lò đào tạo trẻ, bóng đá học đường, liên kết với nền bóng đá phát triển,... là niềm tin về một ngày "trở lại" của bóng đá Sài Gòn. Bóng đá Sài Gòn chắc chắn sẽ có ngày lại ngày "lúc nào cũng như lễ hội". 

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM - ông Trần Anh Tú cũng từng khẳng định rằng: "TP.HCM có nhiều công ty, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước sẵn sàng đầu tư cho bóng đá. Quan trọng là cách làm bóng đá phải thực sự chuyên nghiệp và có định hướng phát triển bền vững thì, mới nhận được sự góp sức của cộng đồng". 

Hoàng Tùng
Bình luận
vtcnews.vn