(VTC News) – Mặc dù chi hơn 10 tỷ đồng cho marketing trong 6 tháng đầu năm nhưng Hanoimilk, ông lớn sữa Hà Nội, vẫn chịu lỗ gần 1,5 tỷ đồng.
Doanh thu giảm, lợi nhuận âm
Công ty cổ phần sữa Hà Nội (HNM) vừa công bố báo cáo kêt quả kinh doanh quý 2/2014 và 6 tháng đầu năm. Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt 317,13 tỷ đồng, chỉ bằng 10% cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 6 tháng đầu năm HNM lỗ 1,49 tỷ đồng.
Có thể thấy, HNM vẫn chưa bù đắp được khoản lỗ của quý 1 khi kết quả kinh doanh quý 2 không có nhiều khả quan vì doanh thu giảm mạnh.
Doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 2 chỉ đạt 67,05 tỷ đồng, giảm 21,65 tỷ đồng, tương ứng 24,41%, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 105,99 tỷ đồng, giảm 23,45 tỷ đồng, tương ứng 18,12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 2 chỉ đạt 19,36 tỷ đồng, giảm 6,68 tỷ đồng, tương đương 25,65% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 29,20 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, Hanoimilk vẫn thua lỗ |
Trong kỳ, HNM thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” nên nhiều loại chi phí quan trọng đều giảm mạnh. Bán hàng là khoản mục chi phí quan trọng của HNM đạt 10,33 tỷ đồng, giảm 7,09 tỷ đồng, tương đương 40,7% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 18,43 tỷ đồng.
Chi phí quản lý doanh nghiệp quý 2 đạt 2,4 tỷ đồng, giảm 1,62 tỷ đồng, giảm 40,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 4,68 tỷ đồng.
Các chi phí quan trọng giảm không đủ bù đắp cho chi phí khác tăng vọt. Quý 2, chi phí khác 15,12 tỷ đồng, tăng 15,05 tỷ đồng, tương ứng 215 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 15,12 tỷ đồng. Khoản chi phí khác không hề phát sinh trong quý 1.
Chi phí khác tăng vọt khiến lợi nhuận sau thuế của quý 2 của HNM chỉ là con số rất khiêm tốn. Khoản lãi hơn 300 triệu đồng không đủ bù đắp cho khoản lỗ hơn 1,8 tỷ đồng trong quý 1. Vì vậy, 6 tháng đầu năm, HNM vẫn gánh chịu khoản lỗ 1,49 tỷ đồng.
Nỗ lực marketing
Điều đáng nói, doanh thu của HNM giảm mạnh dù HNM rất nỗ lực quảng cáo. Tính tới ngày 30/6/2014, chi phí marketing trong khoản mục chi phí trả trước dài hạn đạt 10,83 tỷ đồng. Con số này tại thời điểm 31/12/2013 chỉ là 7,16 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính, HNM gây nhiều bất ngờ cho cổ đông khi đầu tư vào… hệ thống chiếu phim 3D. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của dự án này là 90,15 triệu đồng. Nhiều khả năng đây không phải khoản đầu tư ngoài ngành mà có thể hệ thống chiếu phim 3D được phục vụ khách hàng.
Nỗ lực marketing không giúp HNM cải thiện lượng tiêu thụ. Trong kỳ, HNM đối mặt với tình trạng doanh thu giảm, hàng tồn kho tăng mạnh. Tại thời điểm 30/6, hàng tồn kho của HNM lên tới 35,05 tỷ đồng, tăng 16,78 tỷ đồng, tương ứng 91,84% so với thời điểm cuối năm 2013.
Trong quý 2, khoản thu nhập khác của HNM ghi nhận giá trị tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất chuyển nhượng cho công ty Thiên Nam. Giá trị này đạt 24,86 tỷ đồng. Tuy nhiên khoản thu nhập này bị giảm mạnh khi chi phí chuyển nhượng gắn liền với quyền sử dụng đất là con số rất lớn, lên tới 15,03 tỷ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của HNM tại thời điểm 30/6 giảm 834,07 tỷ đồng. Khoản giảm trừ này được chú thích là thù lao Hội đồng quản trị 6 tháng đầu năm 2014.
Lương lãnh đạo tại HNM là vấn đề gây nhiều tranh cãi tại các đại hội đông. Tại Đại hội cổ đông HNM diễn ra vào cuối tháng 5, vấn đề lương bổng của Chủ tịch Hội đồng quản trị lại tiếp tục được đưa ra bàn nghị sự.
Cổ đông tỏ ra không hài lòng khi thù lao của ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HNM, luôn cố định ở mức 600 triệu đồng/năm, tương đương 50 triệu đồng/tháng.
Ông Tuấn nhận mức lương cao này ngay tại khoảng thời gian công ty chỉ lãi hơn 1 tỷ đồng và cả thời điểm công ty lỗ gần 22 tỷ đồng.
Bảo Linh
Bình luận