• Zalo

Chấm điểm bằng lời, giáo viên than khổ

Giáo dụcThứ Tư, 13/08/2014 10:56:00 +07:00Google News

Bộ GD-ĐT khá háo hức với dự định bỏ quy định chấm điểm thường xuyên với học sinh tiểu học, thay vào đó là các nhận xét bằng lời.

Bộ GD-ĐT khá háo hức với dự định bỏ quy định chấm điểm thường xuyên với học sinh tiểu học, thay vào đó là các nhận xét bằng lời.

Các chiêu "không lời"
Học sinh lớp 1 trong ngày khai giảng. Ảnh: Lê Huyền. 
Đã từng thí điểm ở lớp 1 năm học trước, đến năm học này, Bộ GĐ-ĐT dự định sẽ áp dụng rộng rãi việc thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học. Nội dung nổi bật của dự thảo này là giáo viên không chấm điểm thường xuyên. Việc cho điểm sẽ chỉ ở bài kiểm tra đánh giá định kì kết quả học tập vào cuối học kì I và cuối năm học.

Tại hội nghị triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2014 – 2015 của Sở GD-ĐT Hà Nội diễn ra ngày 12/8, bà Nguyễn Thị Minh Xuyến, phó trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho biết nhiều phụ huynh vẫn chỉ quan tâm điểm số, không quan tâm nhận xét của giáo viên như thế nào.

“Khó khăn đối với giáo viên là làm sao để nhận xét phù hợp và không trùng lặp. Học sinh lớp 1 không đọc và hiểu được nhận xét của cô, nên không hứng thú như khi cho điểm. Và trên địa bàn quận, hầu hết các lớp có sĩ số rất lớn nên việc nhận xét khiến giáo viên rất mất thời gian”. Đó là tổng kết của một người quản lý giáo dục.

Còn khi hỏi xuống tới giáo viên, mới thấy câu chuyện càng thêm khó khăn, do giáo viên chưa được hướng dẫn và có bảng nhận xét để làm công cụ đánh giá. “Bỏ chấm điểm thay bằng nhận xét là một chủ trương hay, buộc giáo viên phải dạy thật, cẩn thận hơn. Cho điểm cũng là một áp lực, dẫn đến việc học sinh phải đi học thêm.

Tuy nhiên, không gây áp lực cho học sinh cũng là điều hơi dở. Vì không còn sức ép điểm số, học sinh mải chơi hơn, giáo viên mệt hơn trong việc quản lý, giảng dạy để đảm bảo chất lượng”. Đây là ý kiến của chị N.A, một giáo viên tiểu học tại Hà Nội. Bên cạnh đó, theo chị N.A, việc nhận xét học sinh thay vì cho điểm cũng đã gây ức chế cho giáo viên, bởi những yêu cầu quá rắc rối mà không để làm gì.

“Yêu cầu là nhận xét, nhưng nếu viết theo kiểu rất tốt, cố gắng lên, có tiến bộ… thì lại không cho, mà bắt viết cụ thể hơn. Thay điểm số bằng dán sticker hình mặt cười, chuột mickey các con rất thích nhưng cũng bị cấm nốt. Ngày nào cũng phải ghi sổ, tôi rất mệt mỏi. Hơn nữa, lớp hơn 50 cháu, ngày nào cũng nhận xét, biết nhận xét cái gì?”

Chị T.H, giáo viên một trường tiểu học tại Hà Nội cho biết năm học trước khi biết phải nhận xét học sinh thay điểm số chị đã chuẩn bị ngay 5 cái “triện” với những nhận xét như “Rất tốt”, “Cần cố gắng”, “Cô khen”, “Cố lên nhé”… với dự tính để đóng dấu vào vở cho học sinh, nhưng rồi không được dùng.

“Giáo viên chúng tôi được yêu cầu phải viết tay. Ngồi viết tay hơn 60 cái nhận xét, có muốn viết đẹp hết cũng khó. Ý tứ cũng chỉ có thế, sao không cho chúng tôi làm cách khác nhanh chóng hơn. Những trường hợp đặc biệt nào cần lưu ý thì chúng tôi khắc có nhận xét thêm, có phải là đỡ mất thời gian và công sức?”

Đồn đại về “sáng kiến” nhận xét thay cho điểm trong giáo viên Hà Nội còn là kiểu không cho điểm mà như có. Đó là thay vì chấm điểm bằng con số, thì trong bài của học sinh giáo viên sẽ “nhận xét” bằng chữ như “B’ ” - tức là bẩy (7) điểm, chữ “T” với dấu sắc tức là tám (8) điểm, chữ “S” và dấu sắc là sáu (6) điểm…

Giáo viên không muốn bị “hành”

“Muốn giáo viên chúng tôi nhận xét, cần phải nói rõ mức độ nhận xét như thế nào, nhận xét từng kỹ năng nghe nói đọc viết hay nhận xét chung. Nếu chỉ nhận xét “đạt” hay “không đạt” thì đơn giản quá, vì học sinh nào chả từ đạt trở lên” - một giáo viên tiếng Anh tiểu học cho biết trước thông tin có thể phải thay việc chấm điểm bằng nhận xét trong năm học mới.

“Còn nếu yêu cầu nhận xét kỹ, sẽ là chuyện đau đầu với một giáo viên như tôi. Năm nào tối thiểu tôi cũng dạy từ 200 học sinh trở lên. Một tháng nhận xét một lần cũng là cả một vấn đề về thời gian thực hiện, chứ đừng nói nhận xét hàng ngày. Nhận xét hàng tuần cũng khó, vì sau một tuần, với 2 -3 tiết học, học sinh đã có gì để mà tổng kết”.

“Bộ, Sở cần nghĩ lại phương pháp để giáo viên đỡ khổ” - Chị M.N, cũng giáo viên lớp 1 ở Hà Nội nếu ý kiến. “Sao không học cách làm việc khoa học như ở nước ngoài, ví dụ như cho 5 cột nhận xét theo các mức độ đạt, chưa đạt, tốt, giỏi… rồi cho giáo viên nhận xét học sinh bằng bảng biểu trên máy tính, ngày nào đánh dấu ngày đó rất nhanh. Cuối tháng có thể gửi nhận xét kỹ hơn về cho phụ huynh?”.

“Tôi dạy nhiều học sinh là dạng “công tử” “tiểu thư” trong nhà, con có sai một dấu phẩy đôi khi cũng bốc máy gọi cô để hỏi, nên tất nhiên là rất thích cô nhận xét rồi. Nhưng Bộ cũng phải xem đến đại trà. Tôi cho rằng Bộ cần thí điểm, tổng kết rồi hãy triển khai mở rộng ra các lớp học khác.

Lãnh đạo Bộ cứ thử xuống trực tiếp làm công việc của giáo viên chúng tôi liên tục trong 1 tháng đi, chứ không phải là đi kiểm tra đánh giá trong thoáng chốc, hay nhận những góp ý đã được “kiểm duyệt” từ trường lên Sở, từ Sở lên Bộ, sẽ thấy thực tế như thế nào để có những thay đổi, lựa chọn hợp lý nhất”.

Theo Ngân Anh/Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn