(VTC News) – Các em mới chỉ là những đứa trẻ, đáng lẽ sẽ nhận được sự yêu thương, đùm bọc, chở che của cả cha và mẹ.
Hàng ngày, ở tòa án có nhiều vụ án “giết người, “hiếp dâm” “trộm cắp, cướp giật tài sản” và cả những vụ án “lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản”… được tòa án đưa ra xét xử.
Mỗi vụ án, mỗi hành vi, mánh khóe và những lời cáo buộc tội danh khác nhau. Nhưng ở sau mỗi vụ án là cả một nỗi đau dai dẳng của những người thân, những đứa trẻ thơ khi biết cha mình phạm tội.
Con sợ công an bắt như ba
Ngày 18/1/2013, Tòa án nhân dân TP.HCM đã đưa vụ án “giết” người do bị cáo Hồ Xuân Nở (35 tuổi, ở Q.8, TP.HCM) ra xét xử sơ thẩm. Nguyên nhân của vụ án cũng chỉ vì chỉ vì chị gái Nở nợ bà Ngô Ngô Thu 200.000 đồng mà không chịu mang trả, dẫn đến việc hai bên gây lộn với nhau.
Rồi khi hai bên gia đình Nở và gia đình bà Thu mạt sát nhau. Nở cũng chỉ là người “không biết gì” và chỉ nghe theo sự chỉ đạo đến dàn xếp cuộc ẩu đả giữa hai bên. Nhưng khi vừa đến nơi, hắn lại “nhìn gà hóa quốc” dẫn đến gây ra cái chết cho ông Phạm Văn Dâu (dượng của bà Thu).
Nở bị bắt. Cái án mà hắn phải nhận là 16 năm tù giam, nhưng bản án lương tâm có lẽ hắn sẽ không bao giờ quên là nỗi đau của những người ở lại, nhất là con trai của hắn. Bé chỉ mới 4 tuổi, học mẫu giáo chồi ở một trường mầm non Q.8.
Được "cử" đến dàn xếp cuộc hỗn chiến, Nở đã gây ra cái chết đau thương cho người khác |
Biết tin ba bị công an bắt đi, lúc nào bé cũng nhớ thương ba, cũng canh cánh một nỗi lo, bé sẽ bị công an bắt đi như ba. Hôm vợ Nở hay tin, ba bé sắp đến ngày xử, bé nằng nặc đòi nghỉ học để đến gặp ba. Bởi với ý thức của đứa trẻ con, đến tòa bé sẽ được ba bế bà được đùa nghịch với ba.
Kết thúc phiên tòa, Nở được công an đưa ra xe chở phạm trở về trại, nhìn thấy ba từ xa, bé muốn chạy thất nhanh đến nắm lấy tay ba và bảo ba hay về với con. Nhưng với sự sợ hãi của một đứa trẻ, bé chỉ dám rón rén từng bước một đến gần chiếc xe chở phạm và chỉ biết mếu máo đứng nhìn.
“Con nhớ ba, con muốn được ba bế, muốn được ba cõng trên lưng đưa đi chơi nhưng con sợ lắm. Con sợ mấy chú công an bắt con đi như ba, nên con chỉ biết nhìn từ xa thôi”.
Con sẽ tha thứ cho ba
Bị cáo Đoàn Gia Lộc (35 tuổi, ở khu phố Phước Vĩnh, P.Phước Bình, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) đã bị Tòa Phúc thẩm nhân dân tối cao tại TP.HCM tuyên tù chung thân về tội “Giết người” vào sáng ngày 11/12/2012. Người mà Lộc ra tay sát hại là người vợ đã bao nhiêu năm “đầu ấp tay gối” và sinh cho hắn 2 đứa con ngoan, học giỏi.
Chuyện xảy ra vào ngày 30/11/2012. Nguyên nhân cũng bởi, chị Phan Thị Minh Trang (33 tuổi, vợ Lộc) nằng nặc đòi ly hôn cho bằng được, mà Lộc lại không đồng ý nên dẫn đến hai bên cãi nhau. Chị Trang cay nghiệt chồng bằng những lời “chợ búa”. Còn Lực cũng đấu lại bằng những lời nhục mạ vợ không kém.
Rồi khi cơn nóng giận của gã đàn ông nổi lên, Lực giật lấy con dao chị Trang đang làm thức ăn trong bếp đâm lấy, đâm để vợ. Chị Trang chạy ra sân kêu cứu rồi ra đi trong đau đớn, tuyệt vọng.
Lúc đầu con ghét ba lắm, vì ba giết mẹ. Nhưng giờ thì khác, con sẽ tha thứ cho ba |
Trong phiên tòa sơ thẩm, Lực bị tuyên tù chung thân nhưng hắn đã làm đơn kháng cáo lên tòa tối cao tại TP.HCM xin giảm nhẹ hình phạt vì lý do sớm hoàn lương nuôi con nhỏ là Đoàn L.G (SN 2001) và Đ.G.L (2003). Để được nhìn ba trong phiên tòa phúc thẩm, cháu Đoàn Lệ Giang đã nghỉ học xin bác cho xuống thành phố dự phiên xử ba.
Nhưng do còn nhỏ, em không được vào phòng xử án, chỉ có thể ngồi ở dãy ghế ngoài hành lang để nhìn ba từ xa. Đoàn L.G cho biết, hiện em đang học lớp 7 và đang ở chung với một người bác ở Lâm Đồng, còn em Đ.G.L thì ở với ông bà ngoại ở Bà Rịa – Vũng Tàu. “Đã lâu lắm rồi con chưa được chơi với em, con nhớ em, nhớ mẹ và nhớ cả ba nữa”.
Khi được hỏi, Con có giận ba không, G. rưng rưng nước mắt “lúc đầu con ghét ba, con giận ba lắm nhưng giờ con không giận ba nữa, con sẽ tha thứ cho ba. Hôm xảy ra vụ án, con đứng ở một góc nhà và chứng kiến toàn bộ sự việc. Ba và mẹ cùng gây lộn với nhau. Được một lúc ba đánh mẹ, mẹ cũng đánh lại ba rồi ba dùng dao đâm mẹ”.
Ông Đoàn Xuân Ngạn (SN 1955, ba Lộc) cho biết, lúc mới xảy ra vụ án, hai đứa trẻ đều sốc, không ăn uống gì được, tinh thần sa sút, ám ảnh chuyện ba giết mẹ. Đến nay, vẫn chưa tìm được nụ cười. Thương cháu, ông cũng chỉ biết động viên và tạo cơ hội lo cho các cháu ăn học.
Phiên tòa kết thúc, Lộc phải vội vã ra xe chở phạm, nước mắt ngắn dài, bé G. lẽo đẽo theo sau chân ba. Em thảm thiết gọi được hai chữ “ba ơi” trong tuyệt vọng. Phía trước, nước mắt Lộc cũng chảy dài trên hai gò má, nhưng hắn không dám ngoái lại để nhìn con gái.
Ngọc Thân
Bình luận