Năm 1963, một cậu bé đến từ quận Brooklyn đã cùng cô của cậu đến xem Radio City Rockettes biểu diễn. Và chuyến đi đó đã thay đổi cuộc đời cậu mãi mãi.
Sau chương trình, họ dừng lại tại một cửa hàng thức ăn nhanh, nơi những chiếc máy bán hàng tự động xếp thành một hàng dài. Vẻ sáng bóng và cách chúng vận hành đã cuốn hút cậu bé. “Làm thế nào mà người ta có thể làm một miếng bánh bằng cách thả 25 xu vào một cái khe và ấn nút?”, cậu tự hỏi.
Cậu bé đó chính là Howard Schultz, người sau này tạo ra một đế chế làm thay đổi cách người Mỹ tiêu thụ cà phê.
Vươn lên từ khó khăn
Hiện tại, Schultz 63 tuổi và hồi tưởng lại những chuyện đã xảy ra.
“Cô ấy giải thích với tôi là có một nhà ảo thuật ở phía sau những chiếc máy. Tất nhiên, tôi đã tin”, ông chủ của thương hiệu cà phê nàng tiên cá chia sẻ. Trải nghiệm đó làm dấy lên trong ông niềm say mê đối với việc mang đến “nhà hát và sự lãng mạn” cho mảng bán lẻ.
Lớn lên tại Bayview House - một dự án nhà ở xã hội xuống cấp tại khu vực Brooklyn, Schultz cảm nhận rõ sự tương phản rõ rệt giữa cuộc sống trong căn nhà dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp của gia đình ông với và sự quyến rũ của khu Midtown Manhattan.
"Không có cách nào để thoát khỏi tình cảnh đó. Cha tôi thất học trong khi mẹ tôi không có việc làm. Đó là một khoảng thời gian khó khăn. Khi lớn hơn, tôi thực sự cảm thấy tồi tệ", người đàn ông này kể.
Đến tuổi thiếu niên, Schultz nhận ra khả năng thể thao là tấm vé duy nhất giúp ông thoát khỏi tình cảnh. Và học bổng bóng đá tại Đại học Northern Michigan đã mang đến cơ hội mà ông vẫn mong chờ.
Sau khi tốt nghiệp, ông bắt đầu xây dựng sự nghiệp với việc bán hàng. Cuối cùng, ông vào làm cho một hãng sản xuất máy pha cà phê. Một trong những khách hàng của ông là quán cà phê nhỏ ở thành phố Seattle mang tên Starbucks. Câu chuyện sau đó thuộc về lịch sử.
Muốn làm sống lại giấc mơ Mỹ
Giống như nhiều doanh nhân khác, giấc mơ Mỹ của Schultz đã trở thành hiện thực. Song ông hối tiếc vì đã bỏ lỡ cơ hội nói với bố mẹ về chuyện cuộc đấu tranh của họ đã truyền cảm hứng để ông thành công nhiều đến mức nào.
"Tôi nghĩ rằng tôi sẽ chẳng có động lực, sự tò mò cũng như nỗi sợ thất bại nếu tôi không có xuất phát điểm như vậy. Điều thật lòng nhất mà tôi có thể nói với các bạn là đến ngày hôm nay, tôi vẫn sợ thất bại", Schultz trải lòng.
Bên cạnh đó, ông lo ngại rằng thanh niên ngày nay không còn cơ hội như vậy để tiến thân.
"Bạn không thể có một xã hội mà ở đó 6 triệu thanh niên không thể kết nối với nhau bởi họ không đến trường, không làm việc và mọi người cảm thấy như thể đó không phải là trách nhiệm của mình. Đó là trách nhiệm chung của chúng ta bởi người Mỹ sinh ra là để nâng mọi người lên", ông nhấn mạnh.
Theo CNN, Schultz bước xuống khỏi vị trí lãnh đạo của Starbucks vào tháng 4 tới. Thay vì điều hành công ty, ông sẽ trở thành chủ tịch điều hành và tập trung vào việc đổi mới, các dịch vụ cao cấp và quan trọng nhất là chức năng tác động đến xã hội. Một phần nhiệm vụ của ông chính là làm sống lại giấc mơ Mỹ.
Bình luận