• Zalo

Cậu học trò sợ đậu đại học

Giáo dụcChủ Nhật, 03/08/2014 09:56:00 +07:00Google News

Kết thúc kỳ thi đại học, trong khi biết bao học sinh ước mơ được bước vào giảng đường thì Hồ Ngọc Tuấn (học sinh Trường THPT Tây Sơn, TP Đà Lạt) lại sợ đậu ĐH.

Kết thúc kỳ thi đại học, trong khi biết bao học sinh ước mơ được bước vào giảng đường thì Hồ Ngọc Tuấn (học sinh Trường THPT Tây Sơn, TP Đà Lạt) lại sợ đậu đại học.

Khó khăn chồng khó khăn khi hơn một năm trước mẹ Tuấn - bà Nguyễn Thị Nga (42 tuổi) - bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não nặng đến mức mất trí nhớ và suy giảm khả năng vận động. 
Điều này khiến Tuấn tần ngần đắn đo khi cổng trường đại học đã hé mở với cậu.
đại học
Hồ Ngọc Tuấn và mẹ. 
Đi bán dạo đĩa nhạc

Cha mẹ chia tay khi Tuấn còn nhỏ, Tuấn sống với mẹ trong ngôi nhà nhỏ ẩm thấp ở hẻm số 7 đường Pasteur (TP Đà Lạt). 
Người cha có chia sẻ khó khăn với hai mẹ con, nhưng đồng lương tài xế xe buýt thiếu trước hụt sau cũng không đủ giúp đỡ. Mẹ và Tuấn sống chật vật bằng việc bán băng đĩa dạo.

Cuối tháng 4-2013, trên đường đi bán đĩa về, mẹ Tuấn bị ôtô tông chấn thương sọ não nặng phải điều trị hơn sáu tháng ở khắp bệnh viện lớn tại Lâm Đồng và TP.HCM. Mẹ Tuấn được cứu sống nhưng trí nhớ bị tổn thương, ngay cả đi đứng cũng trở nên khó khăn.

Gia cảnh vốn khó khăn trở nên suy kiệt. Đó là quãng thời gian Tuấn suy sụp nhất. Những vất vả của một gia đình đơn chiếc đã khiến chàng trai 17 tuổi già trước tuổi và sức học cũng suy giảm. 
Nếu năm lớp 11 Tuấn đạt học sinh khá thì học kỳ 1 lớp 12 học lực chỉ trung bình.

Tuấn nhớ lại: “Nhiều lần em tính nghỉ học, sau một lần tính vậy em lại ráng học nhiều hơn. Nhà em khó khăn phần nhiều do không có nghề nghiệp, giờ em lại rơi vô cảnh không có nghề nghiệp nữa thì không biết sẽ khổ cỡ nào. Tiền đâu sau này lo cho mẹ”.

Có lần quá túng thiếu, Tuấn ôm hộp đĩa nhạc của mẹ ra chợ Đà Lạt bán dạo nhưng cũng không đủ sống. Thương hoàn cảnh của cậu, những phụ nữ bán đĩa, bạn của mẹ Tuấn, đã bán phụ cho Tuấn. 
Có người khuyên: “Lo về chăm mẹ rồi học cho đàng hoàng, giờ con bán đĩa rong với cô suốt đời thì không lo cho mẹ được”.

Tuấn ngân ngấn nước mắt kể lại khoảng thời gian đó, cậu nói: “Nghe lời mấy cô, em bớt lo kiếm tiền, dành thời gian học nhiều hơn, lúc rảnh em chạy ra chợ Đà Lạt xin phụ việc linh tinh để kiếm ít tiền lo cơm nước trong nhà”. 
Học trong bệnh viện Tuấn bắt đầu thay đổi cuộc sống của mình để thích ứng với hoàn cảnh.

Mẹ chuyển viện đến nơi nào, Tuấn lại ôm sách vở đi theo để tranh thủ học sau khi chăm mẹ. Mỗi lần nghe tiếng mẹ mê sảng, cậu lại bỏ sách thăm chừng mẹ hay chạy đi tìm bác sĩ. Và kết quả của những đêm học bên giường bệnh là sức học của Tuấn đã khả quan hơn.

Ở học kỳ 2, Tuấn đã vươn lên hạng khá. Bà Lê Thị Huyền Trinh, hàng xóm của Tuấn, tỏ lòng quý mến với sự vượt khó của Tuấn: “Lúc mẹ nằm bệnh viện, nó đi học về là lo làm hết việc nhà, nấu cháo mang vô viện cho mẹ rồi ở lại đến nửa đêm hoặc sáng mới về. Nhiều lần đã gần 2 giờ sáng, tôi nhìn vào nhà thấy thằng nhỏ chong đèn học”...

Tuấn đã định không đi thi đại học nhưng rồi cậu quyết định thi cho thỏa lòng, làm bài hết sức để không tiếc nuối. 
Việc tiếp tục học Tuấn không dám nghĩ tới bởi chi phí học sẽ trở thành gánh nặng quá sức đối với cậu học trò hơn một năm qua phải tự thân vận động để nuôi bản thân và cả người mẹ. “Ước gì em không đậu đại học, em sẽ chấp nhận mọi thứ nhẹ nhàng hơn”,

Tuấn tần ngần. Cậu nói tiếp: “Nếu rớt đại học em chấp nhận ra đời kiếm sống bằng cách này cách khác. Còn đậu đại học mà phải từ bỏ việc đi học thì mình buồn, và nếu mẹ còn trí nhớ mà biết chuyện này chắc mẹ sẽ tủi thân không biết chừng nào”.

Theo Tuổi trẻ

Bình luận
vtcnews.vn