• Zalo

Cậu bé 5 năm bò đến lớp bằng tay

Thời sựThứ Hai, 03/12/2012 03:44:00 +07:00Google News

Lầu A Sáng chưa bao giờ được đi dép vì đôi chân dị tật, còn đôi bàn tay chi chít sẹo lớn nhỏ vì bò trên đá.

Lầu A Sáng chưa bao giờ được đi dép vì đôi chân dị tật, còn đôi bàn tay chi chít sẹo lớn nhỏ vì bò trên đá.

6 tuổi tập bò như trẻ 6 tháng

Lầu A Sáng, 13 tuổi, người dân tộc H'Mông sống ở tiểu khu Pa Khen I, thị trấn Nông trường Mộc Châu, Mộc Châu, Sơn La. Sáng nặng 17 kg, thân hình nhỏ bé như trẻ 6 tuổi.

Từ lúc sinh ra, Sáng không đi lại được bằng chân vì khối u sau mông. Ở miền núi lạc hậu, nhà lại nghèo, đến năm 6 tuổi gia đình Sáng mới có điều kiện chạy chữa. Mổ xong, Sáng thoát khỏi bàn tay tử thần nhưng cái chân lúc này đã tóp lại như thân cây cằn cỗi, cong queo, không thể đi lại được nữa. Người già trong bản bảo, thế là cái chân thằng Sáng đã chết. Từ ấy Sáng chỉ có thể ngồi một chỗ.

Khi các bạn trong bản cắp sách tới trường, Sáng ngồi một chỗ nhìn theo mà thèm. Không thể cứ nằm mãi với hai chân như vậy, Sáng bắt đầu tập di chuyển bằng cách… bò. Cậu bé 6 tuổi học bò như đứa trẻ 6 tháng.

Sáng bò bằng tay đến trường trên con đường gập ghềnh đá sỏi 

Những ngày đầu tập di chuyển rất khó nhọc. Cái đầu bảo phải đi nhưng cái tay yếu ớt không nâng nổi cả người, Sáng gắng sức đến vã mồ hôi cũng chẳng ăn thua. Thế nhưng niềm khao khát tự di chuyển được khiến Sáng tập bò cả ngày lẫn đêm, tập hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn lần. Tháng này nối tiếp tháng sau, đến mùa con nước năm sau lại lên thì Sáng đã có thể bò được từ góc nhà này tới góc nhà kia, rồi ra tới ngoài sân.

5 năm bò đến lớp bằng tay

Thấy các bạn cùng trang lứa lên núi bắt chim, cắp sách đến lớp học, rồi nghe chúng nó kể bao nhiêu chuyện hay trên lớp Sáng thèm lắm. Sáng đòi bố mẹ cho đi học, nhưng bố mẹ Sáng bảo mày không đi được thì làm sao mà đến lớp học. Sáng tủi thân nói với bố mẹ: “Nếu bố mẹ không cho con đi học thì bố mẹ bóp chết con đi”. Thương con bố mẹ đưa Sáng đến lớp.

Hai chị gái cùng học một trường với Sáng nhưng con gái H’Mông hay xấu hổ nên không chịu cõng em đến lớp. Thế là ngày nào bố đi làm muộn thì bố cõng Sáng đến lớp. Hôm nào bố bận, Sáng phải tự bò gần một cây số đường đá để học chữ.
Sáng bảo: “Bò trên đá đau lắm nhưng không khóc đâu vì được đến trường học với các bạn thích lắm” 

Cứ sáu giờ kém hai mươi, cõng cặp trên lưng, Sáng bắt đầu bò đến trường. Quãng đường đến trường Sáng đi hết gần một tiếng đồng hồ, trong khi chúng bạn đi bộ mất 10 phút. Người ta vừa đi vừa đùa còn Sáng mải miết đi nhưng vẫn không theo kịp.

Những ngày đông buốt rét, bàn tay và bàn chân vốn đã nhiều vết thương, càng nứt nẻ rớm máu đau buốt đến mất cảm giác. Sáng bảo: “Bò trên đá đau lắm nhưng không khóc đâu vì được đến trường học với các bạn thích lắm”.

Sáng kể: “Hôm nào trời mưa đường lầy lội bố mẹ bảo ở nhà nhưng Sáng sợ nghỉ học thì không biết bài học, ở nhà buồn lắm. Sáng tự bò đến lớp quần áo bê bết bùn đất, đến trường thì hứng nước mưa từ mái ngòi chảy xuống rửa quần áo chân tay. Rửa xong quần áo ướt hết nhưng cứ để gió thổi nó tự khô”.

Ước mơ đi dép

Vào năm học, trẻ con trong bản được bố mẹ dẫn xuống chợ mua quần áo, giày dép mới chuẩn bị cho năm học. Còn Sáng chỉ có hai cái áo mặc từ bé, nay đã cộc đến rốn. “Mua quần áo mới thì mặc vào lại bẩn, bò lê trên đất quần áo mới cũng thành cũ thôi”, Sáng nói. Chưa một lần trong đời Sáng được đi dép. Bàn chân dị tật đi dép vào thì không thể bò được. Bàn tay chi chit sẹo lớn sẹo nhỏ chai sần, không lúc nào không bám đất bẩn đen sì.

Sáng bị bệnh đường tiết niệu nên lúc nào cũng phải đóng bỉm. Dù đôi chân yếu nhưng Sáng có khối óc, đôi tay, kèm nghị lực kiên cường nên 5 năm qua Sáng đều đạt học lực khá.
Sáng bảo: “Bò trên đá đau lắm nhưng không khóc đâu vì được đến trường học với các bạn thích lắm” 

Cô giáo Vũ Thị Nhiên, giáo viên chủ nhiệm lớp tiểu học của Sáng cho biết: “Sáng rất thông minh, em làm tính rất nhanh. Môn Toán của em toàn được điểm 9, 10. Với người H’Mông, Tiếng Việt là môn học khó nhưng Sáng là một trong số ít học sinh học tốt và nói rất sõi.

Trong những năm học lớp tôi chủ nhiệm, Sáng chỉ nghỉ hai buổi vì bị ốm”. Cô Nhiên Tâm sự có một lần trong giờ Tiếng Việt, Sáng hỏi một câu hỏi khiến cô không biết trả lời sao: “Cô giáo ơi sao những bạn khác không bị tàn tật như em lại không thích đi học còn em thích đi học lắm nhưng bố mẹ em bảo bị tàn tật học để làm gì”. Câu hỏi của Sáng khiến cô ứa nước mắt.


Thầy Trần Văn Quản, Hiệu trưởng Trường tiểu học 19/5 thị trấn Nông trường Mộc Châu chia sẻ: “Gần 30 năm đứng trên bục giảng lần đầu tiên tôi gặp một em học sinh dân tộc ít người, ở miền núi dù bị khuyết tật lại có tinh thần hiếu học như vậy. Học sinh ở đây đi học thường bỏ giữa chừng, thầy cô phải đến tận nhà vận động bố mẹ và học sinh đến lớp”.

Giờ Sáng đang học lớp 6A3 trường tiểu học 19/5 thị trấn Nông trường Mộc Châu. Trường học cách nhà 5 cây số nên Sáng cần người đưa đón. Dù việc đi học của Sáng phụ thuộc vào anh trai, nhưng cô Lương Thị Hải giáo viên chủ nhiệm lớp cho biết: “Em Sáng đi học đầy đủ lắm, còn ít nghỉ hơn nhiều học sinh khác trong lớp”.

“Cái chân không đi được, không lên nương trồng ngô hái bắp với bố mẹ, Sáng chỉ biết mỗi học thôi, muốn học để sau này bố mẹ chết còn tự nuôi được mình, nhưng không biết học được đến bao giờ vì trường cấp hai xa lắm”, Sáng nói.

Theo ione.net

Bình luận
vtcnews.vn